Truy cập nội dung luôn

Xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế

Sau thời gian dài áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội, nhiều địa phương đang xây dựng kế hoạch từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới. Yêu cầu phục hồi kinh tế đã trở nên cấp bách đối với nền kinh tế Việt Nam khi nhiều động lực tăng trưởng bị tác động mạnh trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Công ty Dược phẩm Savi (Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh) vừa duy trì hoạt động sản xuất, vừa thực hiện tốt phòng, chống dịch. Ảnh: NHẬT BẮC

Bức tranh toàn cảnh kinh tế quý III/2021 bắt đầu xuất hiện nhiều gam màu tối. Làn sóng dịch bệnh lần thứ tư lấy đi không ít cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế khi nhiều hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu… bị đình trệ. Đối với các doanh nghiệp (DN) còn chống chịu được trong lúc này phải gánh chịu chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt, khiến hiệu quả hoạt động bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp kiệt sức

Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay, có 81.584 DN thành lập mới nhưng có tới 85.508 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 24,2% so cùng kỳ. Một số báo cáo do các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước công bố gần đây đã phản ánh rất rõ tình trạng này: Báo cáo của Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân chỉ ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng đang diễn ra trong nhiều ngành sản xuất: Chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo đứt gãy liên quan tới các vùng bùng phát dịch mạnh như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai; Chuỗi cung ứng các mặt hàng nông, thủy sản bị đứt gãy do lao động bị cách ly, giãn cách, đình trệ lưu thông; Chuỗi cung ứng hàng dệt may đứt gãy do thiếu lao động vì các địa phương áp dụng tăng cường giãn cách xã hội... Hệ quả là không chỉ gây khó khăn cho DN mà còn tạo áp lực lớn cho công tác bảo đảm an sinh xã hội khi tỷ lệ lao động nghỉ việc, giãn việc ngày càng tăng. Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát các DN, hộ kinh doanh do Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng cải cách thủ tục hành chính) vừa thực hiện cho thấy: 69% số DN tham gia khảo sát phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh và phần lớn trong số đó không tiên liệu được sẽ phải đóng cửa trong bao lâu: 40% cho biết tình hình tài chính rất căng thẳng, chỉ đủ dòng tiền để duy trì hoạt động dưới một tháng; 46% cho rằng có thể cầm cự không quá ba tháng. Ngay lúc này, DN và người lao động mong đợi việc mở cửa cho sản xuất, kinh doanh trở lại hơn bao giờ hết vì không thể chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước do ngân sách hạn hẹp. Theo Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) Vũ Tú Thành, TP Hồ Chí Minh đã áp dụng phong tỏa hơn 100 ngày và sức chịu đựng của nền kinh tế đã tới hạn. Nếu sản xuất, kinh doanh tiếp tục đình đốn nguy cơ sẽ dẫn đến thiệt hại kép về cả y tế và kinh tế.

Những số liệu về tình hình kinh tế do Tổng cục Thống kê công bố cũng cho thấy sự đảo chiều của nhiều chỉ số quan trọng. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước giảm 4,2% so tháng trước và giảm 7,4% so cùng kỳ. Trong đó, mức giảm mạnh nhất thuộc về ngành chế biến, chế tạo trong khi đây lại là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Thâm hụt thương mại tám tháng đầu năm tiếp tục gia tăng với mức nhập siêu hơn 3,71 tỷ USD. Mặt khác, động lực đầu tư công chưa thể vận hành tốt do tốc độ giải ngân vốn từ ngân sách ì ạch, đến nay vẫn chưa đạt 50% tổng số vốn kế hoạch được giao. Hoạt động đầu tư công năm 2021 đặc biệt khó khăn ở các địa phương bùng phát dịch Covid-19. Đơn cử, TP Hồ Chí Minh tám tháng đầu năm mới giải ngân được 13.267 tỷ đồng, bằng 37% kế hoạch cả năm, giảm hơn 27% so cùng kỳ năm trước. Các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố đều phải tạm dừng thi công hoặc thi công cầm chừng.

PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam nhận định: Vốn đầu tư công như mạch máu của nền kinh tế, phải được bơm ra để dòng máu đi vào từng dự án, từ đó lan tỏa đến khu vực DN, thẩm thấu vào nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng. Vị chuyên gia cũng cảnh báo, khó khăn của DN không còn dừng ở vấn đề đội chi phí sản xuất, mà chuyển sang trạng thái "khô máu". Chỉ một thời gian ngắn nữa, sau khi thị trường mở ra, tình trạng "đói vốn" có thể sẽ bùng lên, và DN rất khó đủ điều kiện tiếp cận vốn vay mới.

Những đề xuất cho kịch bản phục hồi

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát đi thông điệp về chiến lược mới trong phòng, chống dịch Covid-19: "Không thể phong tỏa mãi, cần thích nghi an toàn với dịch". Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới. Trạng thái "bình thường mới" đang chuẩn bị được thiết lập từ các vùng tâm dịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương với kế hoạch từng bước mở cửa trở lại kinh tế. Thông tin này giống như liều thuốc cứu sinh đối với cộng đồng DN. Nhưng câu hỏi lớn đặt ra lúc này là chương trình phục hồi kinh tế sẽ phải bắt đầu từ đâu, theo kịch bản nào và đến bao giờ kinh tế Việt Nam mới có thể phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19?

Gần hai năm chịu tác động trực tiếp của đại dịch, Công ty Du lịch và tiếp thị Giao thông vận tải (Vietravel) đã phải hứng chịu những tổn thất lớn chưa từng có. Mong mỏi từng ngày được quay lại thị trường nhưng Vietravel vẫn không thể dự tính được gì về tương lai. Để mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thành phố Hồ Chí Minh không thể "một mình một chợ" mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các tỉnh lân cận. Đến nay, DN chưa biết kế hoạch cụ thể như thế nào và DN có thể làm những gì. Do đó, mọi thông tin cần được công bố một cách cụ thể, chính sách ban hành cũng phải tránh tình trạng "sáng nắng, chiều mưa", làm mất đi sự nghiêm minh cũng như khiến DN "trở tay không kịp". Quan trọng nhất là cần có đầu mối chỉ đạo tập trung, rõ ràng và thống nhất. Quá nhiều đầu mối chỉ đạo như hiện nay rất khó cho DN", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietravel trải lòng.

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam khẳng định, từng bước mở cửa nền kinh tế là chủ trương hoàn toàn đúng. Cần lên kế hoạch, kịch bản chi tiết để sống chung với dịch thay vì đóng cửa, giãn cách như hiện nay. Theo ông Vũ Tú Thành, quyết tâm mở cửa trở lại nền kinh tế một cách thận trọng, có cơ sở khoa học, dù chưa chấm dứt được hoàn toàn sự lây lan dịch bệnh là hoàn toàn nhất quán với chủ trương thực hiện "mục tiêu kép" trong chiến lược kiểm soát dịch của Việt Nam. Đây cũng là cách tiếp cận phổ biến ở các nước khác khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh: DN cũng ý thức được việc mở cửa cần thực hiện thận trọng theo lộ trình tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin. Chính vì vậy, động thái đổi mới về tư duy của lãnh đạo Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, xác định quan điểm sống chung với dịch bệnh chính là điểm then chốt nhằm tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi.

Với góc nhìn của một người làm chính sách vĩ mô, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, nền kinh tế đang cần một chương trình phục hồi và phát triển ở cấp quốc gia với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Lý do là DN, người dân và nền kinh tế đang bị tác động rất nghiêm trọng, chưa từng có tiền lệ. Nhiều vấn đề rất lớn đang đặt ra. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo từ các cơ quan cao nhất của đất nước để từ đó Chính phủ xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế trong tình hình mới. Chương trình phục hồi kinh tế phải dựa trên bốn trụ cột lớn, theo thứ tự ưu tiên. Đó là: Từng bước mở cửa lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở cửa nền kinh tế; phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng truyền thống và kinh tế số; hỗ trợ DN phục hồi song song với việc khuyến khích đầu tư toàn xã hội; tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
nhandan.vn