Truy cập nội dung luôn

Đánh giá Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 khu vực phía Bắc.

2020-11-14 00:31:00.0

Sáng ngày 13/11, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức Hội nghị Đánh giá Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 khu vực phía Bắc (gọi tắt là OCOP).

 

Các đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương điều hành chương trình thảo luận

Dự và điều hành hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương. Tham gia hội nghị còn có lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND, Sở, ngành các tỉnh, thành phố trung du miền núi phía Bắc; đại diện các tổ chức quốc tế, Viện, Trường; các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã giới thiệu tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên. Công tác xây dựng NTM của tỉnh có nhiều khởi sắc, từ chỉ có 40/143 xã NTM ở đầu nhiệm kỳ, sau 4 năm, đến nay, toàn tỉnh đã có 103 xã đạt chuẩn NTM, là tỉnh dẫn đầu 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất (lần 2) về những thành tích xuất sắc sau 10 năm xây dựng NTM. Tỉnh Thái Nguyên xác định “Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP” là chìa khóa để phát huy tiềm năng sáng tạo của người dân ở khu vực nông thôn trong tổ chức sản xuất, tăng cường hoạt động liên kết sản xuất, gia tăng giá trị; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản và dịch vụ du lịch nông thôn; tăng thu nhập của người dân nông thôn, góp phần hoàn thành các mục tiêu Chương trình xây dựng NTM một cách bền vững. Đồng thời mong muốn, thông qua hội nghị các địa phương chia sẻ những kinh nghiệm, cơ hội, khó khăn thách thức và đề xuất những giải pháp phù hợp để thực hiện Chương trình OCOP trong giai đoạn tới một cách bền vững.

Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu khai mạc hội nghị

Theo Báo cáo, đến hết tháng 10/2020, cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm OCOP. Theo đó, đã có trên 2.160 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên, đạt 90,4% mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2018-2020. Ở khu vực miền Bắc, đã có 22/25 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, chiếm 55,74% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước. 4/5 tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước là: Hà Nội 301 sản phẩm, Quảng Ninh 191 sản phẩm, Hà Giang 120 sản phẩm, Bắc Kạn 105 sản phẩm. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đã được các tỉnh khu vực phía Bắc ưu tiên, tập trung triển khai và mang lại những kết quả tích cực, trở thành khu vực triển khai Chương trình OCOP hiệu quả và đồng bộ nhất của cả nước. Chương trình OCOP đã hỗ trợ phát triển các sản phẩm, phát huy các lợi thế, tiềm năng về điều kiện sản xuất (địa hình, đất đai, khí hậu, tài nguyên…), giá trị về sản phẩm được hình thành gắn với cộng đồng, người dân; thúc đẩy sự phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn (Hợp tác xã, doanh nghiệp), phù hợp với điều kiện sản xuất quy mô nhỏ, phân tán của các sản phẩm quy mô cấp huyện, xã, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc…

Các đại biểu đã tập trung thảo luận vào một số nội dung: Đánh giá những thuận lợi, khó khăn và đề xuất giải pháp triển khai Chương trình OCOP khu vực miền Bắc trong thời gian tới; kinh nghiệm về hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2021-2025; tác động của Chương trình OCOP đến phát triển kinh tế khu vực nông thôn; kinh nghiệm phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển sản phẩm bản địa; phát triển OCOP gắn với khai thác thương hiệu cộng đồng; Kinh nghiệm phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu và cộng đồng địa phương…

Đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh phát triển sản phẩm OCOP phải gắn liền với phát triển làng nghề và du lịch sinh thái cộng đồng

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các đại biểu tại hội nghị, trên cơ sở đó tham mưu cho Chính phủ bổ sung, chỉnh sửa các cơ chế chính sách về phát triển sản phẩm OCOP cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời khẳng định, phát triển Chương trình OCOP ở khu vực nông thôn phải gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các tỉnh trung du miền núi phía Bắc xác định rõ nhiệm vụ phát triển Chương trình OCOP trong thời gian tới, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau: Rà soát lại các sản phẩm chủ lực, tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển sản phẩm OCOP phải gắn liền với phát triển làng nghề và du lịch cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP; các Bộ, ngành phối hợp, liên kết với địa phương để đẩy mạnh kết nối mạng lưới sản phẩm OCOP cấp vùng, quốc gia và quốc tế; tăng cường công tác giám sát chất lượng các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận.

Xuân Huy
thainguyen.gov.vn