Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 8): ATK Trung ương trong lòng Việt Bắc

Định Hóa, Thủ đô kháng chiến giữa lòng Việt Bắc - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đưa ra nhiều quyết sách quan trọng để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đi đến thắng lợi, đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Di tích lịch sử đồi Khau Tý - nơi ở và làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa - nằm trong khuôn viên đẹp, được quản lý và chăm sóc chu đáo. Ảnh: T.L

“Qua Đu, tới Đuổm, lên Trào/Rẽ qua phố Ngữ thì vào Chợ Chu”. Trên suốt dọc đường từ T.P Thái Nguyên về thủ đô gió ngàn ATK Định Hóa, câu ca ấy vẳng trong tôi như thôi thúc, gọi mời. Lại như dẫn dụ để tôi cũng như bao người không bị lạc bước trên hành trình về miền quê cách mạng, với rừng cọ, đồi chè đầy sức sống được ấp ôm bởi những cung đường mượt mềm trải dài trên khắp vùng quê. 

Kháng chiến trường kỳ gian khổ, để những tên làng, tên đất như: Khau Tý (Điềm Mặc); Khuôn Tát (Phú Đình); Bảo Biên (Bảo Linh), Làng Quặng (Định Biên)... trở thành nơi về nguồn của con dân đất Việt, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, khơi niềm tự hào cho các thế hệ cháu con. Tất cả các địa danh ấy gắn liền với cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, trở thành một bộ phận của quần thể di tích “Chiến khu Việt Bắc”, được các nhà sử học đánh giá là quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. 

Sử sách ghi rõ: Việt Bắc - một vùng núi hiểm trở gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, trong đó các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Chợ Đồn, Chợ Rã đã được chọn làm an toàn khu kháng chiến (ATK). Do có các lợi thế về vị trí địa lý, nhân dân có truyền thống yêu nước nên trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám (1939-1945), Việt Bắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng lựa chọn làm căn cứ địa cách mạng.

Năm 1941, Bác Hồ về Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Cũng trong thời gian đầu năm 1941, tại khu rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, Đội Cứu quốc quân I được thành lập, đội gồm 32 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ làm Chỉ huy trưởng. Ngày 22/12/1944, vùng đất huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng chứng kiến sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Đây là lực lượng cách mạng đầu tiên của Việt Nam có vũ trang, là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội. 

Một trong những sự kiện quan trọng của cách mạng Việt Nam là trước ngày diễn ra sự kiện đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam từ Tân Trào (Tuyên Quang) dẫn quân qua Thái Nguyên, về Hà Nội giành chính quyền từ tay thực dân xâm lược là quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang toàn quốc thành thành Việt Nam Giải phóng quân.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã tác động, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa; làm cho các thế lực đế quốc và bọn phản động quốc tế hết sức lo sợ, tìm mọi cách chống phá hòng thủ tiêu Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhưng với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945 được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, rồi mở rộng đánh chiếm Nam bộ và Nam Trung bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc bộ, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, gây nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội. 

Trung ương Đảng, Chính phủ đã chủ động đàm phán với Pháp để tránh cuộc chiến tranh, giữ hòa bình cho cả hai dân tộc, rồi ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, sau đó ký Tạm ước ngày 14/9/1946. Nhưng giới cầm quyền thực dân đã khước từ mọi nỗ lực cứu vãn hòa bình của Việt Nam. Quân Pháp bất chấp những thiện chí hòa bình, nổ súng gây hấn nhiều nơi, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội. 

Tình thế đó buộc Đảng, Chính phủ và nhân dân ta không có lựa chọn nào khác là cầm vũ khí đứng lên chiến đấu toàn quốc để bảo vệ độc lập dân tộc. Đến tháng 3-1947, cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quân đội, Mặt trận đã được chuyển lên Việt Bắc an toàn. Việt Bắc trở thành Thủ đô của kháng chiến. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc.

Du khách đến thăm lán Khuôn Tát, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1947-1954.

Ông Bùi Huy Toàn, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa tự hào: Việt Bắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm ATK cho cuộc kháng chiến trường kỳ, vì ở đây “Có nhân dân tốt, có cơ sở chính trị tốt”; đây cũng là vùng đất hiểm trở, có núi rừng bao bọc, thuận tiện cho việc bài binh bố trận: “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”. 

Trong thời gian ở, làm việc tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị đưa ra nhiều chiến lược, sách lược quan trọng quyết định đến vận mệnh đất nước. Đặc biệt là việc thông qua phương án tác chiến, tấn công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Tại mái lán Tỉn Keo, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Đã có lúc tôi tự hỏi lòng mình: “Cái” giọng nói hồn nhiên trong như nước suối đầu nguồn Khuôn Tát của cô gái Tày (Hướng dẫn viên Ban Quản lý Khu di tích), hay mảnh nhiều dấu tích lịch sử đã hút hồn tôi? Có lẽ là cả hai lý do ấy đã hối thúc, tạo động lực cho tôi, cũng như bao người tìm về với thủ đô gió ngàn Định Hóa. 

Trong số những người tìm về, có những người rất đặc biệt. Đặc biệt vì họ được sinh ra, gắn bó tuổi thơ ở núi rừng Việt Bắc trong giai đoạn đất nước 9 năm trường kỳ kháng chiến. Bà Hạ Chí Nhân, con gái nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt là một trong số đó. Bà kể: Tôi cất tiếng khóc chào đời ở bản Mua (Điềm Mặc). Tôi cũng như những bé em là con của các đồng chí cán bộ Trung ương, những người thân cận từng làm việc với Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc thường được Bác ẵm bế, cho ăn. Hạ Chí Nhân là cái tên Bác Hồ đặt cho khi tôi đầy tháng tuổi. 

Bà kể cho tôi nghe câu chuyện này bên đồi Khau Tý, lần bà cùng gia đình về thăm ATK từ cách nay 9 năm. Hôm ấy còn có bà Nguyễn Minh Thu. Bà Thu là con gái của cụ Nguyễn Thị Bích Thuận, chiến sĩ cảnh vệ. Cụ Thuận sinh bà Thu ở Điềm Mặc. Bà Thu không nói nhiều về mình bà lấy tập ảnh trong chiếc túi xách tay ra cho tôi xem. Bà nở nụ cười phúc hậu, bảo: Em bé trong bức ảnh mà Bác Hồ đang bón xôi cho ăn là bà bây giờ đấy… Vậy mà đã mấy mươi năm đi qua cuộc đời, những tuổi thơ của thời đất nước 9 năm trường kỳ kháng chiến đã là các bậc cao lão, có cháu gọi bà, gọi cụ. 

Nhắc nhớ chuyện xưa, không khí của một thời đất nước kháng chiến như được hâm nóng lại... Thời bấy giờ đồng bào Định Hóa sẵn sàng nhường nhà làm chỗ đóng quân. Ai nấy không tiếc công, của, tích cực đóng góp, ủng hộ được hàng chục vạn ngày công, hàng chục vạn mét vải, hàng vạn tấn gỗ, củi, hàng chục vạn cây tre, nứa, lá cọ… để làm hầm hào, xây dựng lán trại, kho tàng, công xưởng sản xuất vũ khí và phục vụ chiến đấu. Đồng bào tích cực tham gia công tác phòng gian bảo mật, thực hiện 3 không: “Không biết, không nghe, không thấy”… 

Sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, 16/24 xã, thị trấn thuộc huyện Định Hóa được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 128 điểm, trong đó có 17 di tích, danh thắng được xếp hạng cấp Quốc gia; 6 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Năm 2012, ATK Định Hóa được Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. 

Trên con đường mỏng như dải lụa mềm vắt hờ vào lưng núi, tôi cũng như bao người lòng trào dâng một niềm tự hào vì mình được sống trên vùng đất ATK thủ đô gió ngàn. Mỗi tên bản, tên núi, tên sông nơi đây đều gắn liền với những sự kiện, chiến công hiển hách của dân tộc. Lời Chủ tịch Hồ Chính Minh còn văng vẳng đâu đây: “Cách mệnh do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. 

Trong lần trở lại mới đây, thật tình cờ tôi gặp ông Trần Văn Tuấn, một cựu chiến binh đến từ tỉnh Điện Biên. Ông nói ôn tồn: Từ vùng đất này đã có hàng vạn người con đi chiến dịch Tây Bắc, nhiều người nằm lại vĩnh viễn ở xứ sở hoa ban để kết “nên thiên sử vàng”… 

Dưới tán rừng ngập gió, ông thong thả bước như để tìm về miền hoài niệm riêng mình, đó là ký ức của một thời tuổi trẻ Việt Bắc và nhân dân trên các miền Tổ quốc “Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh”. Ông cũng như triệu triệu con dân đất Việt về đây, nhẹ đặt bước chân mình lên từng bậc đá rêu phong. Quá khứ đã khép lại, nhưng niềm tự hào của ngày hôm qua như ngọn lửa lòng bừng cháy ở hiện tại, soi đường, chỉ lối cho con cháu tự tin bước về phía mặt trời./.

Phạm Ngọc Chuẩn
baothainguyen.vn