Truy cập nội dung luôn

Mất an toàn lao động tại các cơ sở chế biến lâm sản

Trên địa bàn tỉnh hiện có 555 cơ sở sản xuất, chế biên lâm sản, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Mặc dù thường xuyên sử dụng các loại máy móc có nguy cơ mất an toàn lao động cao, như: Máy cưa, máy xẻ, máy băm, bóc gỗ… nhưng việc đảm bảo an toàn lao động tại các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản vẫn chưa được các chủ cơ sở và người lao động quan tâm đúng mức.

Người lao động làm việc mà không trang bị đồ bảo hộ tại cơ sở chế biến gỗ của gia đình ông Lưu Văn Phượng, xóm Cầu Ngầm, xã Tân Khánh (Phú Bình).

Gần nửa năm sau vụ tai nạn lao động xảy ra tại xưởng bóc gỗ Trang Thuật ở xã Liên Minh (Võ Nhai), anh Nguyễn Văn Đôn, nạn nhân của vụ tai nạn vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại. Sáng 01/12/2020, anh đến xưởng bóc gỗ làm việc như mọi ngày. Trong lúc vận hành máy bóc gỗ, do sở ý nên tay anh bị cuốn vào máy, cả người cũng bị cuốn theo guồng quay khiến toàn bộ phần da vùng bụng, ngực và bả vai bị lột, mắc vào trục máy.

Sau đó, anh Đôn được đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên hơn 1 tháng. Đến nay, dù vết thương đã lành nhưng anh vẫn phải gánh chịu thương tật vĩnh viễn, mất 40% khả năng lao động nên không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc ở xưởng bóc gỗ.

Anh Đôn kể lại: Khi được nhận vào làm việc tại xưởng bóc gỗ, chúng tôi chỉ được nhìn và học theo những người đã làm việc từ trước chứ không được đào tạo gì. Chúng tôi cũng không được ký kết hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm, lương thì thỏa thuận miệng theo khoán sản phẩm, bình quân từ 180-250 nghìn đồng/ngày. Mặc dù làm việc trong môi trường khá nguy hiểm nhưng chúng tôi không được trang bị quần áo bảo hộ, găng tay hay khẩu trang gì cả... Vì thế nên chuyện bị đứt chân, đứt tay, xây sát, chảy máu trong quá trình làm việc vẫn xảy ra như cơm bữa.

Mới đây là vụ tai nạn lao động xảy ra với anh Ma Đình Long, trú tại xóm Khuân Câm, xã Quy Kỳ (Định Hóa), vào cuối tháng 4-2021. Trong lúc làm việc ở xưởng chế biến lâm sản tại địa phương, anh Long bị máy cưa cắt đứt 4 ngón tay. Mặc dù được đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nhưng 4 ngón tay của anh không thể nối lại vì đã bị dập nát hoàn toàn…

Ngoài 2 trường hợp kể trên, thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, số vụ tai nạn lao động liên quan đến các cơ sở này cũng không ngừng tăng lên. Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay đã xảy ra gần 70 vụ tai nạn lao động tại các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, phần lớn là tại các xưởng chế biến lâm sản.

Đây chỉ là con số thống kê chưa đầy đủ. Bởi lẽ, khi xảy ra tai nạn lao động, nhiều cơ sở sản xuất muốn che giấu, không khai báo với cơ quan chức năng mà tự thỏa thuận giải quyết với gia đình nạn nhân.

Mặc dù tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động cao nhưng theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh, tình trạng chủ cơ sở sản xuất, người lao động còn chủ quan, lơ là, không quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn lao động vẫn diễn ra khá phổ biến.

Có mặt tại cơ sở băm gỗ của anh Nguyễn Tuấn Quyền, xóm Vườn Thông, xã Động Đạt (Phú Lương), chúng tôi thấy khoảng 10 lao động đang làm việc nhưng tất cả đều không đeo khẩu trang, không đội mũ, mặc quần áo, đeo găng tay bảo hộ, thậm chí có người còn cởi trần, đi chân đất trong quá trình làm việc. Khi được hỏi vì sao không sử dụng đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn, những lao động này đều trả lời rằng, thời tiết mùa hè, mặc quần áo bảo hộ vừa nóng nực, vừa vướng víu nên họ không sử dụng.

Tương tự, cơ sở bóc gỗ của gia đình anh Lưu Văn Phượng, xóm Cầu Ngầm, xã Tân Khánh (Phú Bình), có 8 công nhân đang làm việc, tuy nhiên, không người nào mang đồ bảo hộ lao động. Anh Nguyễn Văn Toàn, một lao động đang làm việc tại xưởng bóc gỗ này nói: Làm việc với máy móc sử dụng điện, có nhiều dao, lưỡi cưa cắt sắc lẹm nên chỉ cần một phút lơ là, mất cảnh giác là chúng tôi có thể phải trả giá đắt, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Hơn 3 năm làm nghề bóc gỗ thuê, tôi đã từng chứng kiến không ít vụ tai nạn lao động, nhẹ thì xây xát chân tay, nặng thì cụt cả ngón tay, bàn tay…

Có thể thấy rằng, hiệu quả mà các cơ chế sản xuất, chế biến lâm sản đem lại cho người lao động tại những vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh là rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng mất an toàn lao động tại các cơ sở này đang rất đáng báo động.

Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn lao động tại các cơ sở sản xuất, chế biên lâm sản; đồng thời mở thêm nhiều lớp đào tạo nghề, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng vận hành các loại máy móc cho người lao động tại các cơ sở này để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra./.

Nguyên Ngọc
baothainguyen.vn