Truy cập nội dung luôn

Đánh giá tình hình triển khai đầu tư các tuyến đường vành đai Vùng Thủ đô Hà Nội

2021-03-04 21:09:00.0

Chiều ngày 04/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 9 tỉnh, thành phố có liên quan để đánh giá tình hình triển khai đầu tư các tuyến đường vành đai Vùng Thủ đô Hà Nội; tuyến kết nối với cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.

 

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên (chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên) phát biểu tại hội nghị trực tuyến

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải: Hiện nay, Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 09 tỉnh, theo quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội có 2 tuyến đường vành đai vùng (Vành đai 4 và Vành đai 5). Theo đó, đường Vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 đi qua thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh, với chiều dài 98 km. Tiến độ đến thời điểm hiện tại, đường Vành đai 4 mới chỉ có thành phố Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT và BOT nhưng chưa phê duyệt đề xuất đầu tư (53,52 km); các đoạn tuyến còn lại qua tỉnh Hưng Yên (19 km), tỉnh Bắc Ninh (21 km) chưa lập đề xuất đầu tư dự án. Đường Vành đai 5 đi qua 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 561/QĐ-TTg ngày 18/4/2014), chiều dài 331 km với mục tiêu hình thành vành đai giao thông liên kết các đô thị đối trọng của các địa phương liền kề Thủ đô Hà Nội. Đường Vành đai 5, phần do Bộ Giao thông vận tải đầu tư: Là các đoạn đi trùng đường quốc lộ, đường cao tốc (127,9 km), đã thực hiện đầu tư, đưa vào khai thác 25 km các đoạn đi trùng đường cao tốc (Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai); còn lại 102,9km đi trùng đường quốc lộ đã được đầu tư có quy mô 02 làn xe (đường Hồ Chí Minh, cầu Vĩnh Thịnh, tuyến nối 02 cao tốc) nhưng chưa được đầu tư vào cấp theo quy mô quy hoạch 04 làn xe. Đối với phần do các địa phương đầu tư: Đã và đang đầu tư 37 km, gồm các tỉnh: Thái Bình 15 km, Hải Dương 9 km, Thái Nguyên 9,6 km (đoạn qua Khu tổ hợp Yên Bình), Vĩnh Phúc 3,4 km; còn lại 183,2 km chưa chuẩn bị đầu tư. 

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải thì tiến độ thực hiện đầu tư các đường Vành đai 4 và Vành đai 5 đang bị chậm, không đáp ứng yêu cầu của quy hoạch, trong khi nhu cầu khai thác rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu đầu tư các tuyến đường vành đai vùng chậm tiến độ do khả năng huy động nguồn lực của các địa phương khó khăn, trong khi tổng mức đầu tư dự án lớn, thủ tục đầu tư các dự án theo hình thức BT không thực hiện được; các địa phương chủ yếu tập trung phát triển hạ tầng thiết yếu cho giao thông nội tỉnh/thành phố, chưa có điều kiện đầu tư giao thông kết nối vùng; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù trong việc triển khai, huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư... 

Về tình hình triển khai đầu tư xây dựng tuyến kết nối với cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), trên cơ sở mạng lưới đường bộ kết nối các tỉnh khu vực phía Bắc, hiện cơ quan chức năng đã quy hoạch 03 tuyến đường bộ cao tốc nối khu vực nghiên cứu đến với cảng biển gồm: Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (đang xây dựng); Cao tốc Hạ Long - Móng Cái (đang xây dựng); Cao tốc Nội Bài - Hạ Long (đang quy hoạch)...

Tại hội nghị trực tuyến, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đề xuất về một số nội dung như: Đầu tư triển khai các dự án đường Vành đai 4, Vành đai 5 đồng bộ theo quy hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt; các địa phương cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các dự án; bố trí các nguồn lực đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến đường kết nối, sớm hình thành kết cấu hạ tầng hiện đại, đáp ứng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương…

Đối với tỉnh Thái Nguyên, theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải về tình hình thực hiện đầu tư các đoạn tuyến thuộc đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận Thái Nguyên: Hiện nay, tỉnh đang thực hiện đoạn từ cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Phương) đến nút giao Yên Bình, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với chiều dài khoảng 9,2 km, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Đoạn đi trùng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường Quốc lộ 3 cũ dài khoảng 14,5 km. Đoạn từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến đèo Nhe (giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc) với chiều dài khoảng 14,8 km - đây là đoạn tuyến mới, hiện nay chưa có chủ trương đầu tư xây dựng và đang đề nghị đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025;… Ngoài khó khăn về việc huy động nguồn vốn và một số khó khăn, vướng mắc khác, tại hội nghị, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm, báo cáo Chính phủ xem xét bố trí nguồn kinh phí Trung ương đầu tư hoàn thiện các đoạn tuyến Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận tỉnh Thái Nguyên.

Sau khi nghe đại diện các tỉnh, thành liên quan báo cáo, thảo luận, kiến nghị và đề xuất về việc triển khai đầu tư các tuyến đường vành đai Vùng Thủ đô Hà Nội và tuyến kết nối với cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), đồng chí Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương tập trung rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch của dự án đường Vành đai 4 và Vành đai 5; tập trung tháo gỡ vướng mắc; tiếp tục huy động các nguồn vốn xã hội hợp pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 và Vành đai 5; tranh thủ nguồn ngân sách địa phương để triển khai đầu tư, trường hợp nếu ngân sách địa phương gặp khó khăn, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố liên quan có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ nguồn vốn đầu tư...

Xuân Huy
thainguyen.gov.vn