Truy cập nội dung luôn

Rặng che xanh ngõ quê

Tôi xa quê đã lâu, mỗi lần về lại thấy phong cảnh thay đổi. Nhà cửa, đường sá... khiến bước chân đôi lúc ngập ngừng bởi nỗi lạ lạ quen quen. Nhà tôi nằm trên quả đồi nhỏ - giờ là anh chị tôi ở. Bốn xung quanh là vài chục nhà quây quần bên nhau. Nhà nào cũng có khoảng vườn các loại cây ăn trái và đặc biệt hơn là vài hàng cây chè ở ven vườn.

Hàng chè nhà tôi có từ khi nào không biết, chỉ nhớ khi tôi chừng 5 - 6 tuổi, bắt đầu ghi nhớ mọi sự việc thì đã có nó. Quê tôi mỗi nhà trồng vài hàng chè như kiểu bờ rào ngoài cổng hay bao quanh khu vườn. Từng bụi chè cao tầm 60 - 70 cm. Những chỗ nhiều ánh nắng (bà tôi gọi là “dại nắng”) lá chè nhỏ và màu sậm vàng hơn những chỗ rợp. Nhưng chính những lá chè chỗ đó khi nấu nước lại thơm ngon hơn chỗ lá to và mỏng bản.

Để hãm chè xanh, bà nội tôi thường hái ngoài cây. Tôi lũn cũn đi theo bà. Khi bà bứt những lá chè nhỏ, giòn thì tôi mê mải hái những bông hoa chè có 6 cánh màu kem lấm tấm nhụy vàng ở giữa. Bà hái một chét tay đầy rồi mang ra giếng rửa. Giếng làng tôi là giếng đá ong, nước ngọt lịm. Bà múc lên đổ vào siêu đun trên bếp củi. Bà vò những lá chè đã sạch kia, bỏ vào cái ấm sành (ấm tích) đổ một ít nước sôi, rồi đổ nước đi, gọi là “làm lông chè”. Sau đó nước sôi chế vào ấm tích cho đầy. Bà nhẹ tay ủ ấm trong lớp vải nệm của chiếc giỏ đan mây. Chờ khoảng 15 phút là có thể rót nước ra uống. Chén chè vàng nhẹ màu hổ phách và mùi chè, mùi nắng tỏa khắp ba gian nhà lá đơn sơ.

Mỗi năm vào mùa thu, ông tôi lại đốn tỉa một lần cho cây chè không cao vóng lên và để kích thích chè nảy nhiều búp non. Đến đầu mùa xuân, khi mưa phùn bay bay khắp đất trời thì những búp chè mơn mởn đua nhau bật lên. Khi đó ông bà lại hái về để sao thành chè khô. Bà dạy tôi hái 2 lá và 1 búp nảy lên như đầu con tôm. Búp chè hái về rồi được sao bằng chảo gang, phần này ông tôi đảm nhiệm. Lúc sao củi đun nhỏ và khi những búp chè non dưới sức nóng của lửa bắt đầu héo và mềm xèo thì ông đổ ra cái nia rồi lấy tay vừa vò vừa ấn miết mớ chè đó xuống nia. Cứ làm thật nhiều lần cho đến khi chè thành cục quyện vào nhau và bàn tay đen nhẻm do lớp nhựa chè tiết ra, thì cho chè lên chảo đảo tiếp.

Đến lúc này ông tôi không dùng đũa nữa mà dùng tay vừa đảo vừa xoay miết chè xuống lòng chảo. Đến khi chè sắp khô thì tắt củi nhưng vẫn đảo tiếp chừng mươi, mười lăm phút nữa.Búp chè non giờ đã co lại như cái móc nhỏ,màu đen xám pha ánh xanh và phủ lớp phấn trắng bên ngoài. Ông tôi bỏ một ít vào hộp để mời khách, còn thì cho vào hũ sành nút chặt bằng lá chuối khô, uống dần. Năm 14 tuổi tôi biết thêm kinh nghiệm thử chè khô ngon: Lấy ít chè để vào lòng bàn tay, miết cho nát nhuyễn ra, thấy màu xanh nâu mịn màng, có mùi thơm đặc trưng là đảm bảo khi pha nước trà có màu xanh pha vàng và uống lúc đầu đắng chát nhưng ngọt về sau...

Ngày nay quê tôi có nhiều nông trường chè và đầu tư lớn, có công nghệ máy móc chế biến chè. Ở quê tôi, những hàng chè trồng làm bờ rào đã thay bằng tường bê tông kiểu cách vững chắc. Nhưng cũng còn nhiều nhà giữ lại vài bụi để nấu nước uống, hay để các mẹ các chị em gái rửa mặt cho đẹp da sạch mụn. Ở các cơ quan công sở, người ta quen với việc sáng sáng cô nhân viên văn phòng pha và ủ một bình nước chè đặt ở phòng họp chung. Hương chè xanh thơm ngát khiến lòng người như xích lại gần nhau hơn, thân thiện và dễ mến hơn.

Tôi có lần đến nhà bạn, thấy có rặng chè đang tua tủa búp non, liền xin một nắm, về nhà bật bếp ga lên sao như ông tôi ngày xưa. Cũng vò cũng đảo, vừa làm vừa xuýt xoa vì bỏng tay. Nhấp ngụm trà pha trong chiếc ấm nhỏ, nghe làn hương bâng khuâng thơm mà nỗi nhớ thương quê nhà cùng hình ảnh những người thân yêu và hàng rào chè ở ngõ xưa cứ trào dâng trong lòng mãi không nguôi.

Bích Thiêm (tỉnh Đắk Lăk)
thainguyen.gov.vn