Tọa đàm trực tuyến: Bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng

Trẻ em là đối tượng dễ tổn thương, dễ chịu ảnh hưởng nhiều từ thông tin tiêu cực trên môi trường mạng. Vì vậy, việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là hết sức cần thiết. Để trao đổi, làm rõ hơn về các hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng như hướng dẫn cách nhận diện thông tin, xấu, độc và nâng cao kiến thức cho cha mẹ để đồng hành cùng con trên không gian mạng, Trung tâm Thông tin - Cổng Thông tin điện tử Thái Nguyên tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.

MC Phương Thảo và khách mời

MC Phương Thảo: Thưa quý vị và các bạn! Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, việc tìm hiểu, học tập của trẻ em trên không gian mạng ngày càng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đây cũng là đối tượng dễ tổn thương, dễ chịu ảnh hưởng nhiều từ thông tin tiêu cực trên môi trường mạng. Vì vậy, việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là hết sức cần thiết, đặc biệt trong mùa hè khi trẻ em được nghỉ và có nhiều thời gian sử dụng mạng Internet. Nhằm trao đổi, làm rõ hơn về các hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng như hướng dẫn cách nhận diện thông tin, xấu, độc và nâng cao kiến thức cho cha mẹ để đồng hành cùng con trên không gian mạng chúng tôi đã mời đến trường quay 2 vị khách mời: TS Lê Phương Hoa, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên; bà Nguyễn Thị Mai Anh, Trưởng ban Thanh thiếu nhi - Trường học Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội tỉnh Thái Nguyên.

Xin được trân trọng cảm ơn 2 vị khách mời đã nhận lời tham gia chương trình. Trước khi bắt đầu phần trao đổi, xin mời các vị khách mời cùng quý vị và các bạn theo dõi phóng sự ngắn mà chúng tôi vừa thực hiện.

MC Phương Thảo: Các vị khách mời và quý vị khán giả vừa theo dõi những con số thống kê về thực trạng thanh thiếu niên sử dụng Internet. Chúng ta không phủ nhận những tác động tích cực mà Internet mang lại, nhưng rất nhiều chuyên gia cũng đánh giá rằng: Nếu như không có định hướng cho con trẻ trong việc sử dụng Internet và không gian mạng nói chung thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với sự phát triển của trẻ. Từ góc nhìn của một người hoạt động đoàn, đội, cũng với vai trò của một người làm mẹ, bà có đánh giá như thế nào về nhận định này, thưa bà Nguyễn Thị Mai Anh?

Bà Nguyễn Thị Mai Anh: Sự phát triển của internet đã tạo cho trẻ em có nhiều cơ hội để khám phá thế giới, để học tập cũng như giải trí. Việc tiếp cận internet, mạng xã hội hay các thiết bị thông minh là vô cùng tất yếu. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết mạng xã hội hay internet nói chung đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Vì vậy, đối với cá nhân tôi là một cán bộ đoàn, đội cũng từ góc độ một phụ huynh, tôi nhìn nhận rằng nếu không có sự kiểm soát đối với trẻ em trong việc tiếp cận internet và mạng xã hội thì sẽ có nhiều rủi ro tiềm ẩn.

 Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Trưởng ban Thanh thiếu nhi - Trường học Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội tỉnh Thái Nguyên

MC Phương Thảo: Như vậy có thể thấy, việc định hướng cho trẻ trên không gian mạng là việc làm rất cần thiết. Từ góc nhìn của một chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ đánh giá như thế nào về những rủi ro tiềm ẩn khi trẻ em hoạt động trên không gian mạng một cách thiếu định hướng, thưa TS Lê Thị Phương Hoa?

TS. Lê Thị Phương Hoa: Thực ra mỗi thời đại, bối cảnh lịch sử có thay đổi riêng. Trước đây tuổi thơ của trẻ em gắn với góc sân và khoảng trời, nên bố mẹ có nhiều cách để thu hút trẻ em vào đó, nhưng bây giờ thì không thể. Thế nên chúng ta không thể cấm các con tham gia vào thế giới số, vì các con sẽ bị thụt lùi. Vì thế nên vai trò của phụ huynh không phải là cấm mà tạo cho các con có sân chơi được gia nhập vào thế giới toàn cầu, tiếp cận với công nghệ hiện đại nhưng phải có sự giám sát, đồng hành cùng các con để các con tìm hiểu được nhiều thông tin bổ ích trên từ thế giới số và có kỹ năng phòng vệ cho mình trước những nguy cơ không an toàn.

MC Phương Thảo: Thưa TS. Lê Thị Phương Hoa có thể thấy hiện nay nhiều trẻ em phụ thuộc quá nhiều vào mạng Internet như dỗ con ăn cũng dùng mạng, để con giải trí cũng dùng mạng. Vậy theo Tiến sĩ việc làm này dẫn đến hệ lụy gì?

TS Lê Phương Hoa, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên

TS Lê Phương Hoa: Thực ra mạng internet không xấu nếu không muốn nói là rất tích cực, quan trọng là do cách người dùng. Cũng bởi internet mang lại rất nhiều lợi ích và sự hấp dẫn đặc biệt với trẻ, từ những câu chuyện có hiệu ứng sinh động, nguồn thông tin đa dạng nên nhiều trẻ em bị hút vào internet. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh coi internet giống như công cụ, phương tiện giúp các bậc phụ huynh trong việc trông coi trẻ. Việc cấm trẻ sử dụng internet là không thể, vẫn có thể cho trẻ tiếp cận nhưng tần suất đủ trong ngưỡng an toàn thì không có gì phải bàn cả. Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều phụ huynh lạm dụng internet như cho con ăn cũng phải mở mạng, hay trong lúc phụ huynh bận cũng đưa cho con 1 máy tính bảng. Việc lạm dụng này gây ra nhiều hệ lụy, điều đầu tiên là ảnh hưởng đến mắt trẻ; tiếp đó là hình thành ở trẻ tư duy ỉ lại, sau này nếu không cẩn thận sẽ hình thành nét tính cách là “phải có cái này thì mới làm cái kia” và dần dần tạo nên tính cách ở trẻ là sự vô cảm, thích đỏi hỏi. Bên cạnh đó, ngắt kết nối giữa mẹ và con, bởi tình cảm gia đình, mẹ con được hình thành từ sự quan tâm của bố mẹ, nhưng ở đây thay vì sự quan tâm của bố mẹ thì bố mẹ lại sử dụng điện thoại để trông coi trẻ, khiến trẻ quan tâm đến điện thoại hơn là bố mẹ. Một hệ lụy nữa, lâu dần sẽ khiến cho trẻ thụ động, phản ứng với những tình huống, biến cố và hành vi xung quanh rất chậm.

MC Phương Thảo: Vâng, đúng là có rất nhiều hệ lụy khi chúng ta lạm dụng mạng Internet. Vậy TS Lê Thị Phương Hoa chia sẻ thêm là trong quá trình nghiên cứu, tư vấn tâm lý Tiến sĩ đã gặp trường hợp ảnh hưởng khi dùng mạng internet mà khiến chúng ta phải suy nghĩ?

Trẻ có thể bị cận thị, loạn thị nếu lạm dụng thiết bị điện tử để vào mạng Internet (Ảnh: Internet)

TS Lê Thị Phương Hoa: Đến thời điểm này, tôi gắn bó với công tác tư vấn hỗ trợ học sinh có khó khăn tâm lý cũng như can thiệp với trẻ tự kỷ được 7 năm, chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng, có nhiều trường hợp gây cho tôi sự ám ảnh, với góc độ chuyên môn cũng như góc độ một người mẹ. Em này là một học sinh lớp 10, có một khoảng thời gian rất dài bố mẹ bận công việc cho nên hầu như không gian của em là một mình với thế giới mạng, máy tính, điện thoại. Đầu tiên bố mẹ cũng nghĩ em vào mạng để tìm kiếm thông tin học tập. Nhưng bên cạnh tìm kiếm thông tin, em đã kết bạn với nhiều người trên mạng. Nó cho em cảm giác thoải mái, trẻ cứ sống với niềm vui trong thế giới ảo. Cho khi em đến trường, tiếp xúc với thế giới thực thì các bạn có trêu chọc, xưng hô không lịch sự như các bạn trên mạng, khiến cho em ấy rất khó chịu. Bạn ấy nói với tôi rằng chẳng có gì hay đáng phải quan tâm cả. Thay vì đương đầu, làm quen với thực tế vì không có sự trợ giúp của bố mẹ, em chọn cách né tránh, không đến trường, chỉ ở nhà để nói chuyện với các bạn ở trên mạng để tìm cảm giác an toàn, thoải mái. Tôi nghĩ rằng, với đứa trẻ không tìm cách đương đầu với thế giới bên ngoài thì sẽ không thể tồn tại. 

Đó là câu chuyện tôi không thể gỡ được vì em ấy ở xa. Tôi làm việc online, chỉ nói chuyện với em ấy và không có sự quan tâm của bố mẹ. Khi tôi kết nối với bố mẹ em ấy thì rất tiếc là phụ huynh không hợp tác, không thực sự quan tâm. Đấy là một ca mà thực sự ám ảnh đối với tôi.

MC Phương Thảo: Vâng, như chúng ta vừa trao đổi ở trên, rõ ràng đã thấy được những tác hại khi quá lạm dụng thiết bị điện tử đối với trẻ em và rất cần thiết có những hoạt động phù hợp để thu hút các em tham gia. Vậy với vai trò của mình, Tỉnh đoàn Thái Nguyên đã có hoạt động gì để giúp các em có những sân chơi bổ ích và hạn chế sử dụng mạng Internet?

Vào dịp hè, rất nhiều hoạt động do Tỉnh đoàn, các Huyện đoàn phát động nhằm tạo địa điểm vui chơi lý thú, bổ ích cho trẻ em. (Ảnh: Internet)

Bà Nguyễn Thị Mai Anh: Trong thời gian vừa qua, các cấp đoàn đội trên địa bàn tỉnh đã tổ chức rất nhiều các hoạt động cho các em thiếu nhi để tuyên truyền, trang bị các kỹ năng cho các em thiếu nhi tham gia mạng xã hội an toàn. Trước tiên đối với công tác tuyên truyền, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Đồng đội tỉnh đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh thực hiện các công tác tuyên truyền đa dạng như: Tuyên truyền trên mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp trong nhà trường, phối hợp với lực lượng công an để tuyên truyền về Luật an ninh mạng, đăng tải các cẩm nang để các bạn thiếu nhi có thể tham gia mạng xã hội an toàn, trên các phương tiện như các website của Tỉnh đoàn, Hội Đồng đội tỉnh, fanpage chính thống của đoàn đội trên địa bàn tỉnh để các bạn có thể tiếp cận những cẩm nang hữu ích đó. Đối với việc tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi, chúng tôi chú trọng vào việc tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi phù hợp với năng khiếu của các em và nồng ghép trong các hoạt động đó sẽ tuyên truyền về việc tham gia mạng xã hội an toàn và mình phải xử lý như thế nào khi gặp những trường hợp có thể tiềm ẩn những rủi do, tổn hại cho các bạn. Ngoài ra, Tỉnh đoàn, Hội đồng đội tỉnh cũng đã triển khai những sân chơi trực tuyến. Trong năm học 2022 - 2023, đặc biệt là nửa đầu năm 2023 với chủ đề là chuyển đổi số các hoạt động của đoàn, các cấp bộ đoàn đội trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức các hoạt động trực tuyến cho thanh thiếu nhi với những sân chơi bổ ích như cuộc thi, các sân chơi tìm hiểu về luật trẻ em trực tuyến, các sân chơi tìm hiểu về kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, thông qua các hoạt động bổ ích đó, các bạn cũng đã tiếp cận cũng như trang bị kỹ năng cho mình. Bên cạnh đó, trong dịp hè năm 2023, đặc biệt là Tháng hành động vì trẻ em, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng đội tỉnh cũng đã ban hành hướng dẫn đối với các cấp bộ đoàn, đội trên địa bàn tỉnh để triển khai các hoạt động cho các em thiếu nhi trong dịp hè, đặc biệt chú trọng tổ chức đón các em về sinh hoạt hè tại các địa phương, hiện nay các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh, cũng như các sân chơi trực tuyến để các em vừa tiếp cận internet một cách văn minh và lành mạnh. Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn đội trên địa bàn tỉnh sẽ phối hợp với các đoàn thể, các ngành có liên quan để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cũng như trang bị những kỹ năng cho các em.

MC Phương Thảo: Thưa bà Mai Anh, có một thực tế từ nhiều năm nay là một số hoạt động hè do Đoàn thanh niên hay địa phương tổ chức không thu hút được các em thiếu niên, nhi đồng tham gia. Vậy Tỉnh đoàn có chủ trương đổi mới các hoạt động của thanh, thiếu niên như thế nào trong dịp hè này để các hoạt động của đoàn vừa bổ ích, ý nghĩa nhưng vẫn lôi cuốn đông đảo thiếu niên, nhi đồng?

Bà Nguyễn Thị Mai Anh: Nhìn nhận vào thực tế hiện nay, việc tham gia hoạt động hè cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do việc các em thiếu nhi tự đi tham gia hoạt động hè khiến phụ huynh tâm lý lo lắng, sợ không kiểm soát được con khi tham gia các hoạt động hè. Bên cạnh đó nhiều phụ huynh vẫn muốn con cái trong dịp hè tiếp tục trau dồi kiến thức, học tập, ngoài việc học văn hóa còn học thêm năng khiếu nên thời gian sắp xếp tham gia sinh hoạt hè hạn chế. Ngoài ra, kỹ năng tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư của một số cơ sở Đoàn, cán bộ đoàn còn hạn chế chưa thu hút được nhiều thiếu nhi tham gia. Nhận định được những hạn chế như vậy, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội đồng đội tỉnh đang có những hướng dẫn cụ thể để các cấp bộ Đoàn, Đội sẽ đẩy mạnh tổ chức hiệu quả các hoạt động hè cho thiếu nhi, như: Trong tháng 5 và 6, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ đoàn trên địa bàn dân cư về việc tiếp nhận cũng như tổ chức hoạt động hè cho các em thiếu nhi, đặc biệt chú trọng vào các chuyên đề về kỹ năng tổ chức hoạt động hè, nắm bắt tư tưởng của các em thiếu nhi để tổ chức hoạt động hè phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của các em thiếu nhi. Cùng với đó, việc đổi mới định hướng các nội dung tổ chức hoạt động hè cũng được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội đồng đội tỉnh xây dựng với các chủ đề cụ thể. Mong rằng, năm nay, các em thiếu nhi trên địa bàn tỉnh sẽ có mùa hè ý nghĩa với nhiều hoạt động đa dạng hơn trên địa bàn dân cư.

MC Phương Thảo: Thưa Lê Thị Phương Hoa! Theo bà việc bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng chúng ta cần lưu ý những nội dung gì?

Cha mẹ cần giúp con ý thức là nếu đang lướt mạng mà gặp những nội dung xấu thì không tải xuống (Ảnh: Internet)

TS Lê Thị Phương Hoa: Tôi nghĩ rằng để bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng, ngay từ ban đầu tôi đã nói là không thể cấm nên chúng ta chọn cách đồng hành. Thứ nhất, chúng ta có thể cung cấp kiến thức vể sử dụng mạng xã hội cho con thế nào cho an toàn, từ việc nhận diện thông tin không có căn cứ, xấu độc; xử lý tình huống khi bị người lạ gạ gẫm, rủ rê; khi nhìn thấy thông tin bắt mắt mình sẽ xử lý như thế nào; kể cả kỹ năng sử dụng mạng, cái gì nên đưa lên mạng và cái gì không... tất cả những kiến thức đó phụ huynh phải cung cấp cho trẻ em. Thứ hai, bây giờ trẻ em học công nghệ nhanh hơn người lớn. Nhiều trường hợp phụ huynh phải chạy theo con, nên phụ huynh cũng phải nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin cho bản thân mới có thể kiểm soát con sử dụng mạng. Thứ ba, tôi nghĩ rằng, phụ huynh và con cần có những đồng hành, qua cách tìm kiếm thông tin chúng ta cũng có thể biết trẻ có khuynh hướng tìm kiếm thông tin như thế nào, ví dụ như video hoặc thông tin độc hại thì mình phải định hướng cho con.

Có một cách nữa tôi nghĩ cũng quan trọng đó là, trong không gian gia đình không phải lúc nào bố mẹ cũng ở nhà. Nếu có máy tính không nên đặt ở chỗ kín đáo quá mà nên đặt ở phòng khách để có nhiều người qua lại để khi lướt mạng trẻ cũng có dè chừng. Tôi nghĩ đó là một số cách mà bố mẹ có thể lưu ý.

Để bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng, chúng ta không thể cấm mà chọn cách đồng hành

MC Phương Thảo: Vâng còn với bà Mai Anh, để vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng đạt hiệu quả, theo bà chúng ta phải có sự phối hợp giữa các ngành như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Mai Anh: Vâng, với góc độ của các cấp bộ Đoàn, Đội đối với những người trẻ và gần gũi với trẻ em nhất có thể nắm bắt tâm lý của trẻ em, khả năng nắm bắt tâm lý của trẻ em nhanh nhất, tôi nghĩ là để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần có sự phối hợp chặt chẽ trước tiên là Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đều là những bậc phụ huynh, việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền đồng loạt của các đoàn thể sẽ có sự đồng bộ để phụ huynh có thể tuyên truyền đến con của mình. Tiếp đó phải có sự phối hợp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Giáo dục, ngành Công an để tất cả các môi trường mà trẻ em tiếp xúc đều có sự định hướng của người lớn, tất nhiên là sự định hướng trong thời điểm hiện tại như TS Lê Thị Phương Hoa chia sẻ là sẽ đồng hành chứ không ngăn cấm, để định hướng cho các em thiếu nhi những đúng đắn và mình phải lựa chọn sự tham gia trên môi trường mạng như thế nào văn minh và phù hợp với độ tuổi của mìn

MC Phương Thảo: Với góc độ là một chuyên gia tâm lý, TS Hoa có khuyến cáo gì về việc nhận diện những thông tin xấu, độc đối với trẻ em trên không gian mạng? Bởi đôi khi những thông tin, trò chơi xấu độc lại được ẩn dưới những hình thức dễ thu hút người xem, đặc biệt là trẻ em?

TS Lê Thị Phương Hoa: Trên không gian mạng giống như một xã hội có quá nhiều phức tạp, chính vì vậy không gian xấu, độc cũng tràn lan, với người lớn chuyện lựa chọn thông tin đã là một việc rất khó, thì với trẻ em còn khó hơn rất nhiều. Nhưng khó thì chúng ta cũng vẫn phải dạy, bởi nếu chúng ta đã chấp nhận cho con sử dụng mạng như một công cụ để con có thể tìm kiếm kiến thức thì bắt buộc phải đồng hành cùng con. Vậy đồng hành như nào, đầu tiên chúng ta phải cho con dữ liệu để con nhận diện đó là thông tin xấu độc. Theo quan điểm của tôi, những thông tin xấu độc có điểm chung như: Thông tin không rõ ràng, nhiều tin có tiêu đề hấp dẫn, giật gân, viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định để thu hút sự chú ý của người đọc. Đồng thời, kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, đa số nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”; tin giả thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp, không thống nhất, đặc biệt là font chữ nhảy lung tung, nhìn rất nhức mắt. Chúng ta cũng cần dạy cho trẻ khi thấy những tin có tiêu đề chống phá Đảng, Nhà nước hoặc có thông tin trái với thuần phong mỹ tục thì tốt nhất không comment không share, like hoặc cổ súy cho người khác comment và share. Đây là những điều phụ huynh nên hướng dẫn cho con để nhận diện thông tin xấu độc trên mạng internet.

Trẻ em sẽ đối diện nguy cơ tiếp cận tin xấu, độc hại nếu thiếu sự giám sát của bố mẹ. (Ảnh: Internet)

MC Phương Thảo: Thời gian tới Tỉnh đoàn Thái Nguyên sẽ có hoạt động gì để bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng, thưa bà Mai Anh?

Bà Nguyễn Thị Mai Anh: Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Đồng đội tỉnh cũng xác định trọng tâm trong công tác phối hợp tuyên truyền với các sở, ban, ngành, cơ quan thông tấn, báo chí và các ngành liên quan để tiếp tục tuyên truyền cho các em thiếu nhi theo đúng nhiệm vụ. Đặc biệt là đa dạng các hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, xây dựng dưới dạng Infographic, cẩm nang số, video đến các em thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Các cấp bộ Đoàn tổ chức các hoạt động hè cho thiếu nhi thông qua các câu lạc bộ sở thích để các em thiếu nhi có thể thể hiện bản thân, thể hiện năng khiếu của mình; tổ chức các cuộc thi, hoạt động trực tuyến, các hoạt động định hướng cho trẻ em trên không gian mạng, tư vấn tâm lý trực tuyến. Đặc biệt là huy động các nhà hảo tâm để huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng các công trình vui chơi để các em có thể tham gia các hoạt động trên địa bàn dân cư, không sử dụng internet và điện thoại. Bên cạnh đó là các hoạt động rèn luyện thể thao, các hoạt động tuyên truyền phòng chống kỹ năng chống đuối nước, các lớp bơi miễn phí cho thiếu nhi... trên địa bàn dân cư sẽ được các cấp bộ Đoàn quan tâm trong thời gian tới.

MC Phương Thảo: Vâng! vậy với Lê Thị Phương Hoa, bà có lời khuyên cũng như tư vấn gì với các bậc phụ huynh trong việc đồng hành và những giải pháp gì để bảo vệ con an toàn trên không gian mạng?

TS Lê Thị Phương Hoa: Trước hết, bố mẹ phải hạn chế sử dụng mạng, dành thời gian để chơi với con, trò chuyện với con, điều này vừa giảm thiểu thời gian trẻ dùng mạng, vừa tăng cường sợi dây liên kết mẹ con, bố con. Cha mẹ có thể cùng con vào mạng, cùng con chơi trò chơi, cùng con xem các thông tin trên mạng để qua đó có thể hiểu thêm về khuynh hướng tìm kiếm thông tin của trẻ. Nếu thấy trẻ truy cập vào các nội dung có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ thì phải ngăn chặn ngay. Bởi hiện nay có nhiều video clip rất thu hút trẻ nhưng nội dung của video thường xuất hiện nhưng câu nói thiếu văn hóa, thậm chí chửi bậy. Nếu cha mẹ phó mặc trẻ xem, rất có thể trẻ sẽ học những câu nói tục chửi bậy đó. Đặt máy vi tính, nhất là máy vi tính kết nối internet, ở nơi mà cả nhà đều có thể sử dụng chung thay vì trong phòng riêng của con. Nên đặt ra một khoảng thời gian hợp lý để các con có thể sử dụng Internet để học tập, làm bài tập và giải trí. Cha mẹ đừng xem máy vi tính như người bảo mẫu để trao phó con. Cần giúp con ý thức là nếu đang lướt mạng mà gặp những nội dung xấu thì không tải xuống, cũng không dừng lại xem. Làm sao để tạo cho con có khả năng biết phân định nội dung phù hợp. Có thể ngăn chặn việc truy cập vào một vài website, chẳng hạn như những website bạo lực hoặc khiêu dâm, nhờ sử dụng phần mềm bộ lọc internet. Nếu cài đặt chúng, cần nhớ kiểm tra định kỳ hoạt động của chúng và giữ bí mật từ khóa. Nên giải thích cho con những điều trẻ nên và không nên làm khi sử dụng Internet như: Không nên chia sẻ mật khẩu, họ tên, địa chỉ, số CMND/CCCD hay bất cứ thông tin định danh nào; gặp gỡ bất kỳ ai trên mạng mà không có sự cho phép và giám sát của cha mẹ; truy cập vào các trang web lạ; trả lời người lạ trong thư mục spam, khi họ tỏ vẻ quen biết và cần sự giúp đỡ từ mình; giấu cha mẹ hoặc giáo viên nếu có chuyện không hay xảy ra trên mạng. Những điều trẻ nên làm là sử dụng Internet để học và làm bài tập trên trường, bởi đây là nguồn thông tin hữu ích; xem phim, video và nghe nhạc phù hợp với độ tuổi; kết nối với bạn bè trong trường.

Cần tạo không gian vui chơi thể thao cho trẻ em để hạn chế trẻ sử dụng internet

MC Phương Thảo: Trẻ em chính là tương lai của đất nước, vì vậy việc bảo vệ các em an toàn trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của các bậc phụ huynh mà còn cần đến sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Để mạng Internet trở thành công cụ an toàn, lành mạnh giúp trẻ em có thể khám phá những kiến thức mới mẻ, bổ ích và nhân văn. “Hay bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng” cũng là thông điệp chúng tôi muốn gửi tới cộng đồng trong chương trình Toạ đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên hôm nay.

Một lần nữa xin được cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình.

Cảm ơn quý độc giả đã quan tâm theo dõi. Kính chào, hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong các chương trình tọa đàm tiếp theo!


thainguyen.gov.vn