Truy cập nội dung luôn

Tản mạn về cây chè tím Trung Du

Từ lâu Thái Nguyên được mệnh danh là miền quê “Đệ nhất danh trà”. Trà xứ Thái đã đi vào thơ ca, nhạc, họa với màu sắc và thanh âm hòa quyện tạo nên giai điệu đầy hoài cảm. Bên tách trà thơm, ngẫm ngợi muôn sự ấm áp về tình người tình đời, ai cũng cảm thấy lòng mình thật thanh tịnh, an yên.

Trà Thái Nguyên thơm ngon không chỉ chắt lọc tinh túy của một vùng đất đắc địa dưới sườn non Tam Đảo bên dòng sông Cầu, sông Công và mặt nước hồ xanh huyền thoại Núi Cốc, mà còn bởi sự cẩn thận, tỉ mỉ, tinh tế của người làm chè trong tất cả các khâu: Chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến.

Chè trung du cành tím

Tôi gắn bó với cây chè từ bé, bởi nhà cũng có một mảnh vườn nhỏ trồng chè, mỗi lần hái chỉ sao đủ cho nhà dùng và dành gửi biếu bà con ở quê. Tôi không khó để phân biệt được trà ngon và trà của các vùng Tân Cương, Trại Cài, La Bằng, Tức Tranh… Nhiều ngày rảnh rỗi, tôi theo nhóm bạn đi các chợ chè và tham gia tuyển trà, cốt để thư giãn là chính. Việc tuyển trà thông qua khứu giác, thị giác, vị giác từ ngắm màu nước, ngửi hương, nhấp từng ngụm nhỏ và cảm nhận vị. Hình (của búp, cánh), sắc, hương, vị (của nước). Tuy nhiên, hiểu biết về cây chè và trà Thái Nguyên của tôi không hẳn đã thấu đáo. Lần ấy người bạn của tôi từ thành phố Hồ Chí Minh gọi điện nhờ mua giúp chè trung du loại cành tím. Theo anh, trà Thái Nguyên có thành phần hóa học khá đa dạng và sở hữu những tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng riêng cây chè trung du cành tím có hàm lượng các chất giúp phòng ngừa bệnh tật cao hơn.

Từ lời người bạn, tôi đã chú tâm tìm hiểu và khá bất ngờ nhận thấy chè trung du có hai loại xanh và tím. Vườn nhà bố mẹ tôi chè tím đã bị chặt bỏ vì năng suất không cao, nước trà màu đỏ quạch và uống có vị đắng. Một số hộ trồng chè trước đây có loại cây chè tím này nhưng nay không còn.

Nhiều năm qua, các vùng trồng chè Thái Nguyên tập trung trồng chủ yếu là các loại chè cành như chè lai F1, Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Hùng Đỉnh Bạch, Long Vân... Đó là những loại chè thông dụng, cho năng suất cao và được người tiêu dùng ưa thích. Đặc điểm chung của các loại chè này khi trồng cho tỷ lệ sống cao. Khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng khí hậu thổ nhưỡng khá tốt. Cây sinh trưởng khỏe, cành nhiều, phát triển cân đối thiên về chiều ngang, mật độ búp dày và mập, rất thích hợp cho chế biến chè đặc sản.

Chè trung du xanh

Những năm trước đây, chè trung du được biết đến là loại chè truyền thống, lá chè nhỏ, có vị thơm, ngọt hậu, được nhiều người ưa chuộng. Có nhiều nguyên nhân khiến bà con các vùng chè chuyển đổi giống chè, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do được trồng đã nhiều năm cây chè dần bị thoái hóa, năng suất và chất lượng thấp. Chè trung du hiện chỉ còn rất ít.

Qua giới thiệu của những người sành chè, tôi đã tìm về Làng nghề chè Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương. Tại đây chè trung du loại xanh và tím vẫn được trồng và đang cho thu hoạch. Khe Cốc là một trong tứ đại danh trà của tỉnh Thái Nguyên. Không chỉ có diện tích chè lớn, những dãy đồi núi trùng điệp bao quanh cùng dòng nước trong mát từ các khe suối tạo nên hương vị trà mang đặc trưng riêng và có chất lượng trà thơm ngon không thua kém các vùng trà khác. Trà Khe Cốc sợi dài, đều, màu nhạt. Nước trà màu xanh tươi, sáng, có tiền vị chát dịu, êm ái, hậu vị ngọt sâu, thơm thanh. Đặc trưng hương vị thuần khiết và yếu tố sạch, an toàn đã được bà con Khe Cốc chăm chút để phát triển thương hiệu.

Tiếp xúc với bà con nông dân, tôi được biết cây chè trung du là loại chè truyền thống trồng bằng hạt, có khả năng chống chịu sâu bệnh cũng như chịu hạn, chịu rét tốt nên mùa lạnh cây chè vẫn trổ búp. Chè trung du có tuổi thọ cao và cho thu hoạch suốt một thời gian dài. Năng suất của loại chè này không bằng các loại chè khác, nhưng khả năng sinh trưởng mạnh, có giá trị kinh tế cao. Thấy được lợi ích của việc phát triển chè trung du, bà con đã gìn giữ bảo tồn và trồng trên diện rộng, trong đó chè tím chiếm khoảng 30%. Các hộ gia đình mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, tuyệt đối tuân theo quy trình sản xuất, không sử dụng phân bón và các loại thuốc ngoài danh mục gây hại đến môi trường cũng như sức khỏe người tiêu dùng. Từng bước phát triển theo hướng chuyên sâu về chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Quan sát kĩ hai loại chè trung du, tôi thấy chè xanh và chè tím có sự khác nhau rõ rệt và rất dễ nhận biết. Tuy cùng là chè lá nhỏ, thân dạng tán, nhưng chè tím cây có màu sậm hơn. Cành, cuống và gân lá có màu tím, búp non cũng phơn phớt tím. Nếu pha một ấm trà tím được sao suốt riêng biệt, ta thấy nước trà có mầu hơi sẫm và ánh xanh, nhấp có vị đắng chát nhẹ, sau đó có vị ngọt. Làn hương của trà thơm mát mùi cốm non.

Tra cứu các bài viết về trà và các trang mạng, tôi chưa thấy có công trình nghiên cứu và các bài viết về cây chè tím. Nhiều bài giới thiệu hoặc quảng bá cũng chỉ đề cập tới trà xanh, không nói tới trà tím. Một số cơ sở đang nhân giống bảo tồn chè xanh trung du, nhưng loại chè tím chưa thấy có những khảo cứu cụ thể. Mặc dầu vậy, trà tím vẫn luôn hút hàng và được nhiều người tìm mua.

Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chè Khe Cốc chia sẻ: “Thiên nhiên đã ban tặng vùng đất cổ Khe Cốc khí hậu thổ nhưỡng thích hợp cho cây chè trung du phát triển. Sản xuất chè sạch, an toàn và có chất lượng cao là phương châm bà con trong làng nghề đang cùng nhau nỗ lực thực hiện. Chúng tôi cố gắng bảo tồn, nhân rộng giống chè trung du cả loại xanh và tím, áp dụng nhiều giải pháp đảm bảo chất lượng các loại trà phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Giá trị cây chè càng cao, đời sống bà con nông dân sẽ càng có điều kiện để cải thiện tốt hơn.

Uống là một nhu cầu cần thiết của con người nhằm duy trì sự cân bằng năng lượng cho cơ thể. Trong đó uống trà là một trong những điểm nổi bật trong văn hoá ẩm thực dân tộc. Cây chè tím trung du hiện được biết tới với nhiều loại hợp chất có tác dụng phòng chống bệnh nan y và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên mức độ công dụng tới đâu cần phải đợi các nhà khoa học nghiên cứu cho kết luận chính thức.

Hy vọng với tâm huyết của những người làm chè, cây chè Thái Nguyên nói chung và cây chè tím trung du nói riêng sẽ tiếp tục chắt lọc để tạo nên làn hương trong các sản phẩm trà và mang sự sang quí của tinh hoa Trà Việt lan xa./.

Phan Thái (TP. Thái Nguyên)
thainguyen.gov.vn