Truy cập nội dung luôn

Hội nghị trực tuyến về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật

2020-11-24 16:45:00.0

Sáng ngày 24/11, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên

Trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng được hoàn thiện và phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng. Ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân được nâng lên rõ rệt; hoạt động giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước, tổ chức xã hội, Nhân dân có sự thay đổi về hình thức và nội dung, đem lại hiệu quả, thực chất. Hệ thống pháp luật của nước ta giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành chú trọng, quan tâm hơn đến công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, phục vụ trực tiếp, hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật vẫn còn một số hạn chế như: Hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, vẫn còn cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản; chưa có tính dự báo, khả thi nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tính minh bạch của hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế, một số quy định được hiểu, được áp dụng chưa thống nhất; vẫn còn văn bản có nội dung trái pháp luật, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; một số hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật còn phân tán, dàn trải….

Trong thời gian tới, Trung ương và địa phương cần đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và thi hành pháp luật; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật, gắn liền với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã tự kiểm tra 154 văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực, phát hiện 4 văn bản chưa phù hợp với quy định của pháp luật; kiểm tra theo thẩm quyền 182 văn bản, phát hiện 9 văn bản chưa phù hợp với quy định của pháp luật; đến nay các văn bản chưa phù hợp đã được xử lý đúng quy định pháp luật.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã có nhiều ý kiến tham luận, thảo luận bổ sung, trao đổi các thông tin về pháp luật và thi hành pháp luật.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định hệ thống pháp luật của Việt Nam cơ bản đầy đủ trên các lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi; thể chế hóa được các chủ trương của Đảng về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; bảo đảm sự đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị; sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế được các đại biểu nêu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp, ngành tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan “gác cửa” trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng pháp luật, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật về tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội. Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực thích đáng, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.

Xuân Huy
thainguyen.gov.vn