Truy cập nội dung luôn

Khởi nghiệp từ đam mê chè

Sinh ra và lớn lên ở vùng chè nên suy nghĩ quảng bá sản phẩm chè của địa phương ra thị trường luôn đau đáu trong thanh niên trẻ Dương Quang Phú, sinh năm 1994, ở xóm Trại Cài, xã Minh Lập (Đồng Hỷ). Chính vì lẽ đó, năm 2019, Phú đã đứng lên thành lập Hợp tác xã (HTX) chè Sáo Thịnh. Hơn 1 năm đi vào hoạt động, sản phẩm chè của HTX đã có mặt trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

 

Ngoài việc thuê lao động, Dương Quang Phú, xóm Trại Cài, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) cũng trực tiếp sao sấy, kiểm tra chất lượng chè tại xưởng chế biến.

Theo lời giới thiệu của Đoàn Thanh niên xã Minh Lập, chúng tôi đến thăm xưởng chế biến của HTX chè Sáo Thịnh. Nhìn hai khu nhà xưởng rộng hơn 500m2 được đầu tư khang trang với đủ các loại máy như: tôn quay, máy vò, hút chân không... cho thấy Phú đã đầu tư rất nhiều công sức, chi phí vào đây. Vừa rót chén nước chè mời chúng tôi, Phú vừa nói: Trước khi thành lập HTX, em đã có thời gian 3 năm đi lao động ở Nhật Bản. Khi trở về quê hương, được sự ủng hộ của bố mẹ cùng với kinh nghiệm đã tích lũy được, em quyết định thành lập HTX. Mục đích thu mua sản phẩm chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của người dân làng nghề chè Trại Cài xuất bán ra thị trường.

Xác định “chất lượng tạo nên thương hiệu”, do đó, Phú chỉ lựa chọn những hộ dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để ký hợp đồng. Song song với đó, Phú đặc biệt chú ý đến việc quảng bá sản phẩm chè của HTX thông qua các mối khách hàng sẵn có của gia đình từ trước và tận dụng ưu thế của mạng xã hội. Hiện nay, có khoảng 30-40 khách hàng thường xuyên ở khắp các tỉnh từ miền Bắc và Nam đặt hàng. Bình quân mỗi tháng, HTX xuất bán ra thị trường 4-5 tấn chè búp khô, với giá bán từ 200.000-900.000 đồng/kg, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí cho thu lãi gần 100 triệu đồng. Hiện nay, HTX đang giải quyết việc làm cho 3 lao động, với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ thêm về cách quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, Phú cho biết: Hiện nay, tỷ lệ người dùng mạng xã hội rất cao, tận dụng thế mạnh đó nên các khâu sản xuất chè từ thu hái đến đóng gói sản phẩm em đều chụp ảnh, quay clip để người tiêu dùng biết đến sản phẩm, quy trình sản xuất chè của mình. Hiện nay, trong 40 khách hàng ở khắp các tỉnh như: Hà Nội, Trà Vinh, Hải Phòng, Thanh Hóa..., thì có tới ¾ đều là khách hàng mới. Họ đặt hàng trực tiếp theo số điện thoại có sẵn trên mạng...

Lớn lên cùng với cây chè nên Phú khá am hiểu về chất lượng, ưu, nhược điểm và vị ngon riêng của từng loại chè. Nhấn mạnh thêm về chất lượng sản phẩm chè của HTX, Phú cho biết: Tất cả sản phẩm chè của HTX Sáo Thịnh đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm.

Không chỉ năng động trong làm kinh tế giỏi, dám nghĩ, dám làm, Phú còn là đoàn viên, ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên xã năng nổ, nhiệt huyết. Anh Đặng Văn Lâm, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Minh Lập cho biết: Mô hình phát triển kinh tế của đồng chí Dương Quang Phú bước đầu đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, cho thấy hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế. Từ mô hình này, một số đoàn viên thanh niên trong xã cũng đang tham khảo, học hỏi để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình mình. Thời gian tới, Đoàn Thanh niên xã sẽ tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể của xã; các phòng, ban liên quan của huyện tổ chức thêm các hoạt động hỗ trợ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp... 

 
Chung An
baothainguyen.vn