Truy cập nội dung luôn

Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV thảo luận tại tổ: Trách nhiệm, thẳng thắn và tâm huyết

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XIV, sáng ngày 11/8, các đại biểu đã thảo luận tại 4 tổ về nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Với trách nhiệm cao trước cử tri, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sát thực và quan trọng vào các nội dung trình tại Kỳ họp.

Có 11 lượt phát biểu với 32 ý kiến tại Tổ thảo luận số 1

Trong các nội dung trình tại Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XIV, Báo cáo, Tờ trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021 của tỉnh được nhiều đại biểu tập trung thảo luận. Đa số các đại biểu nhất trí với đánh giá trong Báo cáo, Tờ trình của UBND tỉnh: 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống hiệu quả với đại dịch Covid-19, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân.

Nhiều đại biểu cho rằng: Trong 6 tháng đầu năm chỉ tiêu giải ngân vốn nước ngoài (ODA) đạt thấp (tỷ lệ 22,2%), đề nghị trong báo cáo của UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân, giải pháp mang tính đột phá của tỉnh để có thể đạt được chỉ tiêu dự ước 55,6% vào cuối năm 2021. Để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021, các đại biểu cho rằng cần tập trung quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; linh hoạt khi thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng của tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và trồng màu không hiệu quả sang mục đích sử dụng khác; có các chính sách hỗ tiêu thụ nông sản, tăng cường chuyển đổi số trong nông nghiệp; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; có giải pháp phòng, chống tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là lừa đảo qua các mạng xã hội; quan tâm chỉ đạo sát sao và có giải pháp xử lý tình trạng cho vay qua mạng (có dấu hiệu của tín dụng đen).

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị tỉnh sớm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia mà Quốc hội đã thông qua gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng lập Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ cấp Căn cước công dân cho Nhân dân; tăng cường công tác quản lý môi trường nông thôn...

Đại biểu Đặng Hoàng Nhâm, Tổ đại biểu huyện Đại Từ tham gia ý kiến về bổ sung cơ chế, chính sách cho những người dân ở địa phương có diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là Tờ trình quy định chế độ bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đối với Tờ trình này, các đại biểu cho rằng: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để kịp thời hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, các ngành chức năng báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh, qua đó đề xuất phương hướng triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh nghiên cứu có chế độ hỗ trợ cho các Tổ Covid-19 cộng đồng; có phương án hỗ trợ thêm cho các đối tượng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát trong thời gian trước khi ban hành nghị quyết; đánh giá sự phù hợp khi đưa ra mức bồi dưỡng đồng đều là 150.000 đồng/người/ngày giữa các đối tượng đã được hưởng và chưa được hưởng phụ cấp, bồi dưỡng theo các gói hỗ trợ của Chính phủ. Sau khi nghị quyết ban hành, đề nghị các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, sớm ban hành hướng dẫn thực hiện, để đảm bảo việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng đầy đủ, kịp thời.

Đối với Tờ trình thông qua Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đại biểu đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, xác định số liệu diện tích đất quy hoạch là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn đã giao cho Nhân dân quản lý, sử dụng và trồng rừng sản xuất để sớm có phương án giải quyết vướng mắc giữa việc quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người trồng rừng và có phương án, giải pháp đảm bảo đời sống, thu nhập cho người dân sống trong vùng lõi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; có cơ chế, chính sách cho những người dân ở địa phương có diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp; bổ sung giải pháp để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với người dân sinh sống thuộc quy hoạch đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; cắm mốc giới cho những hộ dân nằm sát với Vườn Quốc gia Tam Đảo thuộc huyện Đại Từ để địa phương thuận tiện trong quá trình quản lý; UBND tỉnh hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư nhà máy thu gom các sản phẩm từ cây quế của người dân huyện Định Hóa.

Đại biểu Phạm Quang Linh, Tổ đại biểu huyện Đồng Hỷ phát biểu tại tổ thảo luận

Về Tờ trình quy định mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu đề nghị giao cho các cơ sở đào tạo chi trả tiền ăn, tiền đi lại cho các đối tượng là cán bộ không chuyên trách cấp xã, xóm được cử đi học các lớp bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo vì ngân sách cấp xã không đủ điều kiện để chi trả; nghiên cứu, có chính sách đặc thù hỗ trợ đối với các đối tượng không hưởng lương tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Về Tờ trình về việc bãi bỏ Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 12 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua chủ trương đề xuất Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 27 tháng 10 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua chủ trương đề xuất chuyển Dự án thành Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu có ý kiến trong trường hợp thống nhất ban hành Nghị quyết trên, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các hệ quả liên quan, nhất là 3 hợp đồng BT đã ký kết với nhà đầu tư, sao cho hài hòa, bảo đảm được quyền lợi của các bên và không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh; có chủ trương, phương án giải quyết quỹ đất đã giải phóng mặt bằng và các quỹ đất dự kiến giao cho nhà đầu tư để hoàn vốn.

Đóng góp ý kiến vào Báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII, các đại biểu đề nghị: UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp cố tình tái diễn việc gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong Nhân dân; kịp thời giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri theo đúng quy định, không để tồn đọng, kéo dài; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đang phát sinh nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri như đất đai, tài nguyên và môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý dự án đầu tư, xây dựng cơ bản...

Đối với Tờ trình quy định mức thu học phí đối với cấp học mầm non và cấp học phổ thông công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2021 - 2022 thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý, các đại biểu đề nghị: UBND tỉnh bổ sung sớm kinh phí chi thường xuyên đối với khối tiểu học do không thu học phí; chỉ đạo sử dụng đúng nguồn học phí, trong đó có giữ lại 40% để chi trả lương; quản lý tốt nguồn tài trợ (xã hội hóa) đảm bảo công khai, minh bạch.

Đại biểu phát biểu tại Tổ thảo luận số 4

Đối với Tờ trình thông qua Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035, các đại biểu đề nghị: Bổ sung giải pháp, cơ chế xử lý nhà văn hóa dôi dư sau khi sáp nhập để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện; cơ quan chuyên môn báo cáo giải trình, làm rõ các giải pháp để thực hiện toàn diện các mục tiêu xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở trong giai đoạn 2021 - 2025; căn cứ xác định hệ thống và mục tiêu xây dựng mới các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh như: Thư viện, nhà hát, trung tâm phát hành phim và rạp chiếu bóng; giải pháp để phát huy hiệu quả sử dụng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh; khả năng cân đối nguồn lực và lộ trình thực hiện mục tiêu từ 80% đến 90% nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Về Tờ trình bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, một số đại biểu có ý kiến: UBND tỉnh báo cáo, rà soát những khó khăn, vướng mắc đối với thủ tục đăng ký kế hoạch sử dụng đất và khai thác mỏ, nhất là các mỏ khai thác đất đối với các doanh nghiệp để kịp thời kiến nghị với Trung ương có giải pháp tháo gỡ; cần đánh giá công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; giải pháp hạn chế tình trạng khai thác trái phép khoáng sản tại một số địa phương.

Với tinh thần làm việc dân chủ, khẩn trương, tích cực và trách nhiệm, các ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu HĐND tỉnh sẽ được Tổ thư ký kỳ họp tổng hợp đầy đủ để báo cáo tại phiên làm việc chiều ngày 11/8.

Nhóm PV
thainguyen.gov.vn