Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 6): Triều Nguyễn và đơn vị cấp tỉnh Thái Nguyên

Sách “Đại Nam thực lục” tập 3, Quốc sử quán Triều Nguyễn chép: Ngày 4/11/1831 nhằm ngày Tân Mão, năm Minh Mạng thứ XII, mùa Đông, tháng Mười, ngày mùng Một, Thái Nguyên được gọi là tỉnh. Theo thiên văn thì Thái Nguyên thuộc khu vực sao Dực, sao Chẩn; tinh thứ sao Thần vì… Kể đến năm nay (2021), Thái Nguyên mang danh xưng đơn vị hành chính cấp tỉnh đã 190 năm…

Di tích lịch sử Đền thờ Đội Cấn - thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 - ở phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). Ảnh: Tư liệu

Triều Nguyễn gồm 13 đời vua, 9 chúa, tồn tại 143 năm (1802 - 1945), là triều đại để lại nhiều dấu ấn trong dòng chảy lịch sử nước nhà. Trong đó có việc năm 1831-1832 Minh Mạng tiến hành cải cách hành chính trong cả nước xóa bỏ các tổng trấn đổi các dinh trấn thành tỉnh. Bấy giờ cả nước có 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên. Năm 1831, đổi các trấn phía Bắc thành 18 tỉnh. Từ đó Trấn Thái Nguyên được gọi là tỉnh Thái Nguyên.

Vua Minh Mạng tên huý là Nguyễn Phúc Đảm, vị vua thứ 2 Triều Nguyễn, trị vì từ 1820-1840. Ông là vị hoàng đế năng động, quyết đoán, coi trọng học vấn, hiểu biết và là nhà nhà chính trị, quân sự tài ba. Dưới thời ông có rất nhiều cải cách từ nội trị đến ngoại giao, tổ chức bộ máy hành chính hợp lý được thực thi đã mở mang mọi mặt, giúp cho đất nước giai đoạn ông trị vì là thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử Nguyễn Triều 143 năm.

Về quân sự, Vua cho tổ chức lại quân đội, lập bộ binh, thuỷ binh, tượng binh, pháo binh, kỵ binh. Về kinh tế, Vua khao khát dân giầu nước mạnh, khuyến khích dân phát triển kinh tế; cho khai hoang lấn biển, đào kênh thoát lũ, khai mở nhiều ngành nghề mới. Về văn hoá, năm 1821, cho xây Quốc tử giám, mở lại thi Hội, thi Đình. Dưới thời Minh Mạng, 6 khoá thi tiến sĩ, Vua Minh Mạng đã cho đất nước 56 tiến sĩ và 20 phó bảng. Về tổ chức bộ máy hành chính, vua Minh Mạng cho cải định và thiết đặt thêm một số cơ quan trong hệ thống bộ máy hành chính so với các triều đại trước, định lại toàn bộ hệ thống quan chế, viên ngạch, phẩm trật, lương bổng, quy định số lượng viên ngạch… Việc đổi các trấn thành tỉnh vào năm 1831 có thể coi là cuộc cải tổ cương vực lớn trong lịch sử. 

Ngược dòng lịch sử, ngày 29/4/1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế tại Đông Kinh (Thăng Long), đã rất chú ý xây dựng chính quyền. Năm 1428, Lê Thái Tổ chia nước làm 5 đạo gồm: Đông, Tây, Nam, Bắc và Hải Tây, trấn, lộ, huyện, châu. Trong đó, Bắc Đạo có trấn Thái Nguyên. Trấn Thái Nguyên đầu Hậu Lê là địa phương vùng biên ải. Vào năm Hồng Đức thứ 4 (1473), thừa tuyên Ninh sóc được đổi thành thừa tuyên Thái Nguyên. Thời Nam – Bắc Triều và Lê Trung Hưng, danh xưng Thái Nguyên không thay đổi nhưng giặc giã, can qua nhiều.

Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức triển lãm ảnh, tư liệu “100 năm Khởi nghĩa Thái Nguyên (1917-2017)” tại Thư viện tỉnh (tháng 8-2017). Ảnh: Tư liệu

Thời Lê Trung Hưng (1677), Cao Bằng được tách thành lập trấn. Trấn Thái Nguyên còn lại 2 phủ là Thông Hóa và Phú Bình. Phủ Phú Bình gồm các huyện Phổ Yên, Đại Từ, Phú Lương, Tư Nông, Bình Tuyền, Động Hỷ, Văn Lăng, Vũ Nhai và châu Định Hóa. Đầu thời Nguyễn, năm 1802, Thái Nguyên là 1 trong 14 trấn thuộc Bắc Thành… Ngày 04/11/1831, trấn Thái Nguyên đổi thành tỉnh, nên ngày này được coi là Ngày thành lập tỉnh Thái Nguyên, tới năm 2021 là 190 năm. Trong chiếu chỉ thành lập được ghi: Tỉnh Thái Nguyên gồm 2 phủ là Thông Hóa và Phú Bình; 9 huyện là Cảm Hóa, Tư Nông, Bình Tuyền, Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ, Phổ Yên, Văn Lãng, Đồng Hỷ (Động Hỷ cũ); 2 châu là Bạch Thông và Định Châu. 

Thái Nguyên giàu tài nguyên khoáng sản, giàu lòng yêu nước, chống ngoại xâm. Ngày 01/9/1858, Pháp chiếm Đà Nẵng mở đầu cuộc tiến công xâm lược nước ta. Ngày 19/03/1884, quân Pháp chiếm được thành Thái Nguyên, nhưng không giữ được buộc phải rút về Bắc Ninh. Ngày 15/4/1884, chúng tiếp tục đánh chiếm Thái Nguyên, ngày 16-4, chúng chiếm được thành. Do bị quân ta bao vây, cắt đứt đường tiếp tế lương thực thực phẩm quân pháp phải bỏ thành, rút về Bắc Ninh.

Sau hai lần đánh chiếm vẫn không giữ được thành, ngày 10/5/1884 quân Pháp đánh chiếm Thái Nguyên lần thứ 3. Thái Nguyên thất thủ, nhưng nhiều năm sau đó, trên đất Thái Nguyên luôn có các cuộc nổi dậy chống Pháp, trong đó, cuộc khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên do Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến phát động dưới khẩu hiệu Nam binh phục quốc đêm 30 rạng 31/8/1917 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Thái Nguyên… 

Khi đổi thành tỉnh, đứng đầu tỉnh Thái Nguyên là các chức bố chính, án sát, lãnh binh, trong đó quan bố chính sứ có chức nhiệm giữ việc thuế khoá, tài chính. Triều đình có ân trạch, chính lệnh ban xuống thì truyền đạt tiếp. Án sát sứ giữ việc kiện tụng, hình án, chấn hưng phong hoá, kỷ cương, trừng thanh các quan lại vi phạm… Tháng 8-1835, nhà Nguyễn bắt đầu đặt lưu quan tại Thái Nguyên, 4 huyện Định Châu, Văn Lăng, Phú Lương và Đại Từ nằm trong phủ Tòng Hoá, huyện Tư Nông, Bình Tuyền, Võ Nhai, Phổ Yên, Động Hỷ thuộc phủ Phú Bình… Nhìn chung, từ cuối thời Tự Đức đến khi Pháp chiếm Thái Nguyên (19/3/1884), hành chính của tỉnh ít thay đổi.

Sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng thời đó viết: “Các huyện thủ phủ Thái Nguyên có 17 chỗ có vàng; núi Cự Đàm ở huyện Phú Lương, núi Khưu Ôn ở huyện Động Hỷ, núi Nang huyện Tư Nông có sắt… Việc khai thác mỏ phát triển mạnh sau ngày thành lập tỉnh (năm 1831). Nhà Nguyễn cho mở mỏ diêm tiêu ở Nà Ngoã, mỏ chì ở Làng Nho, huyện Động Hỷ. Sang năm 1832, mở mỏ vàng khai thác tại Thuần Mang, Bảo Nang và Sảng Mộc.

Năm 1834, vua Minh Mạng quy định lại thuế sắt, theo đó, Thái Nguyên có 7 mỏ sắt, mỏ Linh Nham 960 cân sắt chín; Bảo Nang 2.000 cân sắt chín; Na Khôn 1.600 cân sắt chín mỗi năm. Năm 1844, thuế ở mỏ vàng Thuần Mang là 12 lạng vàng, mỏ vàng Sảng Mộc 7 lạng vàng còn mỏ bạc Phúc Sơn là 100 lạng bạc mỗi năm… Vài con số về kinh tế viện dẫn ra đây, chúng tôi muốn khẳng định Thái Nguyên là đất của tài nguyên, tiềm năng đó là vốn quý cho phát triển của quê hương… 

Về giáo dục, khi nhà Nguyễn được thành lập, đóng đô tại Huế, miền đất Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn luôn được coi là miền biên viễn, nằm trong vùng được ưu ái, phủ dụ của triều đình về sự học. Sách Địa chí Thái Nguyên dẫn từ Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Hạo ghi: Mặc dù Nhà Nguyễn có những chính sách khuyến học rất tích cực đối với các địa phương xa kinh thành nhưng cũng không đem lại kết quả nào đáng kể. Tính từ khoa thi đầu năm Gia Long thứ 6 (1807), đến khoa thi cuối (1918), cả nước có 5.232 cử nhân, hương cống, nhưng Thái Nguyên cũng chẳng có ai.

Về phong trào nổi dậy chống lại triều đình và kháng Pháp sau này ở Thái Nguyên diễn ra khá mạnh. Nguyên do nơi đây xa kinh thành, nơi có số đông dân tộc thiểu số sinh sống, núi rừng thâm u, nghề khai thác mỏ phát triển nên có nhiều cuộc nổi dậy, nhà Nguyễn đối phó rất chật vật. Một trong các cuộc nổi dậy có quy mô lớn ở đất Thái Nguyên thời Gia Long là cuộc nổi dậy do Dương Đình Cúc lãnh đạo. Năm 1823, Dương Đình Cúc sau khi thua quân triều đình tại Na Miệt, đưa quân vào núi Tam Tu trong khu rừng Thần Sa củng cố lực lượng, sau vẫn bị đánh tan…

Ngày 01/9/1858, Pháp chiếm Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. 10 giờ sáng 19/3/1884, Pháp tấn công Thái Nguyên, Thái Nguyên thất thủ, sau đó là mấy chục năm đất Thái Nguyên luôn có các cuộc nổi dậy chống Pháp, trong đó cuộc nổi dậy của binh lính Thái Nguyên năm 1917 là tiếng vang lớn nhất. 

Về địa lý, những năm Pháp đô hộ, có nhiều biến động. Ngày 20/10/1890, huyện Bình Xuyên thuộc Phủ Phú Bình bị tách khỏi Thái Nguyên để nhập vào đạo Vĩnh Yên. Ngày 9/9/1891, phủ Tòng Hoá, Phú Bình tách khỏi tỉnh Thái Nguyên để lập Tiểu quân khu Thái Nguyên nằm trong Đạo quan binh 1 Phả Lại; Châu Bạch Thông tách khỏi tỉnh Thái Nguyên nhập vào Tiểu quân khu Lạng Sơn. Tháng 10-1892, các địa phương nói trên hầu hết trở về Thái Nguyên… Năm 1920, tỉnh Thái Nguyên có 2 phủ, 3 huyện, 3 châu, 51 tổng, 227 bản, làng. Năm 1922, châu Văn Lãng được sáp nhập vào huyện Đại Từ. Năm 1945, Thái Nguyên gồm 2 phủ (Phú Bình, Phổ Yên), 2 châu (Võ Nhai, Định Hoá), 3 huyện (Đại Từ, Động Hỷ, Võ Nhai)…

Trước khi thành lập tỉnh, Thái Nguyên luôn là phên giậu của trái tim đất nước. Nguyễn triều, gần thế kỷ rưỡi, Thái Nguyên tuy xa kinh thành nhưng vẫn là vùng đất thiết yếu cho công cuộc dựng xây đất nước. Ngô Thì Sỹ, Nguyễn Du, Phan Thanh Giản từng làm quan và có những đóng góp nhất định cho Thái Nguyên. Sắt, đồng, vàng, chì, thiếc… là những khoáng sản được khai thác từ Thái Nguyên cung cấp cho nhà Nguyễn xây dựng và bảo vệ đất nước.

Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng từng viết về Thái Nguyên: Hiếm có nơi nào mà ở đó cái gì cũng giàu: Giàu vì cái nôi loài người, lọt lòng đã nghe lời ru từ đại ngàn thanh khiết mà lớn lên. Đất lành mà mầu mỡ, chẳng mấy khi bão bùng, hạn hán. Đất của hội tụ trăm họ. Đất của tài nguyên vô cùng giàu có…

Ở cái thế là gạch nối giữa đồng bằng và miền núi, kẻ chợ của Thái Nguyên (thành phố Thái Nguyên), mấy trăm năm qua, thời nào cũng là thủ phủ của tỉnh, khu, vùng. Giữa thế kỷ XVIII, nhà thơ Ngô Thì Sỹ khi ấy giữ chức Đốc Đồng của triều đình, lên Thái Nguyên thấy cảnh đẹp nơi Bến Tuần Đồng Mỗ mà xướng rằng: Một dải non xanh trông xuống dòng nước biếc/Chốn biên thành hiếm có cảnh đẹp này/ Cửa hiệu buôn, phố người ở, nhà cái cao, cái thấp/Sở thuế tuần, thuyền khách buôn ở trên, dưới bến sông.

Chúng ta đang ở thời điểm 190 năm quê hương mang danh xưng cấp tỉnh. 10 năm nữa, kỷ niệm 200 năm thành lập tỉnh, ta đang ở thềm của 100 năm thành lập nước Việt Nam mới - nước Việt thời đại Hồ Chí Minh. Nhắc lại lịch sử là để ghi nhớ, tôn vinh và góp sức vì một Thái Nguyên giàu, đẹp.

(Còn nữa)

Hữu Minh
baothainguyen.vn