Truy cập nội dung luôn

Kỳ họp thứ 9: Quốc hội Dự kiến sẽ xem xét 31 nội dung thuộc công tác lập pháp

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội dự kiến xem xét 31 nội dung thuộc công tác lập pháp, 7 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; 7 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp sáng 11/12. (Ảnh: DUY LINH)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp sáng 11/12. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 11/12, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 40, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết Kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến về bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tiếp tục tổ chức kỳ theo theo 2 đợt

Trình bày Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 8, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, tiếp nối thành công và kết quả tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, sau 29,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, Kỳ họp thứ 8 đã thành công tốt đẹp.

Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết (trong đó có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật); cho ý kiến lần đầu về 10 dự án luật; xem xét, quyết định kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước và xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác thuộc nhiều lĩnh vực.

Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống của nhân dân; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Kỳ họp thứ 9: Quốc hội Dự kiến sẽ xem xét 31 nội dung thuộc công tác lập pháp ảnh 1

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Báo cáo về chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 9 theo 2 đợt họp (với khoảng cách 9 ngày giữa 2 đợt) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Như vậy, trong trường hợp các dự án luật, dự thảo nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội dự kiến xem xét 31 nội dung thuộc công tác lập pháp, 7 nhóm nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; 7 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.

Dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc 26 ngày, trong đó đợt 1 chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp và thảo luận ở tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn; đợt 2 chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở tổ về một số dự án luật và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.

Khối lượng công việc lớn, cần tính toán kỹ chương trình kỳ họp

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Kỳ họp thứ 8 là một kỳ họp đặc biệt và có nhiều đổi mới từ khâu chuẩn bị, Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ đã họp trước một tháng và đến gần kỳ họp lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ thường xuyên gọi điện trao đổi. Các cơ quan cũng phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đều làm việc không quản ngày đêm, ngày nghỉ, với tinh thần trách nhiệm, sự khẩn trương cao.

“Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp quán triệt, thể chế hóa các nghị quyết của Trung ương, các kết luận của Bộ Chính trị trong các luật, nghị quyết và các văn bản được Quốc hội thảo luận, thông qua rất chi tiết”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần quan tâm lưu ý khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội vào cuối tháng 2/2025, phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra các dự án luật, nghị quyết tại kỳ họp. “Cần liệt kê có bao nhiêu việc và phân công thực hiện ngay từ bây giờ”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Kỳ họp thứ 9: Quốc hội Dự kiến sẽ xem xét 31 nội dung thuộc công tác lập pháp ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu kết luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 8 có khối lượng công việc lớn, với nhiều nội dung phức tạp, khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự phối hợp giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội; các cuộc họp tiến hành từ sớm, từ xa.

Trong thời gian kỳ họp cũng có sự phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đối với Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan, chúng ta đã xử lý kịp thời những phát sinh, vướng mắc, đi đến mục tiêu cuối cùng là để tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn để bảo đảm cho sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính quyền các cấp.

Chương trình kỳ họp được bố trí chặt chẽ, khoa học, dù có nhiều việc gấp nhưng được sắp xếp khoa học, điều chỉnh chương trình bảo đảm linh hoạt. Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch phù hợp với diễn biến của phiên họp. Công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, đúng quy trình, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.

Về Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kỳ họp này có khối lượng công việc rất lớn, dự kiến thông qua 10 luật, 1 Nghị quyết, thảo luận mới 12 luật; do đó cần tính toán kỹ chương trình kỳ họp. Về dự kiến thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thống nhất bố trí khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 30/6/2025, có thể làm việc thêm một số ngày thứ 7.

Về kỳ họp bất thường vào tháng 2/2025, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giao Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì phối hợp sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội; giao Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì phối hợp sửa đổi Nội quy kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, các cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến ngay từ bây giờ công tác phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phân công rất cụ thể để nghiên cứu sửa đổi các dự án Luật. Đồng thời, xem xét sửa đổi trước một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại kỳ họp bất thường để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật về tổ chức bộ máy.


nhandan.vn