Truy cập nội dung luôn

Ngọt ngào như tiếng suối ngàn reo

Lời Then mượt như thảm cỏ ngân vang trên nền tính tẩu am điệu rộn ràng, vui tươi khiến người nghe như đang đứng trước một dòng, róc ránh chảy giữa lòng đại ngàn Việt Bắc. Trong cảnh vật bao la và khoan dung, lòng người trở nên khoáng đạt nhưng sâu lắng một niềm ấm áp. Tôi đã ngẩn ngơ nghe hát, cho tới lúc Nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Bích Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát Then tỉnh Thái Nguyên dừng tay trên phím đàn, để câu hát ngưng lại như tiếng gió ngàn ngừng nghỉ.

Các thành viên Câu lạc bộ luyện tập bài then mới

Làm cái nghề đi nhiều, nên tôi may mắn thức cùng những đêm then, cuộc then của đồng bào Tày, Nùng khi bên bếp lửa nhà sàn, lúc dịp hội Lồng Tồng. Âm điệu, tiết tấu ngân nga của then khi dìu dặt, tha thiết, lúc vui tươi, rộn ràng, dồn dập như thúc quân ra trận; có lúc lời then nhấn nhá, thì thầm như kể chuyện về sự tích mường trời, mường đất, về sự sinh sôi vạn vật trong vũ trụ bao la. Trải qua bao đời, lời then và tiếng cây đàn tính trở thành hồn, cốt của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc. Cùng năm tháng, lời Then đã theo những nghệ nhân về nhiều miền Tổ quốc, ngay như ở Thủ đô Hà Nội cũng có Câu lạc bộ (CLB) dành cho những người yêu thích hát then. Nghệ nhân Hoàng Thị Bích Hồng cho biết: Năm 2007, ông Trần Yên Bình, người yêu thích hát then ở phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên) đã tìm đến với những người biết hát then, chơi đàn tính trong tỉnh, ông vận động mọi người cùng nhau nhóm họp, gặp gỡ và hát cho nhau nghe. Rồi thông qua sự gợi ý, giúp đỡ của anh Mông Đông Vũ, bấy giờ là Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh - CLB Hát Then của tỉnh chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Ban đầu CLB có 18 người tham gia, đến nay đã phát triển lên 52 người.

Ông Ma Đình Sung, một trong số ít người biết làm đàn tính

 Ông Ma Đình Sung, xã Bình Yên (Định Hoá) cho biết: Hiện then có 2 loại: Then cổ và then cách tân. Then cổ mang tính chất tâm linh, cơ bản là các bài cúng cầu mùa, cầu an, cầu tài, giải hạn… Then cổ đòi hỏi người thực hiện phải tay đàn, chân xóc nhạc, miệng hát. Còn then cách tân được dựa trên nền then cổ, phổ lời theo làn điệu cổ, nội dung lời then ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương, đất nước đổi mới. Pưng, pưng, pưng, pừng, pừng… tiếng đàn tính nảy nền, câu hát lại ngân lên như suối chảy, rừng reo:

Hai chói khảu tảng Bác tìm thơ

Bác nhằng cấn hai ơi gỏi thả

Gằm thơ Bác bấu mà pi bươn”

Lời dịch: “Trăng xuống nhòm cửa Bác đòi thơ

Bác bận quá, trăng ơi hãy đợi

Thơ Bác Hồ chỉ lối ta đi”

(Bài: “Trăng soi đường Bác”, Then Tày xứ Lạng)

Các thành viên CLB có mặt ở đó cùng hòa giọng ca, tạo âm hưởng mênh mang gợi niềm nhớ khôn nguôi. Chị Hoàng Thị Đời (Phượng Tiến, Định Hoá) chia sẻ: Then có nhiều đường, như: Păng khoăn, thống đằm, cấp sắc, cầu hoa... Chuyện tính tẩu đệm lời then, ông Nông Đình Long, Định Biên (Định Hoá) cho biết thêm: Then có nhiều điệu hát khác nhau, như trong cúng tế có điệu Khẩu tu (vào cửa trời), Pây mạ (Đi ngựa), Đông mèng đông quảng (Vào rừng ve), gọi vía, chèo thuyền vượt khái… Then dùng trong các buổi chữa bệnh gồm hát: Hái hoa, nối số, giải hạn và then Tiêu hao tàn (dành cho người chết)... Thế mới hay lời then gắn bó với cuộc sống tinh thần của đồng bào Tày - Nùng Việt Bắc nhường nào. Bởi từ lúc sinh ra đã nghe lời then chào đón, khi nhắm mắt lìa đời có lời then tiễn đưa. Buông hờ cây đàn tính, anh Trần Yên Bình nói rủ rỉ: Then vui có các bài: Vào nhà mới, Đám cưới, Chúc thọ… Trong các dịp hội hè, ngoài hát then còn có các trò vui: Pắt phu (Bắt chồng), Pắt Slao báo (Bắt trai gái).

Lời then làm lòng người xôn xao, đắm đuối tìm về. Vì thế ngôi nhà của chị Hồng ở tổ 23, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên vào các buổi chiều Chủ nhật tuần 2 và tuần 4, hội viên từ các huyện, thị và thành phố hội về với sắc chàm mộc mạc, gặp nhau là lời then nảy trên môi. Trong nhà, các nghệ nhân đến trước đang ngồi bên bàn trà, đàm đạo về nghệ thuật dân ca Tày - Nùng Việt Bắc chợt lắng lại, rồi bùng lên tiếng đàn tính và bài then mời khách.

Nhiều bạn trẻ thích học hát then, gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc

Tôi ngoái nhìn ra cửa thấy một tốp nam thanh, nữ tú bước vào, ai nấy hào hứng hát họa theo. Họ mến nhau qua cây đàn lời hát và gắn bó để tạo dựng phong trào đàn hát, cùng giao lưu, chia sẻ và gìn giữ một nét đẹp văn hóa phi vật thể Tày - Nùng giữa núi rừng Việt Bắc… Sau mấy bài hát chào hỏi và đáp lời giữa hai bên, tất cả các thành viên CLB cùng ngồi quây lại bên bàn trà, trò chuyện thân mật. Tôi nhận thấy từ đôi tay hằng ngày cấy lúa, trồng rau, bốc vác… lại nảy nền được thứ âm thanh xua đi vất vả. Theo tiếng tính tẩu, lời hát bật nở trên đôi môi, mang cái vui từ lòng mình chan hòa với niềm vui chung của bao người trong cộng đồng xã hội. Lời then như tiếng suối reo, mang ngọt ngào của dòng nước nguồn Việt Bắc.

Tôi lắng nghe từng vần điệu then và lời tính tẩu, thấy mộc mạc, gần gũi và dễ làm mê lòng người. Tôi chợt nghĩ suy: Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, có đa dạng dòng nhạc mang đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, ồn ã có, đằm thắm dìu dặt có, mà như một điều kỳ diệu hiện hữu giữa đời thường, lời then, lời tính tẩu cứ mặc nhiên tồn tại, phát triển. Dù đã có cách tân, nhưng lời then vẫn vẹn nguyên bản sắc Tày - Nùng mang hồn cốt của núi rừng Việt Bắc.

 

Bích Hằng
thainguyen.gov.vn