Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người năm 2025

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người năm 2025 với mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, đồng thời đảm bảo kiểm soát hiệu quả, kịp thời, bền vững các dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai.

Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở y tế

Hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục có nguy cơ cao. Tại tỉnh Thái Nguyên, mặc dù các bệnh truyền nhiễm trong năm 2024 cơ bản được kiểm soát, nhưng theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, một số bệnh như sởi, cúm, ho gà... đã ghi nhận số mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo trong năm 2025, các bệnh truyền nhiễm có thể tiếp tục diễn biến khó lường do các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi và các hình thức lây truyền đa dạng. Các bệnh như sởi, dại, sốt xuất huyết, tay chân miệng đã có vắc xin dự phòng, nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm và nguy cơ lây lan thành dịch. Ngoài ra, hiện nay còn xuất hiện các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi như bệnh viêm phổi do virus HMPV và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Trước diễn biến đó, Kế hoạch của UBND tỉnh đã đặt ra các mục tiêu: Tăng cường năng lực giám sát phòng, chống bệnh truyền nhiễm từ tỉnh đến cơ sở, triển khai giám sát dựa vào sự kiện và đảm bảo 100% cán bộ y tế trong hệ thống giám sát, xử lý các loại dịch bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở được tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, các cơ sở y tế sẽ củng cố lại hệ thống điều trị, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân một cách hiệu quả. Về công tác tiêm chủng, Kế hoạch yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ quy mô cấp xã các loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt ≥ 90%, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi - rubella đạt ≥ 95%, duy trì thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới nổi trong tình hình mới, đồng thời nâng cao kiến thức và thực hành của người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong báo cáo bệnh truyền nhiễm, giám sát dựa vào sự kiện và quản lý thông tin tiêm chủng; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh thực hiện khai báo, báo cáo bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm theo quy định của Bộ Y tế; 100% các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia...

Người dân tiêm vắc xin phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh 

Kế hoạch cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể đối với một số bệnh truyền nhiễm lưu hành. Cụ thể, đối với bệnh sốt xuất huyết, tỉnh đặt mục tiêu không để dịch bệnh lớn xảy ra, tỷ lệ mắc dưới 150/100.000 dân, tỷ lệ tử vong dưới 0,09%. Đối với bệnh tay chân miệng, tỷ lệ mắc được yêu cầu dưới 100/100.000 dân, tỷ lệ tử vong dưới 0,05%.

Đối với các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh, tỉnh đặt mục tiêu 100% các ổ dịch tả được phát hiện và xử lý kịp thời; bệnh bạch hầu, ho gà, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản B và các bệnh truyền nhiễm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giảm 5% so với năm 2024, trong đó các bệnh sởi, rubella, tỷ lệ mắc dưới 40/100.000 dân, tỷ lệ tử vong dưới 0,1%. Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục duy trì các thành quả phòng, chống các bệnh đã được thanh toán như bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh.

Đối với các bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh liên cầu lợn, các loại cúm A (H5N1), cúm A (H5N6), cúm A (H7N9), tỉnh đề ra chỉ tiêu 100% ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời, riêng bệnh dại khống chế từ 3 trường hợp tử vong trở xuống.

Huyện Phú Bình triển khai đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trên, tỉnh Thái Nguyên sẽ triển khai nhiều biện pháp và nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025 và Kế hoạch tiêm chủng năm 2025, đồng thời đảm bảo cung ứng vắc xin đầy đủ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh. Công tác truyền thông đến cộng đồng sẽ được đẩy mạnh, đặc biệt là về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh và tiêm chủng phòng bệnh, với mục tiêu đảm bảo tất cả các nhóm đối tượng nguy cơ sẽ nhận được thông tin kịp thời. Các hoạt động phối hợp liên ngành cũng được triển khai mạnh mẽ để bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn; xây dựng các phương án thu dung bệnh nhân trong các kịch bản có dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương với phương châm 4 tại chỗ; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là việc triển khai các đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức tiêm chủng mở rộng, với mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 90% ở cấp xã trên toàn tỉnh.

Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025 của tỉnh Thái Nguyên là một chiến lược toàn diện nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Việc triển khai hiệu quả các biện pháp trong Kế hoạch sẽ giúp tỉnh tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn