Truy cập nội dung luôn

Không chỉ là trà

Câu chuyện của 5 người ở Hợp tác xã (HTX) An Vân Trà, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ - Họ đều rất trẻ, người nhiều tuổi nhất mới ngoài 30, là những người từng có một cuộc sống khác, một công việc khác, ở những lĩnh vực khác, nhưng đều từ bỏ để đến với nghiệp làm trà, theo cách riêng của mình.

Hoàng Thị Thúy Vân, Trưởng nhóm, người sáng lập ra HTX An Vân Trà trên đồi chè của gia đình

Ấn tượng nhất là câu chuyện của Hoàng Thị Thúy Vân, Trưởng nhóm, cũng là người sáng lập ra HTX An Vân Trà. Tuổi thơ của Vân gắn bó với cây chè và cuộc sống vất vả nhà nông. Vân từng tốt nghiệp đại học ngành sinh học và đã đi làm. Ba năm sống ở Thủ đô với công việc và mức thu nhập nhiều người mong ước, nhưng guồng quay công việc và sự ồn ào của đô thị không phù hợp với Vân. Trở về quê hương, thăm những đồi chè, Vân quyết định quay lại với nghiệp làm chè của gia đình, nhưng với cách làm khác.

Dù phải bắt đầu từ việc đi thuê vườn để canh tác, nhưng Vân không làm theo hướng thông thường để nhanh chóng thu lợi nhuận mà chọn cách làm khó, khó cho mình và khó cho cả cây chè. Đó là cách nương theo tự nhiên. Có nghĩa là cây chè được phát triển tự nhiên cùng cỏ dại; tất nhiên loại cỏ nào được phát triển cùng chè đều nằm trong tính toán. Các loại cây cỏ, sinh vật nương vào nhau cùng phát triển, tạo thành hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời tạo ra sinh khối cho cây chè. Trong quá trình canh tác, sức khỏe cây chè được nâng cao từ hệ sinh thái và nguồn dinh dưỡng tự nhiên kết hợp ứng dụng công nghệ vi sinh. Việc sử dụng phân bón sẽ chỉ được lựa chọn giữa một số loại phân chuồng, phân xanh hay đỗ tương ngâm ủ, tùy từng đồi chè. Mất một năm để cải tạo đất, hai năm để cây chè quen dần với cách chăm sóc tự nhiên, sang năm thứ ba chè mới bắt đầu cho thu hái. Không những thế, Vân còn quyết bảo tồn những cây chè cổ, bảo tồn giống chè trung du để lưu giữ hương vị truyền thống.

Với cách canh tác khác những người xung quanh như thế, Vân từng bị coi như một nhân vật “kỳ dị”. Vân kể, khi bắt đầu nghiệp làm chè khác lạ của mình, cứ mỗi lần ra đường,những người xung quanh đều nhìn cô với ánh mắt và thái độ cười cợt, như thể muốn nói “để xem con bé này sẽ làm được gì”. Không chỉ thế, với bố mẹ, Vân cũng không tìm được tiếng nói chung, gần 2 năm trời Vân và bố mẹ chỉ giao tiếp khi thực sự cần thiết. Từng lăn lộn, gắn bó với cây chè mấy chục năm, từng gánh hàng nghìn gánh nước từ khe suối để tưới cho vườn chè, khai sinh ra cách làm chè vụ đông mang lại thu nhập cao của vùng chè Hoàng Nông; từng gom góp từng cân chè dành dụm nuôi con ăn học, những mong các con được ra ngoài để có cuộc sống đỡ vất vả, bố mẹ Vân rất buồn khi các con mình lần lượt bỏ phố về quê để trồng chè theo cái cách chẳng giống ai như vậy.

5 bạn trẻ thu hái chè trên đồi chè được chăm sóc theo hướng thuận theo tự nhiên

Phải đến khi nhìn thấy vườn chè được chăm sóc theo hướng tự nhiên lên tươi tốt, cho ra những sản phẩm thơm ngon, đậm đà, lại bảo tồn được giống chè quý ngày xưa, bố mẹ Vân mới dần thay đổi suy nghĩ. Chè của Vân được thu hái và đưa đi kiểm định chất lượng tại Trung tâm kiểm nghiệm TSL, kết quả thật mỹ mãn khi các chỉ số sinh hóa đạt ở mức lý tưởng và được đánh giá phù hợp các tiêu chuẩn ISO.

Để giữ được trọn vẹn hương vị tự nhiên truyền thống, quy trình sao sấy của An Vân Trà đều được làm thủ công, sử dụng 100% bằng củi lửa. Các loại bao bì, nhãn mác sản phẩm cũng được chú trọng theo hướng thân thiện với môi trường… Tất cả với một triết lý là cố gắng giữ được nét cổ xưa truyền thống và sự an lành cho tất cả.

Với gần 1 ha chè, hiện mỗi tháng HTX An Vân Trà xuất ra thị trường khoảng 1,5 tạ trà búp khô. Sản phẩm của An Vân Trà đã có mặt trên kệ của một số siêu thị ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và đã được gửi sang Pháp để chào hàng. Có giá bán từ 600 ngàn đồng cho một kg trà búp khô, trà An Vân rất được lòng khách sành trà ở khắp nơi trong cả nước. Nhiều sản phẩm khác của An Vân Trà như Hồng trà, bột trà matcha, trà thảo mộc cũng bắt đầu có mặt trên thị trường. Giá trị kinh tế đem lại cho người sản xuất trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác cũng cao hơn cách làm thông thường.

Sản phẩm An Vân Trà

Trên con đường của mình, Vân đã có những người cùng đi chung. Đó là Nghiệp, chị gái của Vân đã bỏ nghề giáo viên để về làm trà cùng em; đó là Oanh, cô tiểu thư con nhà có điều kiện kinh tế ở phố cảng Hải Phòng cũng bỏ phố về quê lên nương hái chè cùng Vân; đó là Quang, là Mong, những người không sinh ra và lớn lên ở vùng đất chè Hoàng Nông nhưng đã chọn đây làm nơi lập nghiệp, sinh sống… Họ đang cùng nhau viết nên một trang mới cho sản xuất chè ở Hoàng Nông. Đó còn là những người trước đây còn nghi ngờ, thì giờ lại ngỏ lời mong muốn được liên kết sản xuất cùng cô. Giờ người ta gọi Vân là “người làm chè sạch”, nhưng Vân không nghĩ thế mà chỉ muốn đem đến một sản phẩm an lành đến cho người sử dụng. Cái tên An Vân Trà ra đời cũng với ý nghĩa đó. Đó cũng là cách mà theo Vân nói là để trả ơn đất đồi quê hương, để gieo nghiệp lành cho chính mình.

Còn với tôi, tôi lại nghĩ, con đường mà An Vân Trà lựa chọn là một con đường khó, gập ghềnh và nhiều thử thách, nhưng đó là con đường của phát triển bền vững, phù hợp với xu thế xã hội. Tôi tin Vân và các cộng sự sẽ đi thật xa trên con đường ấy.

Thu Hà
thainguyen.gov.vn