Truy cập nội dung luôn

Nâng cao năng lực, nhận thức của nông dân vùng dân tộc thiểu số

2021-10-14 06:12:00.0

Chiều 13/10, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT), Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết triển khai chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2013 - 2020 và triển khai chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025.

 

Hai cơ quan ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2025.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các vụ, đơn vị trực thuộc hai cơ quan.

Trong giai đoạn 2013 - 2020, UBDT và Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp tham mưu đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện nhiều chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN), vùng đặc biệt khó khăn; kịp thời lắng nghe, tập hợp ý kiến của nông dân DTTS phản ánh với cấp ủy, chính quyền có những chính sách phù hợp đặc thù của vùng và văn hóa của đồng bào; góp phần củng cố niềm tin của nông dân với Đảng và Nhà nước, tạo động lực cho nông dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; bảo đảm sự đoàn kết các dân tộc, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng nông thôn mới gắn với đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất thông qua các dự án, mô hình tập trung vào các mục tiêu trọng điểm trong vùng DTTS và MN. Qua đó thay đổi tư duy, hành động, phát huy nội lực của nông dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng. Trung ương Hội Nông dân cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể, thiết thực, hiệu quả.

Phát huy kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp UBDT tham mưu, xây dựng các chủ trương, chính sách hỗ trợ nông dân vùng DTTS và MN chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống...

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình nông dân và nông thôn vùng DTTS và MN. Các hình thức tuyên truyền cần đa dạng theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với hội viên nông dân DTTS, kết hợp tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện báo chí, website và các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, hai cơ quan sẽ phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030. Chú trọng một số dự án, tiểu dự án thiết yếu như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư tạo sinh kế, phát triển kinh tế nhóm rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định, vùng DTTS và MN là vùng trọng điểm quan trọng của đất nước, do đó quan tâm đến vùng DTTS và MN là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Công tác phối hợp giữa hai cơ quan bảo đảm chủ động, kịp thời, đúng định hướng, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đổi mới công tác tuyên truyền kết hợp với các chương trình và mô hình, tuyên truyền bằng trực quan nhằm giúp nông dân DTTS nâng cao năng lực, thay đổi nhận thức. Thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Hội Nông dân Việt Nam có hơn 10,29 triệu hội viên, trong đó hơn 1,8 triệu hội viên là người DTTS, chiếm tỷ lệ khoảng 17,5%. Bình quân hằng năm, có hơn 6,2 triệu hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; gần 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu (trong đó có 20% hộ DTTS đăng ký và 10% số hộ đăng ký đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp); hình thành các mô hình kinh tế hộ, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, kinh tế trang trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Kiều Linh
nhandan.vn