Truy cập nội dung luôn

Kinh doanh phát triển, chống dịch hiệu quả

Vượt lên khó khăn thách thức với tinh thần chủ động, sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời phòng, chống dịch hiệu quả, ổn định tăng trưởng doanh số, tạo việc làm cho người lao động.

 

Các làn sóng dịch bệnh Covid-19 liên tiếp bùng phát thời gian qua đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh cả nước đình trệ, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng làm ăn thua lỗ kéo dài, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản. Hơn 7.800 doanh nghiệp tại Thái Nguyên cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. So với cùng kỳ năm trước, 9 tháng năm 2021, đã có 397 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 32%; 74 doanh nghiệp giải thể, tăng 13,75%. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng xảy ra ở hầu hết các ngành hàng, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp. Dịch bệnh cũng khiến giá cước vận tải hàng không tăng gấp đôi, cước vận tải đường biển tăng từ 2-3 lần, thậm chí 6-7 lần ở một số chặng. Giá xăng, dầu đồng loạt tăng gần 1,5 lần... khiến doanh nghiệp gánh chịu chi phí sản xuất quá cao. Nguy cơ tạm ngừng sản xuất do thiếu lao động tạm thời hoặc các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất... cũng là những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đang phải đối mặt. Theo thống kê, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm 9,48% so với cùng kỳ, tương ứng giảm khoảng 11.500 lao động.

Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đã triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh

Tuy nhiên, với chiến lược đúng đắn, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kịch bản đối phó dịch bệnh, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã có bước đi vững chắc trong giai đoạn khó khăn này. Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) nằm trong Khu Công nghiệp Yên Bình, thị xã Phổ Yên là một điển hình. Trước diễn biến của dịch Covid-19, Công ty đã triển khai các hoạt động phòng, chống dịch mạnh mẽ để bảo vệ sức khỏe của người lao động. Đại diện Samsung Thái Nguyên cho biết: Bên cạnh các biện pháp cơ bản như: Kiểm tra thân nhiệt tại cổng ra vào, khử trùng tất cả các khu vực trong nhà máy, lắp đặt vách ngăn tránh tiếp xúc trực tiếp ở khu vực nhà ăn, phòng họp; vận hành khu khám bệnh sàng lọc trong và ngoài nhà máy… Công ty đã tăng cường áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như: Gia tăng số lượng nhân viên làm việc ở nhà và lưu trú làm việc tại nhà máy; tiến hành xét nghiệm SARS-Cov2 với quy mô lớn; thực hiện khai báo y tế hàng ngày thông qua hệ thống điện tử nội bộ... Nhờ đó, hoạt động sản xuất của Công ty vẫn đảm bảo ổn định, giữ đà tăng trưởng tốt và hoàn thành các mục tiêu xuất khẩu đề ra. 8 tháng năm 2021 doanh thu của Công ty đạt 19,2 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ; dự kiến đến hết năm 2021, doanh thu đạt 26,9 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020.

Không chỉ SEVT, nhiều doanh nghiệp đã linh động trong sản xuất và có chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài các biện pháp cấp bách như cắt giảm chi phí, các doanh nghiệp chú trọng khai thác thị trường trong nước; tái cấu trúc doanh nghiệp; chuyển đổi số; tìm kiếm mô hình và phương thức kinh doanh mới; quản trị doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Đáng chú ý là sáng kiến giao thương nội bộ đã giúp nhiều doanh nghiệp địa phương trụ vững và vượt qua các cơn sóng dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết: Với tinh thần gắn kết cùng phát triển, Hiệp hội đã vận động hội viên đẩy mạnh hoạt động giao thương nội bộ theo chương trình "Mua cho nhau, bán cho nhau" để hỗ trợ doanh nghiệp nội khối tiêu thụ sản phẩm dịch vụ. Chương trình được khởi xướng thực hiện từ năm 2013, nhằm tạo sự liên kết, tương trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp thông qua cơ chế: Đầu vào của doanh nghiệp này cũng là đầu ra của doanh nghiệp kia. Chẳng hạn khi thực hiện công trình, dự án, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã ưu tiên lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp địa phương như: Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải thi công hạ tầng kỹ thuật xây dựng nhà máy may tại Cụm công nghiệp Cây Bòng, huyện Võ Nhai; Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng cung cấp vật liệu xây dựng (sắt, thép); Công ty Điện tử Quang Thái cung cấp, lắp ráp thiết bị điện tử, điện lạnh cho các tòa nhà, nhà máy của TNG... Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp càng phải tương trợ, liên kết với nhau hơn. Hiệp hội đã đưa chương trình này vào mục tiêu, kế hoạch, giải pháp thực hiện hàng quý, 6 tháng và cả năm của Hiệp hội để tạo cơ chế khuyến khích các hội viên thực hiện chương trình. Năm 2020, quy mô giao dịch hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp trong khối đạt trên 500 tỷ đồng, 9 tháng năm 2021 đạt gần 1.000 tỷ đồng. Tiêu biểu trong chương trình này như: Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải trên 150 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thương mại thép Việt Cường trên 80 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện tử Quang Thái trên 10 tỷ đồng...

Với chiến lược kinh doanh phù hợp, 8 tháng năm 2021 Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG có doanh thu thuần tăng 16%

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh còn khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào những ngành nghề sản xuất vật dụng thiết yếu như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, đồ bảo hộ... trong điều kiện dịch bệnh bùng phát. Đồng thời, hỗ trợ hội viên quảng bá doanh nghiệp, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ thông qua các gian hàng trực tuyến trên không gian mạng. Trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp hội viên có mức tăng trưởng cao, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động với mức bình quân 7,5-10 triệu đồng/người/tháng. Điển hình như Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG 8 tháng năm 2021 doanh thu thuần tăng 16%; khấu trừ các khoản thuế, phí TNG báo lãi ròng xấp xỉ 142 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ; Công ty Cổ phần Nhiệt điện An Khánh 9 tháng năm 2021 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 960 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2020, đảm bảo việc làm cho trên 280 lao động, mức thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng; Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng sản lượng hàng hóa bán ra tăng 30%, bảo đảm thu nhập bình quân cho người lao động với mức 10,5 triệu đồng/người/tháng; Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công doanh thu bán hàng tăng 106% so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận trước thuế tăng 116% và nộp thuế đạt 158%...

Là một trong những doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình giao thương nội bộ “Mua cho nhau, bán cho nhau”, ông Hoàng Hữu Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải cho biết: Thông qua chương trình các doanh nghiệp có sự liên doanh, gắn kết chặt chẽ hơn, góp phần giảm chi phí thời gian tiếp thị, bán hàng cho các doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm cũng như quản trị doanh nghiệp được nâng cao. Riêng đối với Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải, do tích cực tham gia vào chuỗi hoạt động này, được các doanh nghiệp hội viên hỗ trợ mua sản phẩm, dịch vụ, nên 9 tháng năm 2021 Công ty đạt tăng trưởng tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch sản xuất, kinh doanh cùng những biện pháp chống dịch an toàn không chỉ giúp các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất mà còn đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đưa giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt gần 610 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng năm 2021, tăng 7,5% so với cùng kỳ và bằng 72,5% kế hoạch cả năm; giá trị xuất khẩu đạt 21,31 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ và bằng 75,7% kế hoạch cả năm.

Có thể nói, bằng sự chủ động, sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực vượt khó, thực hiện “mục tiêu kép” với quyết tâm cao: Phòng, chống dịch hiệu quả, kinh doanh phát triển. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng để các doanh nghiệp bứt phá vươn lên khi đại dịch được khống chế.

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn