Bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế
26-09-2024 08:26
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. (Ảnh DUY LINH)
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khám, chữa bệnh
Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, thừa ủy quyền của Chính phủ, trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Dự án luật được xây dựng nhằm bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp; bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế phù hợp nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn, cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, dự án luật sẽ tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Theo đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ...; đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan bảo hiểm y tế.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với dự thảo luật; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá tác động kỹ lưỡng để làm căn cứ đưa các nội dung vào dự thảo luật; tiếp tục rà soát để hạn chế quy định trong dự thảo luật những vấn đề còn nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau làm ảnh hưởng tiến độ thông qua dự án luật.
Góp ý vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, khi sửa đổi luật nêu trên cần căn cứ vào nguyên nhân của vấn đề để giải quyết căn cơ, không chỉ xử lý khi dư luận có “ở chỗ này chỗ kia”. Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế để hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân, tuy nhiên Ban soạn thảo cần rà soát kỹ để bảo đảm công bằng, không bỏ sót đối tượng, không giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế so với hiện tại; đặc biệt lưu ý đối tượng người có công, người dân tộc thiểu số, người sinh sống ở khu vực khó khăn.
Đồng chí đề nghị, phải bảo đảm công bằng và tính toán cụ thể về quyền lợi tài chính, tính khả thi; có lộ trình xây dựng các chính sách bảo hiểm y tế để tiến tới khi mua bảo hiểm y tế, bệnh nhân có thể khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế cần bám sát các nghị quyết của Đảng, bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.
Cần cân nhắc để phạm vi sửa đổi luật tập trung vào các nội dung thật sự cần thiết sửa đổi, tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn, nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi khi Luật được ban hành.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, báo cáo cần làm rõ các thành tựu, kết quả của ngành y tế, bảo hiểm y tế đã đạt được trong những năm qua; đồng thời thể hiện rõ, trong ngành đã nhận thức rõ được các bất cập, hạn chế trong vận hành, từ đó có kế hoạch cụ thể để khắc phục trong thời gian tới.
Luật Quốc hội ban hành cần đơn giản, khái quát, có tầm nhìn; với những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, có thể phân cấp cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan bảo hiểm y tế theo đúng thẩm quyền để bảo đảm đẩy nhanh tốc độ xây dựng, ban hành, thi hành pháp luật.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Y tế trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án luật nêu trên. Do dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp, cho nên chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của luật hiện hành để giải quyết một số vấn đề vướng mắc, bất cập có tính cấp thiết; đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng
Trong phiên làm việc sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Thừa ủy quyền của Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc xây dựng dự án luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”.
Bên cạnh đó, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy, học, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, cho biết: Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo; cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ và chính sách thu hút nhà giáo; tuy nhiên, cần đánh giá tác động, xác định đối tượng nhà giáo được thụ hưởng, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách.
Có ý kiến đề nghị, cần rà soát các chính sách hỗ trợ, thu hút để tránh trùng lặp hoặc bỏ sót đối tượng; bổ sung chính sách thu hút người có học lực xuất sắc vào học ngành sư phạm, giữ sinh viên xuất sắc ở lại trường làm giảng viên đại học.
Qua thảo luận, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã có sự phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu nghiêm túc, xây dựng hồ sơ dự án luật khá đầy đủ, bảo đảm đúng quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Chính phủ tập trung cao, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý để hoàn thiện dự thảo luật trên tinh thần thận trọng, nhất quán, đột phá, thiết thực, hiệu quả và phải giải quyết được những vấn đề đang vướng mắc.
Đề cập vấn đề nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc ban hành Luật Nhà giáo cần làm rõ đặc thù chính sách dành cho nhà giáo; đề nghị cơ quan soạn thảo lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của cơ quan quản lý nhà nước, chỉ quy định trong dự thảo Luật những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm.
Việc xây dựng dự án Luật phải bảo đảm thận trọng, nhất quán, bảo đảm chất lượng, đột phá về chính sách, nhưng không phá vỡ cấu trúc của hệ thống pháp luật hiện hành...
Nâng cao ý thức chấp hành của người dân tham gia giao thông
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự.
Tại phiên họp, đa số các ý kiến nhấn mạnh, qua giám sát cho thấy, việc lựa chọn chuyên đề là rất đúng, trúng, sát tình hình thực tế, đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn, nhân dân mong đợi.
Trong quá trình giám sát, đoàn giám sát đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan làm việc khẩn trương. Báo cáo tổng hợp có nhiều nội dung đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực giao thông với các số liệu thông tin.
Đánh giá báo cáo kết quả giám sát được chuẩn bị rất đầy đủ, song, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, báo cáo cần cô đọng, đánh giá kỹ hơn trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; ý thức của người dân trong việc chấp hành trật tự an toàn giao thông. Phim phóng sự về chuyên đề giám sát nội dung rất phong phú nhưng cũng cần gọn và có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Nhấn mạnh quan trọng cuối cùng là sau giám sát ban hành một nghị quyết về chuyên đề giám sát, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong báo cáo đánh giá như thế nào thì nghị quyết phải thể hiện được nội dung đó một cách đồng bộ. Cùng đó, các kiến nghị, giải pháp cũng rất quan trọng, do đó phải cụ thể, rõ ràng, không viết chung chung.
Nhấn mạnh công tác thông tin tuyên truyền trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan báo chí của Quốc hội nói riêng, các cơ quan báo chí nói chung thông qua chuyên đề giám sát tiếp tục tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó nhấn mạnh an toàn giao thông đường bộ, nhất là tuyên truyền về Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới ban hành.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát báo cáo thống nhất cả bố cục và nội dung trên từng lĩnh vực; rà soát số liệu đầy đủ, chính xác, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan; các giải pháp kiến nghị, đề xuất cụ thể, bám sát thực tiễn gắn trách nhiệm của từng chủ thể theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính khả thi; đồng thời, báo cáo cần khẳng định những ưu điểm, thành tựu nổi bật có tác động đến phát triển kinh tế-xã hội; bổ sung đánh giá ưu điểm nổi bật về quy hoạch, về chủ trương đầu tư hạ tầng…
nhandan.vn