Truy cập nội dung luôn

Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XIV: Các đại biểu thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn

Những nội dung về công tác quản lý nhà nước, khai thác khoáng sản, quản lý địa giới hành chính và chính sách đối với đội ngũ cán bộ cơ sở... đã được các đại biểu chất vấn và lãnh đạo sở, ngành của tỉnh trả lời chất vấn tại Phiên làm việc buổi sáng ngày 10/12 của Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và có bài phát biểu quan trọng.

 

Đại biểu Lê Văn Tâm (Tổ đại biểu thị xã Phổ Yên) chất vấn về việc cấp phép hoạt động khai thác mỏ khoáng sản

Mở đầu Phiên chất vấn, trả lời chất vấn, đại biểu Lê Văn Tâm (Tổ đại biểu thị xã Phổ Yên) chất vấn về việc cấp phép hoạt động khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có cấp phép khai thác mỏ đá, giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường về khói bụi và tiếng ồn, tình trạng các phương tiện quá tải lưu thông làm hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng các tuyến đường; ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng các loại cây trồng.

Về nội dung này, đồng chí Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng đã trả lời về thủ tục, quy trình cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có cấp phép khai thác mỏ đá. Về giải pháp để khắc phục tình trạng đại biểu nêu, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra, rà soát hoạt động chế biến, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã kiểm tra 14 mỏ, phát hiện các hành vi vi phạm và báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý theo quy định của pháp luật. Thực hiện tốt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Lê Thị Thu An (Tổ đại biểu TP. Thái Nguyên) chất vấn về thực hiện nổ mìn ở một số mỏ khai thác khoáng sản tại một số xã của huyện Đồng Hỷ ảnh hưởng đến đời sống người dân

Đại biểu Lê Thị Thu An (Tổ đại biểu TP.Thái Nguyên) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Công Thương về việc thực hiện nổ mìn ở một số mỏ khai thác khoáng sản tại một số xã của huyện Đồng Hỷ gây tiếng ồn, bụi, rung chấn, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Với trách nhiệm được phân công, Sở giám sát việc sử dụng vật liệu nổ của các doanh nghiệp như thế nào. Việc đóng góp ngân sách của một số doanh nghiệp vào ngân sách cũng rất thấp, Sở có đề nghị cho dừng giấy phép khai thác mỏ đối với một số doanh nghiệp thường xuyên có ý kiến phản ánh của cử tri và thu nộp ngân sách thấp hay không?

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Thu An, đồng chí Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 45 doanh nghiệp được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Đối chiếu với điều kiện và quy trình thủ tục cấp phép thì các doanh nghiệp đều đang tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy các đơn vị đáp ứng đủ điều kiện, cơ bản chấp hành đúng các quy định, một số đơn vị chủ động xây dựng các công trình để thực hiện quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại như: Một số mỏ có diện tích không phù hợp để làm công trình, vị trí kho mìn quá gần điểm mỏ, một số mỏ cấp liền dẫn đến bán kính không đủ khoảng cách, hầu hết các mỏ khai thác không đúng thiết kế... Sở đã đưa ra 2 nhóm giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý vấn đề này gồm: Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định cấp phép, những mỏ nào vi phạm, được cử tri phản ánh nhiều lần sẽ có sự giám sát chặt chẽ hơn, nếu có khắc phục nghiêm túc mới cấp phép lại. Sở cũng yêu cầu đơn vị thực hiện khai thác mỏ có cam kết chặt chẽ, tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị để thanh, kiểm tra một cách kịp thời.

Đại biểu Đoàn Bách Thảo (Tổ đại biểu huyện Đại Từ) đặt câu hỏi về tình hình triển khai thực hiện việc lắp đặt, quản lý và vận hành hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục đến thời điểm hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời về tiến độ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động

Trả lời câu hỏi này, đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin: Tiến độ lắp đặt hệ thống quan trắc được giãn từ 31/12/2020 đến 31/12/2021 theo Nghị quyết của Chính phủ. Năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lắp đặt và đưa vào vận hành Trung tâm tiếp nhận dữ liệu và quan trắc tự động, ban hành trên 30 văn bản đôn đốc các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, đã có 13/26 cơ sở hoàn thành lắp đặt, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường; 6 đơn vị đã lắp đặt nhưng chưa hoàn thiện; 7/26 đơn vị chưa lắp đặt. Sở sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt đúng tiến độ. Trường hợp chưa chưa hoàn thành hoặc chưa lắp đặt, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phương án xử lý vi phạm theo mức độ vi phạm.

Đại biểu Trần Văn Khương (Tổ đại biểu huyện Võ Nhai) chất vấn về việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước

Đại biểu Trần Văn Khương (Tổ đại biểu huyện Võ Nhai) chất vấn đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh về việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ở một số cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập còn gặp nhiều khó khăn, kéo dài và chưa triệt để; việc xây dựng, hoàn thiện, thẩm định, phê duyệt vị trí việc làm ở một số cơ quan đơn vị sự nghiệp thực hiện còn chậm.

Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Khương, đồng chí Nguyễn Đức Lực, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, UBND tỉnh đã thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của 19/19 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, qua đó đã giảm 26 phòng thuộc sở và 27 phòng thuộc chi cục và tương đương; giảm được 102 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển 23 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, qua đó dự phòng được 1.148 biên chế sự nghiệp để đưa vào thực hiện biên chế năm 2022. Tỉnh Thái Nguyên được Trung ương, Bộ Nội vụ đánh giá cao về sắp xếp tổ chức bộ máy. Đối với ý kiến đại biểu nêu, việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập, kiện toàn tổ chức bộ máy ở một số đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn do một số nguyên nhân liên quan đến cơ chế chính sách, Sở đã báo cáo và đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đồng ý báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương sáp nhập Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải và Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên. Tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng đề án sáp nhập, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12/2021.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Văn Khương về thực hiện trách nhiệm là cơ quan tham mưu thực hiện Nghị quyết số 05-QC/TU về Quy chế luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý, đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Sở đã chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo trình UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết  số 30/2021/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của HĐND tỉnh quy định chính sách thu hút nguồn lực và chính sách luân chuyển cán bộ, công chức của tỉnh Thái Nguyên.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Phiên chất vấn, trả lời chất vấn

Tại Phiên chất vấn, trả lời chất vấn, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng, thông tin đến đại biểu, cử tri và Nhân dân trong tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã huy động các lực lượng xã hội tham gia công tác hỗ trợ, phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, qua đó tiếp nhận ủng hộ của các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh được trên 86 tỷ đồng. Tại Kỳ họp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đồng hành cùng tỉnh Thái Nguyên trong phòng, chống đại dịch COVID-19 để Thái Nguyên hôm nay vẫn là vùng xanh trên bản đồ COVID của cả nước. Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện Kết luận số 1046/KL-TTCP ngày 01/7/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 126/KH-UBND ngày 19/7/2021 để triển khai thực hiện các nội dung của Kết luận, đồng thời chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc kiểm điểm và xem xét xử lý kỷ luật đối với các vi phạm theo quy định. Qua đó đã kiểm điểm 12 tập thể và 203 cá nhân trong đó kiến nghị xử lý kỷ luật 29 cá nhân, đây là việc làm chưa có tiền lệ ở tỉnh Thái Nguyên.

Qua việc đánh giá những tồn tại, hạn chế và những khó khăn vừa qua, UBND tỉnh rút ra bài học kinh nghiệm là: “Công việc càng khó, càng phức tạp thì càng phải công khai, minh bạch và tập trung nguồn lực, quyết tâm thực hiện bằng được”. Đồng thời, quán triệt quan điểm “Chủ trương đúng - Đồng thuận cao - Hành động quyết liệt” thì mọi việc sẽ đạt được kết quả khả quan nhất.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể và đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đã đề ra.

Xem toàn văn bài phát biểu của đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại đây.

Chiều cùng ngày, các đại biểu làm việc tại Hội trường, tiến hành thảo luận, thông qua các dự thảo Nghị quyết và bế mạc Kỳ họp. 

Nhóm phóng viên TN-CM
thainguyen.gov.vn