Truy cập nội dung luôn

Phải đề xuất được những giải pháp đúng trọng tâm, có giá trị cho công tác lập pháp

Chủ trì Phiên họp thứ 2 của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu qua giám sát, phải đề xuất về hoàn thiện pháp luật đúng trọng tâm, có giá trị cho công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn tới.

Chiều 24.4, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023” đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023” đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Đoàn giám sát

 

Tham dự Phiên họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Phó Trưởng đoàn giám sát, các thành viên Đoàn giám sát.

Thẳng thắn, trách nhiệm, đến cùng

Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã nghe báo cáo tình hình triển khai công việc của Đoàn giám sát và kết quả tổng hợp sơ bộ báo cáo của các đối tượng giám sát; thảo luận các nội dung theo tinh thần gợi mở của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. 

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc Quốc hội quyết định lựa chọn chuyên đề này để thực hiện giám sát tối cao có ý nghĩa cả về lý luận, pháp lý, thực tiễn, đòi hỏi sự nỗ lực, tích cực, chủ động không ngừng của Đoàn giám sát và từng thành viên. "Kết quả của chuyên đề giám sát này là phải nhận diện chính xác được thực trạng, nhất là vấn đề mới, nóng đang đặt ra, đề xuất các giải pháp toàn diện, đủ mạnh, đáp ứng sự kỳ vọng của toàn xã hội, cử tri và nhân dân", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

 

Qua các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Đoàn giám sát tiếp tục đôn đốc việc gửi báo cáo của Chính phủ và các địa phương; các chủ thể, đối tượng giám sát thực hiện nghiêm quy định tại Điều 7 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Cùng với đó, Đoàn giám sát triển khai làm việc trực tiếp với các địa phương; làm việc với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; hoàn thiện dự thảo Báo cáo giám sát và xây dựng dự thảo Nghị quyết giám sát để báo cáo tại Phiên họp thứ ba của Đoàn giám sát. 

Lưu ý, quỹ thời gian tổ chức 3 Đoàn giám sát thực tế tại các địa phương không còn nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các Phó Trưởng đoàn ưu tiên, cân đối thời gian hợp lý để sớm triển khai; giao các Phó Trưởng đoàn chủ động quyết định lịch trình, địa điểm làm việc cụ thể ở từng địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc, đặc biệt là các thành viên từ các cơ quan, tổ chức ngoài Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ. Trong trường hợp cần thiết thành lập Tổ công tác để khảo sát thực tế thì phải bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của địa phương. Tổ công tác cần dành nhiều thời gian khảo sát thực tế các dự án bất động sản đang gặp vướng mắc, làm việc với các cơ quan chuyên môn, ghi nhận phản ánh của các tổ chức, cá nhân để báo cáo với Đoàn giám sát... "Tinh thần là thẳng thắn, trách nhiệm, đến cùng", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói. 

Tập trung làm rõ, làm sâu sắc, toàn diện thực trạng

Về định hướng xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, qua thảo luận có nhiều gợi ý rất xác đáng, cần tiếp tục có sự đầu tư, nhất là các nhóm vấn đề đang đặt ra về quản lý thị trường bất động sản và về phát triển nhà ở xã hội, từ cơ chế, chính sách, thực trạng tổ chức triển khai thực hiện, trách nhiệm, cơ chế phối hợp, kết quả, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân, kiến nghị, đề xuất... mang tính cốt lõi, gốc của vấn đề.

"Bản tổng hợp kết quả phản ánh từ các báo cáo giám sát của các chủ thể hiện nay mới chỉ là bước đầu. Nếu phụ thuộc vào kết quả tổng hợp này chắc chắn chưa phản ánh được những gì thuộc về bản chất đang đặt ra để giám sát, nhất là thực trạng ở các thành phố lớn. Do đó, nhiệm vụ của chúng ta lúc này là cần tiếp tục tập trung làm rõ, làm sâu sắc, toàn diện trong quá trình triển khai 3 Đoàn công tác tại địa phương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, các tổ chức tín dụng có liên quan và các hội nghị, hội thảo", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý. 

Cùng với đó, Đoàn giám sát phải giải đáp cho được tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Phạm vi giám sát từ năm 2015 đến hết năm 2023, tức là trong thời gian áp dụng Luật Đất đai năm 2013, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014. Vừa qua, Quốc hội đã xem xét sửa đổi, bổ sung và thông qua 3 luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.

Quang cảnh phiên họp

 

Do vậy, "trong quá trình làm việc, cần đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đối tượng giám sát đối chiếu những vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật giai đoạn 2015 - 2023 với các luật mới được sửa đổi, bổ sung, tránh kiến nghị những nội dung đã được làm rõ trong các luật mới ban hành, bảo đảm đề xuất về hoàn thiện pháp luật đúng trọng tâm, có giá trị cho công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn tới". 

Nhấn mạnh yêu cầu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Đoàn giám sát cần làm rõ những nội dung mới đặt ra, thực tiễn “nóng”, lỗ hổng, vướng mắc, rào cản từ cơ chế, trình tự, thủ tục, những điểm nghẽn, nút thắt, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, mối quan hệ phối hợp của các bộ, ngành, của địa phương trong tổ chức thực hiện, về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho rằng, hiện còn một số nội dung vẫn đang bỏ ngỏ, hoặc chưa chạm đến gốc rễ, cốt lõi của vấn đề… Các bộ, ngành, địa phương cần thống kê được mặt bằng giá giao dịch bất động sản, hiện mới chỉ liệt kê một số dự án cụ thể thì làm sao ra được bài toán về sự mất cân đối cung - cầu của thị trường?

Các đại biểu dự phiên họp

 

Đối với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, phải làm rõ hơn về nội dung nguồn vốn cho thị trường bất động sản, bao gồm tình hình cấp tín dụng liên quan đến thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp bất động sản, phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản; nguồn vốn huy động từ các nguồn khác. Phải có số liệu về tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng bất động sản, số liệu về các đợt phát hành trái phiếu; đánh giá tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro; thông tin về vấn đề bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản; đánh giá về lãi suất cho vay…; dư nợ tín dụng lên đến 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng từ 18,1 - 21,6% trong tổng dư nợ tín dụng chung, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu mất khả năng thanh toán… cũng không có số liệu thống kê.

Đối với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải cập nhật, thông tin cho Đoàn giám sát đầy đủ số liệu về giá giao dịch bất động sản trong thời điểm yêu cầu báo cáo; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đã đề ra;  vướng mắc, bất cập cơ bản trong việc thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội là điều kiện để được thụ hưởng và trình tự, thủ tục thực hiện; phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phản ánh khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ của Chính phủ, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; những vướng mắc, tranh chấp và khiếu kiện do xung đột quyền lợi giữa cư dân cùng chủ đầu tư; chậm tổ chức Hội nghị nhà chung cư....

Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan, các địa phương cần bổ sung, làm rõ vướng mắc lớn nhất và các thông tin về việc sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản, thực tế này đã tiềm ẩn rủi ro cho cả khách hàng, doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản và các cấp chính quyền trong hoạt động công vụ. Nhiều địa phương cần làm rõ thực trạng mới hoàn thành quy hoạch tỉnh nên chậm kế hoạch triển khai quy hoạch, các khu vực đô thị chưa hoàn thành quy hoạch phân khu dẫn đến chậm triển khai các dự án bất động sản

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Đoàn giám sát cần tham khảo, tận dụng tối đa các kết quả giám sát trước đó có liên quan; quá trình tổng kết việc thực hiện các luật, cơ chế, chính sách khác có liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; tham khảo kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chuyên đề, chuyên ngành của các cơ quan chuyên môn có liên quan…

Là chuyên đề giám sát được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Báo Đại biểu Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Vụ Thông tin của Văn phòng Quốc hội cần lập kế hoạch truyền thông chi tiết với các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề riêng nhằm tuyên truyền hoạt động của Đoàn giám sát và kết quả thực hiện giám sát, cử phóng viên tham gia tất cả các Đoàn giám sát, đồng thời xây dựng phim tổng hợp về kết quả giám sát để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.


daibieunhandan.vn