Truy cập nội dung luôn

Những vườn chè “lạ” trổ búp dưới trời đông

Hiện nay, tại các vùng chè trên khắp đất nước, có hơn 20 giống chè được cấp phép đưa vào sản xuất kinh doanh. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - một trong những vùng chè lớn nhất của cả nước, người dân làm chè còn tham gia trồng khảo nghiệm nhiều giống chè “lạ”, trên cơ sở đó, các nhà chuyên môn sẽ tạo ra được những giống chè mới năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng, đưa vào phục vụ sản xuất.

Anh Đỗ Văn Vinh và vườn chè Shan xanh 10 năm tuổi

Gần đây, chúng tôi được biết đến vườn chè Shan xanh khi đến xóm Quyết Tiến - một trong 6 đơn vị “Xóm nông thôn mới kiểu mẫu” của xã Tức Tranh, huyện Phú Lương để tìm hiểu về giống chè này.

Là vùng chè trọng điểm của huyện Phú Lương, Tức Tranh là xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn trước và tiếp tục nâng cao các tiêu chí để thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Điều dễ thấy nhất trong xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Lương nói chung và các xã, các xóm nói riêng, là bộ mặt giao thông nông thôn, cảnh quan đường làng ngõ xóm ở bất cứ xóm xã nào cũng tuyệt đẹp nhờ phong trào xây dựng “Tuyến đường hoa nông thôn mới”.

Con đường vào xóm Quyết Tiến được trải bê tông khang trang, hai bên đường trồng rất nhiều loại hoa đẹp mềm mại uốn quanh những vườn chè. Đường hoa của xóm đã giành giải Ba cuộc thi “Tuyến đường hoa đẹp huyện Phú Lương năm 2020” do Hội Phụ nữ huyện tổ chức. Vườn chè Shan xanh của gia đình anh Đỗ Văn Vinh ngay cạnh đầu đường vào xóm. Đây là một vườn chè đẹp, đẹp từ vị trí, địa hình đến từng luống thẳng tắp, đều đặn, đẹp đến từng cây đang độ khoẻ khoắn trổ búp đều tăm tắp.

Gia đình anh Vinh là “Hộ gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”, một mô hình để các hộ trong xóm học tập. Anh Vinh chia sẻ rằng mới nghe thì thấy có vẻ khó khăn chứ thực tế thì chỉ cần giữ cho nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, làm ăn có kế hoạch, khoa học và hiệu quả để làm mẫu cho các hộ trong xóm. Anh Vinh có 3.000 m2 chè đang cho thu hái, là chè lai LDP1, TRI777… giá bán chè búp khô chỉ loanh quanh ở mức 160 - 180 nghìn đồng/kg. Vừa rồi anh trồng mới 2.000 m2 bằng giống Thúy Ngọc và Hương Bắc Sơn với hi vọng bán được giá cao hơn. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chè Shan xanh, anh Vinh nói vào mùa đông trời lạnh, cả xóm chỉ có vườn chè này của nhà anh còn tươi tốt. Mà lạ cái là mùa hè nóng thì năng suất thấp hơn vì thường bị nhiễm bệnh nấm mắt cua, càng lạnh nó càng tốt, kiểu như là rất ưa lạnh, ngược hẳn với các giống chè khác. Anh cũng khoe, cả xã, có khi cả huyện, chỉ mình nhà anh là có giống chè Shan xanh này.

Đúng như lời anh Vinh, đây là lần đầu tiên chúng tôi biết đến chè Shan xanh, về hình thức cũng không có gì đặc biệt, dễ lẫn vào các vườn chè khác. Anh Vinh kể vốn là người mạnh dạn tiếp cận cái mới trong sản xuất nên khi được giới thiệu giống chè trồng khảo nghiệm, anh đồng ý ngay. 8 sào chè Shan xanh nay đã vào tuổi thứ 10, đặc biệt phát triển rất tốt vào mùa đông nên thợ chè tìm mua chè Tết đều “nhìn cái là chết mê chết mệt”. Đánh giá một cách khách quan, chất lượng chè Shan xanh cũng không quá đặc sắc, mặc dù nước xanh và ngọt nhưng hương thơm kém. Nhưng do cho thu hái vào đúng dịp tết Nguyên đán nên thường được thu mua với giá cao ngất, lợi nhuận do chè Shan xanh đem lại gấp khoảng 4 lần các loại chè khác.

Tại xóm Cà Phê, xã Minh Lập cũng có một giống chè rất ít người biết đến. Tên giống chè này là chè 5 Sao. Hai năm vừa qua, chè Thái Nguyên đã có hàng chục sản phẩm được gọi là chè 4 sao, 5 sao. Đó là các loại sản phẩm chè được công nhận là sản phẩm tiêu biểu của địa phương theo Chương trình OCOP “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, chứ không liên quan gì đến giống chè 5 Sao ở Minh Lập. Ông Trần Xuân Điển, Trưởng xóm Cà Phê cho biết chè 5 Sao là “con lai” giữa chè trung du và chè TRI777 (nguồn gốc là chè Shan Mộc Châu) nên được “di truyền” những “nét đẹp” của cả bố và mẹ. Chất chè ngon, hương tốt và khả năng chịu rét tốt. Hiện, có 4 hộ trồng chè 5 Sao với diện tích gần 1 mẫu, năng suất và chất lượng tốt nên chè được thu mua giá khá cao để chế biến cùng với các loại chè khác. Vì 5 Sao là loại chè hiếm nên các hộ làm chè cũng thường giữ lại để làm quà biếu, tặng.

Tìm hiểu về các giống chè được trồng nhiều tại Thái Nguyên, ngoài chè trung du “hồn cốt của chè Thái” thì hơn 20 năm qua nhiều giống chè mới đã được người dân đưa vào sản xuất. Trước hết phải kể đến các giống chè trong nước như: PH1, TRI777, LDP1, LDP2 và nhiều giống nhập ngoại như: Hùng Đỉnh Bạch, Keo Am Tích, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên (nhập nội từ Trung Quốc); Thúy Ngọc (hoặc Ngọc Thúy), Kim Tuyên (nhập nội từ Đài Loan), chè Nhật (nguồn gốc từ Nhật Bản)…

Nhằm tạo ra những sản phẩm đặc sắc đáp ứng nhu cầu xã hội và cạnh tranh được với các vùng chè trên thế giới, các nhà khoa học nước ta vẫn luôn tìm tòi, nghiên cứu chọn tạo giống chè mới năng suất cao, chất lượng tốt để phục vụ sản xuất kinh doanh. Không chỉ các nhà khoa học phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức mà đặc biệt cần có sự đồng hành của người làm chè. Giống nghiên cứu phải được đưa vào sản xuất thực tế trên những đồi chè. Từ kết quả thực tế thông qua những nghiên cứu, đánh giá toàn diện, sẽ là cơ sở để giống chè mới được công nhận và được phép đưa vào sản xuất.

Giống chè Hương Bắc Sơn đang được nhiều hộ làm chè của tỉnh ta đưa vào trồng trong thời gian gần đây chính là một trong những giống được Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đưa vào trồng khảo nghiệm tại Thái Nguyên, được công nhận là giống chè tốt để đưa vào sản xuất rộng rãi.

Sẵn sàng đón nhận những giống chè “lạ” để trồng khảo nghiệm, người làm chè Thái Nguyên thầm lặng đồng hành với các nhà khoa học để phát triển ngành chè.

Phước Bùi (TP. Thái Nguyên)
thainguyen.gov.vn