Truy cập nội dung luôn

Xây dựng thương hiệu Festival Huế bốn mùa

Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Festival Huế đã đạt được những thành quả nhất định, khẳng định vị thế và thương hiệu trong cộng đồng các festival chuyên nghiệp trên thế giới. Thương hiệu Festival Huế cũng là đặc trưng riêng-nơi văn hóa, nghệ thuật truyền thống trên khắp thế giới và trong nước cùng hội tụ và giao thoa. Năm nay, Ban tổ chức Festival Huế tiếp tục duy trì tính quốc tế, kết hợp hướng đến cộng đồng, khán giả trẻ.

Festival Huế là nơi văn hóa và nghệ thuật được phô diễn

Festival Huế 2022 là festival đầu tiên được tổ chức theo định hướng lễ hội bốn mùa. Mục tiêu của Festival Huế gắn với bốn mùa, nhằm kích cầu, tăng khả năng phát triển kinh tế du lịch, vì thế lễ hội sẽ có những nét tươi mới đáp ứng được những thay đổi về nhu cầu, xu hướng mới của công chúng và khách du lịch.

Bữa tiệc văn hóa đặc sắc

Sau thời gian dài chờ đợi vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuần lễ cao điểm Festival Huế có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 25 đến 30/6 với 8 chương trình chính và 28 chương trình, hoạt động hưởng ứng, đồng hành khác. Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2022, ông Huỳnh Tiến Ðạt cho biết, Ban tổ chức liên tục điều chỉnh chương trình để bảo đảm tính quy mô, chất lượng tương xứng, mang tầm vóc của một lễ hội quốc tế đã có thương hiệu như Festival Huế. Festival năm nay vẫn sẽ có sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật truyền thống đặc trưng, đại diện cho nét văn hóa tiêu biểu của một số quốc gia trên thế giới, cùng nhau gặp gỡ trong một tuần lễ cuối tháng 6 này.

Theo Ban tổ chức Festival Huế, nhiều đoàn nghệ thuật lớn có tầm ảnh hưởng ở các nước sẽ góp mặt tại festival, như Ðoàn ca múa nhạc dân gian Belogorie (Nga); hay nhóm nghệ sĩ Brazil sẽ mang những vũ điệu samba sôi động từ Nam Mỹ xa xôi với trải nghiệm “Roda de samba” (vòng tròn samba). Bên cạnh những nét truyền thống đặc trưng của các vùng đất trên thế giới, tính đương đại sẽ được các nghệ sĩ mang đến mùa lễ hội năm nay. Nghệ sĩ Raphaël Esterhazy (Bỉ)-nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất nổi tiếng ở châu Âu-cùng các cộng sự sẽ trình diễn những nhạc phẩm tinh túy, đỉnh cao, mang đến cho du khách những bữa tiệc văn hóa sôi động và đặc sắc tại tuần lễ Festival Huế năm nay.

Festival Huế 2022 tiếp tục sẽ có sự hội tụ, giao thoa văn hóa, nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật truyền thống trong nước, mang dấu ấn riêng của từng vùng miền, tiêu biểu như Ðoàn nghệ thuật truyền thống dân tộc tỉnh Lào Cai mang các tiết mục chắt lọc từ tinh hoa văn hóa dân gian của 25 dân tộc Lào Cai  đến với Huế. Tại Huế, các nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Nghệ thuật Ca kịch Huế… cũng chuẩn bị nhiều chương trình mới; nhiều nhóm nghệ sĩ trẻ trong nước, trong tỉnh với những loại hình nghệ thuật đương đại cũng hội tụ để có những đêm giao lưu đặc sắc.

Festival Huế luôn được tập trung xây dựng các nội dung, kịch bản, chương trình xuyên suốt với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, để Huế luôn là không gian mà nét truyền thống được bảo tồn, phát huy một cách toàn diện nhất. Ngày hội năm nay có nhiều điểm mới lạ, hướng đến cộng đồng để du khách cùng tham gia, thụ hưởng. Trong đó, tỷ lệ chương trình phục vụ giới trẻ tương đối lớn, hứa hẹn sẽ tươi mới, sôi động, đáp ứng nhu cầu của khán giả trẻ về một kỳ Festival Huế 2022 đặc sắc. Giám đốc Trung tâm Festival Huế Huỳnh Tiến Ðạt chia sẻ: “Tuần lễ cao điểm Festival Huế 2022 nằm trong chuỗi các hoạt động lễ hội mùa hạ. Các chương trình chính được nâng cao chất lượng và dàn dựng công phu hơn; được xây dựng, định hình thành thương hiệu Festival Huế. Mật độ các chương trình được phân bổ đầy đặn trong suốt tuần lễ”.

Theo ông Ðạt, xét về yếu tố “cầu nối” giao thoa văn hóa, nghệ thuật của Festival Huế 2022, điểm khác biệt của năm nay là không gian biểu diễn không tập trung, dồn nén trong khu vực Ðại nội Huế như những năm trước, mà đưa ra các sân khấu mở, tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận một cách dễ dàng. Ðiều này làm xóa nhòa đi khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả. Ðây là phương thức tổ chức mà Ban tổ chức hướng đến để festival không còn là hình thức trình diễn một chiều; nghệ sĩ và khán giả sẽ cùng giao lưu trong một lễ hội của mọi người dân, du khách.

Lễ hội đường phố của Festival Huế luôn thu hút đông đảo người dân, du khách

Phát triển bền vững thương hiệu Festival Huế

Festival Huế 2022 đánh dấu quá trình 22 năm sự kiện này được tổ chức và trở thành sự kiện văn hóa du lịch quốc gia có tầm vóc quốc tế. Ðây là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa nhiều quốc gia; đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế. Khác các lần trước, festival năm nay, người dân, du khách có thể thỏa sức thưởng thức những tiết mục nghệ thuật hoành tráng ngay tại các sân khấu mở nằm dọc hai bờ sông Hương, trung tâm thành phố Huế. Hình thức biểu diễn, sân khấu thay đổi thiết kế nhằm tăng tính tương tác, để Festival Huế tiếp tục là “cầu nối” giữa văn hóa và nghệ thuật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2022 Nguyễn Thanh Bình cho rằng, Festival Huế năm nay có nhiều thay đổi, điều chỉnh để có những nét tươi mới khi gắn với lễ hội bốn mùa. Festival Huế sẽ tiếp tục phát huy kết quả của các kỳ festival trước và định hình lễ hội mới theo xu thế phát triển. Festival Huế 2022 chuyển dịch dần sang hình thức Nhà nước, chính quyền địa phương “đóng vai” hoạch định, còn cộng đồng, người dân và du khách là chủ thể, từ thụ hưởng sang người cùng tham gia.

Theo Ban tổ chức Festival Huế 2022, cách tiếp cận mới trong công tác tổ chức, công tác xã hội hóa là để phù hợp xu thế phát triển và thời gian tới, công tác xã hội hóa chắc chắn sẽ tiếp tục được triển khai tốt hơn nữa.

Qua các kỳ festival đã tổ chức, thực tế chỉ ra là Ban tổ chức cần có một ban vận động xã hội hóa. Khi lễ hội được tổ chức theo hình thức bốn mùa, mục tiêu là tăng khả năng thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, nhưng phải giảm bớt áp lực cho ngân sách, đồng thời tạo tính chuyên nghiệp, xây dựng và tạo nguồn kinh phí ổn định, chủ động trong công tác tổ chức. Mặt khác, đối với các chương trình xã hội hóa cũng cần có sự giám sát, kiểm soát về tính chất của hoạt động, nhất là các chương trình có bán vé, có nguồn thu, tránh ảnh hưởng đến thương hiệu của lễ hội.

Festival Huế có trách nhiệm tạo diễn đàn, không gian để giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền nét văn hóa truyền thống Huế, văn hóa Việt Nam. Thông qua các lễ hội, tiếp nhận những tinh hoa, nét tươi mới để làm phong phú thêm, phát huy những giá trị trân quý của văn hóa Huế. Ðịnh hướng của tỉnh Thừa Thiên Huế trong tổ chức lễ hội thời gian tới là rất cụ thể, vừa bảo tồn, vừa phát huy những giá trị văn hóa, gắn với sự phát triển của địa phương; xây dựng Huế thật sự trở thành trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc, phát triển ổn định, bền vững. “Festival Huế là thương hiệu lớn. Tổ chức lễ hội gắn với phát triển du lịch, góp phần thu hút du khách và phát triển kinh tế-xã hội. Ban tổ chức sẽ có những điều chỉnh, đổi mới để có một mô hình tổ chức Festival Huế cũng như lễ hội bốn mùa chuyên nghiệp và đạt hiệu quả trên các phương diện trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Theo ông Bình, festival bốn mùa trên thực tế là cách tiếp cận mới. Các lễ hội đã diễn ra quanh năm thời gian qua, nay được hệ thống, xâu chuỗi lại, hướng đến thành sản phẩm để phát triển du lịch. Festival bốn mùa được tổ chức là để làm tăng, tô đậm thêm cho thương hiệu Festival Huế, dựa trên cơ sở tiếp cận sao cho phù hợp, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu mới của công chúng và du khách gần xa.

Ðể đưa Festival Huế phát triển vững chắc lên một tầm cao mới, với những định hướng lâu dài, những mục tiêu và yêu cầu cụ thể cho từng thời kỳ, Ban tổ chức Festival Huế đã xây dựng mô hình mới cho Festival Huế 2022 mang tính dài hơi theo hướng tổ chức festival trải dài cả bốn mùa trong năm, tăng cường xã hội hóa, người dân làm chủ, góp phần tăng tính hấp dẫn của điểm đến đối với du khách trong nước và quốc tế. Festival Huế sẽ thúc đẩy việc tạo ra các hình thái dịch vụ, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút du khách, phát triển kinh tế-xã hội, để Huế thật sự là thành phố festival đặc trưng của Việt Nam theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


nhandan.vn