Truy cập nội dung luôn

Cơ hội để du lịch Việt Nam mở cửa, thích ứng an toàn với Covid-19

Ngày 15/10, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề: “Du lịch thích ứng an toàn với Covid-19” nhằm triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"

 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi Tọa đàm. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Tham dự Tọa đàm có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cùng đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và y tế, các doanh nghiệp lữ hành…

Hai năm qua, ngành Du lịch, ngành kinh tế tổng hợp, tạo sinh kế cho hàng triệu người chịu thiệt hại nặng nề do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong bối cảnh cả nước bước vào giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm thực hiện mục tiêu kép là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ngành Du lịch đã có điều kiện cần để bắt đầu quá trình phục hồi.

Buổi Tọa đàm được tổ chức theo 2 phiên thảo luận chính, xoay quanh 5 nhóm nội dung: Khó khăn của ngành Du lịch qua 4 lần bùng dịch Covid-19; cơ hội, điều kiện và sự chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế; vấn đề bảo đảm lao động du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; các điều kiện để bảo đảm kết nối, liên thông du lịch nội địa trong bối cảnh mới; đề xuất những giải pháp để du lịch hồi phục và phát triển trong tình hình mới.

Tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp trở lại hoạt động du lịch

Phát biểu khai mạc, ông Lê Quốc Minh nhận định, sau thời gian dồn lực chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt nhất, triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế.

Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đây là cơ hội để du lịch và lữ hành được hoạt động trở lại, không chỉ với du lịch trong nước mà cả du lịch quốc tế.

Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh ở góc độ quản lý nhà nước, phải tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai đưa thông điệp mạnh mẽ, nhất quán với doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức với tinh thần tạo điều kiện tối đa nhất để doanh nghiệp được trở lại hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào kinh tế - xã hội của từng địa phương, góp phần cùng quốc gia mang lại giá trị kinh tế trong bối cảnh khó khăn.

Trong lĩnh vực chỉ đạo quản lý, phải tập trung nghiên cứu, lựa chọn một số công việc có tính chất trọng tâm và nhất là định hướng để chuyển đổi. Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động kinh tế mà còn tác động tâm lý, tình cảm, sở thích, nguyện vọng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, qua khảo sát sơ bộ, tâm lý người đi du lịch có sự thay đổi. Nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình. Bộ đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần mỗi tỉnh phải có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch: Nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang được Chính phủ giao trách nhiệm tham mưu và cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trong đó, nhóm nhiệm vụ lĩnh vực về du lịch - dịch vụ là nhóm ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng. Vì vậy, Bộ đang tiếp cận theo hướng phải nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch.

Buổi tọa đàm nhận được các ý kiến đóng góp thực chất, chung tay góp phần cho nỗ lực phục hồi ngành Du lịch - Ảnh: VGP/Diệp Anh

Mở cửa thận trọng, an toàn nhưng không cản trở thuận lợi của khách

Để thích ứng với điều kiện bình thường mới sau khi mở cửa, các doanh nghiệp du lịch cũng thống nhất cho rằng, không thể mở cửa tự do mà phải mở cửa thận trọng, an toàn nhưng không cản trở thuận lợi của khách.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist, các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch như các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn… sẵn sàng áp dụng điều kiện an toàn. Ngoài ra, mỗi địa phương cũng cần có sản phẩm du lịch an toàn. “Với du lịch nội địa sẽ có biện pháp thế nào, với du lịch liên vùng, liên tỉnh sẽ cần có biện pháp ra sao? Chúng ta phải có kịch bản riêng để bảo đảm an toàn về mặt thị trường, như vậy sẽ nối chính xác điểm đến, tạo điểm đến, tạo sản phẩm, tạo kết nối đúng nhu cầu của du khách”, ông Phùng Quang Thắng nêu ý kiến.

Bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietravel cho rằng, về chính sách vĩ mô, cần sự thống nhất, đồng bộ trong cả nước. Đó là điều kiện tiên quyết để du lịch phục hồi bởi nếu không có những giải pháp tổng thể thì rõ ràng, việc triển khai sẽ gặp khó khăn. Trong Nghị quyết 128 của Chính phủ vừa mới ban hành cũng có đề cập đến vắc xin là điều kiện tiên quyết, là điều kiện rất quan trọng để người dân và du khách thấy được sự an toàn và bình an của khu vực.

Các địa phương đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị đón khách trong điều kiện bình thường mới cũng chú trọng đến yếu tố thận trọng, an toàn. Theo bà Nguyễn Lệ Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động của các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Bộ tiêu chí gồm 3 lĩnh vực như: Đối với cơ sở lưu trú; đối với doanh nghiệp lữ hành, đối với các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Nội dung của Bộ tiêu chí bao gồm các tiêu chí đối với khách du lịch, đối với việc di chuyển, lưu trú, tham quan tại các điểm tham quan nhằm bảo đảm an toàn du khách.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhấn mạnh yếu tố an toàn trong du lịch là vấn đề quan trọng nhất hiện nay, vì hành khách sẽ chỉ đi du lịch trong một điều kiện được bảo đảm an toàn. Khái niệm an toàn cũng cần được hiểu một cách linh hoạt và phù hợp với thực tế. Đó là lý do ngành Du lịch đã đưa ra 4 tiêu chí cho sự an toàn: Vắc xin, 5K, công nghệ và truyền thông, những tiêu chí này tương đối phù hợp với tình hình hiện nay.

Buổi tọa đàm đã nhận được các ý kiến đóng góp thực chất từ các nhà quản lý, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, chung tay góp phần cho nỗ lực phục hồi ngành Du lịch, tiếp tục hành trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

 

Diệp Anh
chinhphu.vn