Truy cập nội dung luôn

Nâng cao giá trị sản phẩm chè ở Phú Lương

Phú Lương là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, nguồn nước và khí hậu, đặc biệt với hơn 6.000 ha đất feralit đỏ vàng là điều kiện thuận lợi thích hợp cho cây chè phát triển. Những năm qua, huyện Phú Lương luôn quan tâm đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè trên địa bàn huyện, góp phần từng bước khẳng định, nâng cao uy tín thương hiệu chè.

 

Sản phẩm chè HTX chè Hoan Xuyến, xã Tức Tranh được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP
 

Nếu diện tích chè toàn huyện năm 2016 là 3.979 ha thì đến năm 2020 đã tăng lên 4.024 ha, sản lượng đạt 43.412 tấn (tăng 393 tấn so với năm 2016, bình quân mỗi năm tăng 2%). Giá trị sản phẩm thu được bình quân đạt 250 - 280 triệu đồng/ha (năm 2016 là 100 triệu đồng). Chè giống mới chiếm 71% tổng diện tích, còn lại là chè trung du. Năm 2021, sản lượng chè toàn huyện ước đạt 8.650 tấn. Một số hợp tác xã, nông hộ đầu tư dây chuyền đóng gói tự động và hơn 30 đơn vị sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Huyện tiếp tục duy trì và phát triển nhãn hiệu tập thể "Chè Tức Tranh", "Chè Vô Tranh". Việc phát triển các sản phẩm chè OCOP đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông hộ quan tâm, đã có chè xanh Hoan Xuyến đạt ba sao OCOP và Tâm trà Khe Cốc đạt 4 sao OCOP.

Ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Sản phẩm chè Phú Lương đã và đang khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Thông qua các hoạt động hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ sản xuất, chế biến… giá bán sản phẩm chè búp khô đã tăng bình quân từ 25 đến 30%/năm. Nhiều sản phẩm chè đã được xuất khẩu và tiêu thụ ở nước ngoài như Trung Quốc, Iran, Ba Lan, Pháp với sản lượng trên 300 tấn chè búp khô, giá cao nhất 6 - 7 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, tổng diện tích chè ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trên địa bàn huyện còn hạn chế.

Cụ thể, diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP còn hiệu lực chỉ chiếm 6,8%; diện tích được sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh chỉ chiếm khoảng 10%; diện tích áp dụng sản xuất hữu cơ là 40 ha... Hơn nữa, các sản phẩm sau chế biến chủ yếu là chè xanh có giá bán còn thấp, tỷ lệ sản phẩm chất lượng cao như: Chè Đinh, tôm nõn và các sản phẩm chế biến từ chè sản xuất liên kết theo chuỗi còn hạn chế. Việc sử dụng các thiết bị sao sấy đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng inox, máy sao chè bằng ga chỉ chiếm 9,5% tổng số hộ sản xuất chè... Để khắc phục những hạn chế nói trên, đồng thời nâng cao chất lượng chè trên địa bàn, UBND huyện Phú Lương vừa ban hành Đề án phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh giai đoạn 2021 - 2025. Huyện đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025 phấn đấu diện tích chè đạt 4.150 ha, sản lượng 44.600 tấn chè búp tươi, trong đó diện tích chè sản xuất tập trung áp dụng t he o t iêu chu ẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ là 2.600 ha (diện tích được chứng nhận đạt chuẩn là 540 ha). Phấn đấu giá trị sản xuất chè đến năm 2025 đạt 1.330 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng chè đạt 300- 350 triệu đồng. Huyện cũng phấn đấu có thêm 20 sản phẩm đăng ký mã QR-Code mã vạch và truy xuất nguồn gốc.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lương trao đổi kinh nghiệm sản xuất chè an toàn với người dân xóm Quyết Tiến, xã Tức Tranh

Nhằm thực hiện được mục tiêu này, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quảng bá hằng năm qua các lễ hội; tăng cường thúc đẩy hợp tác sản xuất hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; triển khai thực hiện các quy trình sản xuất chè an toàn hữu cơ. Đối với các cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ hỗ trợ thay thế các thiết bị chế biến bằng inox hoặc thép không gỉ. Đa dạng các sản phẩm từ chè như bánh trà, kẹo trà, trà túi lọc, bột trà matcha, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Công tác tuyên truyền tập huấn hướng dẫn người dân áp dụng quy trình trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại tiên tiến được chú trọng. Huyện yêu cầu người sản xuất thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ; chế biến theo hướng sản xuất trà xanh chất lượng cao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ gắn với bảo quản sản phẩm. Huyện cũng sẽ tăng cường tổ chức cho cán bộ và người dân sản xuất chè đi thăm các mô hình sản xuất chế biến chè tiêu biểu và có thương hiệu trong, ngoài tỉnh; triển khai giải pháp về khoa học công nghệ như trồng mới, trồng thay thế theo quy hoạch, thay thế các diện tích già cỗi, kém năng suất bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm, duy trì và phát triển nhãn hiệu tập thể chè Tức Tranh, Vô Tranh, xúc tiến chứng nhận nhãn hiệu tập thể chè Phú Lương và đề xuất đăng ký nhãn hiệu tập thể chè Yên Lạc và Phú Đô. Đồng thời, khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm.

Ông Tô Văn Khiêm, Trưởng Làng nghề chè Khe Cốc, xã Tức Tranh cho biết: Làng nghề mong muốn huyện tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng trực tiếp phục vụ sản xuất chè gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiết kiệm điện nước trong vùng quy hoạch sản xuất tập trung; quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp và người làm chè; triển khai thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn...

Với những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Phú Lương, cùng với những kinh nghiệm nhiều năm trồng và chế biến chè của người dân ở địa phương và áp dụng khoa học tiên tiến vào chế biến, sản xuất, chất lượng chè ở Phú Lương đã đang và sẽ khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thanh Thủy
thainguyen.gov.vn