Truy cập nội dung luôn

"Thước đo" hiệu quả hoạt động chất vấn

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các bộ trưởng, trưởng ngành. Phiên chất vấn có phạm vi rất rộng, khó và phức tạp với việc đánh giá toàn diện, tổng thể việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết năm 2023 liên quan đến 9 lĩnh vực.

Công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn đã được tiến hành rất sớm. Từ cuối tháng 2 năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 743, yêu cầu các cơ quan gửi báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất cũng đã được nêu rõ là: ngày 31.5.2024.

Dù vậy, có đến 5/12 báo cáo của Chính phủ và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gửi chậm so với yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Không chỉ chậm, một số nội dung trong các báo cáo chủ yếu mới chỉ liệt kê các công việc đã triển khai trong thời gian qua, chưa có sự đánh giá, phân tích, so sánh về hiệu quả, sự chuyển biến trong triển khai các yêu cầu, giải pháp. Một số báo cáo cũng chưa nêu rõ những nhiệm vụ đã hoàn thành, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, những nhiệm vụ đang trong quá trình thực hiện theo đúng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số tồn tại, hạn chế, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong các báo cáo cũng còn chung chung, chưa gắn với nội dung cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện. 

Báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết là nguồn thông tin hết sức quan trọng để các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đánh giá toàn diện, khách quan, chính xác việc bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện các cam kết, lời hứa và các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua hoạt động chất vấn như thế nào, có đáp ứng yêu cầu không, còn việc gì chưa làm được, trên cơ sở đó để truy trách nhiệm và xác định đúng, trúng những việc, những giải pháp phải tiếp tục tập trung thực hiện để tạo chuyển biến trong thực tiễn. Vì vậy, bảo đảm tiến độ và chất lượng các báo cáo này theo đúng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cần được xác định là một trong những tiêu chí "chấm điểm" các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. 

Với thời gian vật chất hữu hạn của phiên chất vấn chỉ 1,5 ngày, trong khi phạm vi chất vấn rất rộng với 9 lĩnh vực, đòi hỏi các đại biểu Quốc hội phải tận dụng tối đa thời gian và lựa chọn đích đáng các nội dung chất vấn trực tiếp. Trong đó, có lẽ cần dành ưu tiên cao nhất cho việc chất vấn về tiến độ, trách nhiệm, giải pháp đối với các nhiệm vụ chưa được thực hiện hoặc thực hiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Đơn cử như với lĩnh vực công thương, báo cáo gửi đến các cơ quan của Quốc hội cho thấy, còn khá nhiều nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 nhưng chưa được đề cập, đánh giá cụ thể, như: kết hợp việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với công cụ thuế và các công cụ khác để bình ổn thị trường; trường hợp giá xăng, dầu tăng cao, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn; rà soát điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức... phù hợp với thực tế, bảo đảm công khai, minh bạch; trong năm 2022, ban hành đề án chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính... 

Ngay cả với những nhiệm vụ đã được đề cập, đánh giá trong báo cáo thì cũng còn khá nhiều nhiệm vụ phải được làm rõ hơn, như nhiệm vụ "thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu". Theo Báo cáo số 318/BC-CP của Chính phủ, hiện vẫn chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu riêng của Nhà nước, toàn bộ xăng dầu dự trữ quốc gia giao Bộ Công Thương quản lý, bộ đang ký hợp đồng thuê kho của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bảo quản. Trong khi đó, định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ xăng dầu trả cho doanh nghiệp bảo quản hiện chưa phù hợp thực tế nên chưa tổ chức bảo quản riêng, tách bạch với hàng kinh doanh. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ phải báo cáo về giải pháp dài hạn tách bạch giữa dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như yêu cầu tại Nghị quyết số 499, tiến độ, tình hình thực hiện nhiệm vụ này, phương án đầu tư xây dựng kho bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia để bảo đảm tuân thủ Luật Dự trữ quốc gia. 

Tương tự như vậy trong những lĩnh vực khác, các cơ quan của Quốc hội đều đã có báo cáo chi tiết, chỉ rõ những nhiệm vụ chưa được báo cáo hoặc đã báo cáo nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những nhiệm vụ chưa được thực hiện. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để các đại biểu Quốc hội có thể nghiên cứu, lựa chọn nội dung cần tập trung chất vấn. 

Với ý nghĩa hết sức quan trọng, tái giám sát tổng thể việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, phiên chất vấn lần này chính là "thước đo" hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 


daibieunhandan.vn