Truy cập nội dung luôn

Thông qua điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

Chiều 15.4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, với 100% ý kiến tán thành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Cho ý kiến về đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu. Ảnh: Hồ Long

 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, trong Kỳ họp thứ Bảy tới, Ủy ban Quốc phòng và An ninh có 7 nội dung được giao, Thường trực Ủy ban đã thống nhất có thể đảm trách được các nội dung được giao để trình Quốc hội đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, với 100% ý kiến tán thành. Theo đó, điều chỉnh tiến độ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. Bổ sung 3 dự án, dự thảo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy vào tháng 5.2024 theo quy trình một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với 2 dự thảo Nghị quyết. Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy và thông qua tại Kỳ họp thứ Tám dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Về dự kiến các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự kiến có 23 dự án luật cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, phần lớn các nội dung đã có sự đồng thuận, chỉ còn 7 dự án còn có ý kiến khác nhau: dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, dự án Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (sửa đổi), dự án Luật Điện lực (sửa đổi), dự án Luật Thi hành án dân sự, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND, dự án Pháp lệnh chi phí tố tụng cần tiếp tục xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị các cơ quan của Quốc hội theo dõi các nội dung này cho ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu. Ảnh: Hồ Long

 

Liên quan đến dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Chủ nhiệm Lê Quang Huy bày tỏ ủng hộ việc đưa dự luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy bày tỏ băn khoăn khi Tờ trình của Chính phủ chưa làm nổi bật được sự khác biệt giữa công nghệ thông tin và công nghệ số, chưa lập luận rõ ràng lý do vì sao không xây dựng Luật Công nghệ số... Do vậy, Chính phủ cần làm rõ hơn về nội dung này.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các cơ quan đã phối hợp chuẩn bị tốt hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.

Các đại biểu dự phiên họp. Nguồn: quochoi.vn

 

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh 4 nội dung liên quan đến Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, giao Thường trực Ủy ban Pháp luật hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành; đồng thời đề nghị các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ chuẩn bị hồ sơ, tài liệu các nội dung để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về mặt nội dung trước khi trình Quốc hội.

Đối với các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét quyết định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan của Quốc hội, Chính phủ để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị báo cáo và dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội. Trong đó lưu ý, báo cáo cần phải có nội dung về đánh giá tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và thời gian qua, có thể nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay để thấy rõ ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Chương trình; xác định yêu cầu nhiệm vụ của việc tiếp tục thực hiện Chương trình trong thời gian tới, trong năm 2025 và đến cuối nhiệm kỳ.


daibieunhandan.vn