Truy cập nội dung luôn

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Sáng 18/8, Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Dự thảo kế hoạch xem xét, đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 25/10/2017; đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát huy các kết quả, khắc phục những bất cập, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, đây là chuyên đề rất quan trọng, tuy nhiên nhiều năm chưa tổ chức giám sát. Việc đánh giá vai trò, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nội dung trọng tâm của chuyên đề giám sát. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, được coi là nút thắt cần tháo gỡ cả về quan điểm và chính sách pháp luật. Trên thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng cơ chế tự chủ nhưng mới chỉ tự chủ về tài chính, chưa tự chủ về biên chế, phương án hoạt động… gây khó khăn, tồn tại, nhiều bất cập.

Trên thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng cơ chế tự chủ nhưng mới chỉ tự chủ về tài chính, chưa tự chủ về biên chế, phương án hoạt động… gây khó khăn, tồn tại, nhiều bất cập.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, dự thảo có ý nghĩa chuyên môn và chính trị sâu sắc. Đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức chuyên đề giám sát với quy mô, phạm vi rộng, việc triển khai, đánh giá sẽ liên quan nhiều luật, lĩnh vực, hầu hết các cơ quan đều có đơn vị sự nghiệp công lập. Hoạt động giám sát đòi hỏi phải có kiến nghị, tạo đột phá mới; đi sâu vào những vấn đề lớn, gây bức xúc trong thực tiễn, được dư luận quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Việc sắp xếp gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị cũng như vấn đề tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập không chỉ ở lĩnh vực tài chính mà ở nhiều nội dung. Cụ thể hơn, qua giám sát phải chỉ ra được mâu thuẫn chồng chéo, những cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, cũng như nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; từ đó có những phương án tháo gỡ vướng mắc, khó khăn...

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị: Về tổ chức giám sát, cần bố trí lực lượng làm việc phù hợp, không hình thức, bảo đảm hiệu quả và ảnh hưởng ít nhất đến hoạt động của các bộ, ngành, địa phương; huy động hội đồng nhân dân các địa phương phối hợp Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát tại địa phương. Nội dung và phạm vi giám sát rộng, nhiều nội dung chuyên sâu, vì vậy, cần tiếp tục xem xét rà soát bảo đảm tiếp cận theo các nhóm vấn đề lớn, nghiên cứu kỹ để sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội trong thời gian thực hiện các nghị quyết nêu trên.

Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, còn có hai loại ý kiến khác nhau về tên gọi của dự thảo luật. Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với phương án đổi tên luật thành Luật Căn cước để phù hợp việc bổ sung đối tượng áp dụng của luật là người gốc Việt Nam.

Theo đó, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận. Có ý kiến khác cho rằng, tên gọi căn cước công dân không phù hợp những người đang chấp hành hình phạt tù, bởi họ đã bị tước một số quyền công dân trong thời gian chấp hành án và bị hạn chế một số quyền trong giao dịch hành chính, dân sự…

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định việc quản lý và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam như Chính phủ trình là cần thiết, tuy nhiên đối tượng này chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng hơn 31 nghìn người), không phải là đối tượng áp dụng chủ yếu trong luật. Việc sử dụng tên gọi căn cước công dân vẫn phù hợp đối với người đang chấp hành hình phạt tù vì họ vẫn là công dân và chỉ bị hạn chế một số quyền công dân, nên việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là chưa phù hợp.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng Ban soạn thảo nhất trí với loại ý kiến cho rằng, việc đổi tên luật thành Luật Căn cước sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật. Tham gia phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Hiện vẫn còn hai ý kiến khác nhau về tên của dự án luật; đề nghị các cơ quan tiếp tục cần làm rõ những ưu, nhược điểm của từng phương án (thay đổi tên luật và không thay đổi tên luật) để bảo đảm khách quan; dù chọn phương án nào cũng nên có một loại giấy tờ để cấp cho người gốc Việt Nam.

Hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

 


nhandan.vn