Truy cập nội dung luôn

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn: Thẳng thắn, dân chủ và trách nhiệm

Tiếp tục chương trình làm việc sáng nay (10/12), ngay sau Phiên giải trình, Kỳ họp thứ Hai mươi ba, HĐND tỉnh khóa XIV đã tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn những nội dung đại biểu và cử tri quan tâm. Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên làm việc. Tham dự Phiên làm việc có đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đại biểu tại Phiên Chất vấn

Tại Phiên chất vấn, trên cơ sở đề xuất của các Ban, Tổ đại biểu và ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã lựa chọn 6 nhóm vấn đề chất vấn liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, giao thông vận tải.

Đại biểu Nguyễn Thị Quốc Hòa, Tổ đại biểu TP. Thái Nguyên đưa ra câu hỏi về thực trạng công tác theo dõi, xác minh, ngăn chặn, xử lý thông tin giả, tin sai sự thật, tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội

Mở đầu Phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Quốc Hòa, Tổ đại biểu TP. Thái Nguyên đưa ra câu hỏi về thực trạng công tác theo dõi, xác minh, ngăn chặn, xử lý thông tin giả, tin sai sự thật, tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội; công tác phối hợp với các cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh thông tin.

Trả lời nội dung chất vấn, đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Theo thống kê, tại Thái Nguyên có khoảng 1,4 triệu thuê bao di động, trong đó có khoảng 87% sử dụng điện thoại thông minh, tương đương trên 1,2 triệu thuê bao sử dụng internet và mạng xã hội. Cũng như tình hình chung của cả nước, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức, cá nhân dẫn đến phải xử lý vi phạm. Trước thực trạng trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định về quy chế phối hợp, theo dõi xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng; thành lập Tổ xử lý thông tin xấu độc để ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi vi phạm; chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng tới các tầng lớp Nhân dân; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, đặc biệt là lực lượng công an để rà soát, xác minh, xử lý kịp thời; phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị bóc gỡ những thông tin xấu độc, sai sự thật trên không gian mạng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sim rác, sim không chính chủ… Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã xử lý 11 vụ vi phạm trên không gian mạng với số tiền xử phạt trên 82 triệu đồng.

Đại biểu Phạm Quang Linh, Tổ đại biểu huyện Đồng Hỷ chất vấn về giải pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra trên không gian mạng

Đại biểu Phạm Quang Linh, Tổ đại biểu huyện Đồng Hỷ chất vấn về giải pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra trên không gian mạng. Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, để giảm thiểu tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng nhận diện, phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng; tổ chức các chiến dịch ra quân nhân ngày Chuyển đổi số quốc gia, ngày Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên; sử dụng ứng dụng C-ThaiNguyen tiếp nhận, trả lời phản ánh của người dân, thêm các chức năng cảnh bảo cho người dân; chỉ đạo các nhà mạng chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, loại bỏ thuê bao rác, không chính chủ…

Đại biểu Nguyễn Việt Hùng, tổ đại biểu TP. Phổ Yên chất vấn về giải pháp ngăn chặn các lượt truy vấn, dò quét trái phép, ngăn chặn mã độc, virus và cách khắc phục các lỗ hổng bảo mật

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Việt Hùng, tổ đại biểu TP. Phổ Yên về giải pháp ngăn chặn các lượt truy vấn, dò quét trái phép, ngăn chặn mã độc, virus và cách khắc phục các lỗ hổng bảo mật, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Năm 2024, thông qua hệ thống giám sát an toàn thông tin tập trung (SOC) của tỉnh, đã phát hiện trên 16 triệu lượt truy vấn, dò quét trái phép; ngăn chặn tấn công có chủ đích trên 101 nghìn lượt, ngăn chặn trên 63 nghìn thư rác, chặn và xử lý trên 1.300 thư điện tử chứa mã độc, virus; phát hiện, cảnh báo trên 1.400 lỗ hổng bảo mật. Trước thách thức ngày càng gia tăng về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ: Tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng, đặc biệt là tăng cường hoạt động của mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng; tiếp tục triển khai giải pháp bảo mật dữ liệu bảo đảm theo mô hình “4 lớp”; triển khai, trang bị các giải pháp bảo mật đầy đủ từ lớp ứng dụng đến lớp mạng và tới người sử dụng cuối…

Đối với nội dung chất vấn của đại biểu Đoàn Bách Thảo, tổ đại biểu huyện Đại Từ về việc tắt sóng 2G gây khó khăn cho 7 xóm, bản thuộc huyện Võ Nhai (chưa có sóng 3G/4G) và những giải pháp, định hướng tham mưu của ngành Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong 7 xóm này, vừa qua, Viettel đã xây dựng 2 trạm phát sóng ở xã Nghinh Tường, do vậy hiện chỉ còn 5 xóm chưa có sóng 3G/4G. Hiện nay, hạ tầng viễn thông đã phủ đến 100% xóm, bản của tỉnh, toàn tỉnh có 1.830 điểm thu phát sóng điện thoại di động (BTS). Tuy nhiên, do địa hình miền núi, vùng cao, một số xóm, bản người dân thưa thớt dẫn đến còn tình trạng lõm sóng như ở Võ Nhai. Để giải quyết tồn tại này, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông quan tâm đầu tư hạ tầng các vùng lõm sóng hoặc khu vực sóng điện thoại di động 3G/4G không ổn định; phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp viễn thông tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xây dựng các trạm BTS; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông kéo cáp quang đến 100% các hộ dân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề nghị Tập đoàn Viettel hỗ trợ người dân chuyển đổi từ máy 2G sang sử dụng máy 4G...

Đại biểu Lê Văn Tâm, Tổ đại biểu TP. Phổ Yên nêu câu hỏi chất vấn về việc thực hiện chức năng kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý hoặc được phân cấp, ủy quyền của Sở Giao thông vận tải

Liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, đại biểu Lê Văn Tâm, Tổ đại biểu TP. Phổ Yên nêu câu hỏi chất vấn về việc thực hiện chức năng kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý hoặc được phân cấp, ủy quyền của Sở Giao thông vận tải; đưa vào hoạt động Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định, Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu thông; việc phát hiện và xử lý các trường hợp vượt quá tải trọng.

Trả lời nội dung này, đồng chí Phạm Quang Anh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Hiện nay Sở đang được phân cấp quản lý tài sản hạ tầng của 530,2 km đường bộ, gồm 21 tuyến đường tỉnh dài 374,6 km và 04 tuyến đường quốc lộ dài 168 km. Thời gian qua, Thanh tra Sở Giao thông vận tải thông qua liên ngành đã phát hiện 2.900 lượt phương tiện vi phạm quá tải với số xử phạt 8,8 tỷ đồng; từ năm 2019 đến nay, Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã kiểm soát, phát hiện gần 5.700 lượt phương tiện; phát hiện hàng trăm lượt vi phạm quá tải. Để thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện, trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp: Hiện đại hóa hệ thống cân kiểm tra tải trọng; tổ chức lại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh; phối hợp kiểm soát tải trọng từ mỏ; tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm vi phạm về tải trọng.

Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Phiên họp

Ngay sau Phiên chất vấn, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu, nhấn mạnh 12 điểm quan trọng mà UBND tỉnh tập trung triển khai năm 2025 và các năm tiếp theo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước. Đó là đầu tư các hạ tầng giao thông, điện, hạ tầng số, hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp; khởi công dự án phố đi bộ; đưa vào hoạt động 2 sân golf trên địa bàn tỉnh; bình dân học vụ số, trọng tâm là bình dân học AI; đưa bộ gene Thái Nguyên vào các cơ sở giáo dục đào tạo ở mọi cấp học; thiết lập gian hàng Thái Nguyên trên các sàn thương mại điện tử lớn, tập trung vào Tiktok và Shopee xây dựng hệ sinh thái trà Việt; thực hiện nền tài chính carbon; nền kinh tế không gian tầm thấp...

Để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cần phải huy động tổng lực và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương, địa phương và các nguồn lực xã hội khác, tập trung vào các dự án có tính chất liên kết vùng, có tính hạ tầng, lan tỏa. Đồng chí cũng lưu ý, năm 2025 tới đây là năm các sở, ngành sẽ tiến hành sáp nhập, tinh giản và đặc biệt là chống lãng phí. Vì vậy yêu cầu thực thi công vụ sẽ rất cao, đòi hỏi nỗ lực lớn của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. Nếu bộ máy có thay đổi nhưng nhận thức không thay đổi, con người không thay đổi nhận thức thì cũng không ý nghĩa. Chuyển đổi số sẽ là phương thức sản xuất mới, mối quan hệ sản xuất mới để đáp ứng các yêu cầu mới. Kết quả chỉ có thể thành hiện thực khi cả hệ thống chính trị và Nhân dân đồng lòng, nỗ lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh và đặc biệt là nỗ lực làm việc hơn nhiều lần so với năm 2024…

Kim Oanh - Đình Sơn
thainguyen.gov.vn