Truy cập nội dung luôn

Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật quý I năm 2025

Chiều 27/3, UBND tỉnh tổ chức Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật quý I năm 2025, rà soát thể chế để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị. Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp 

Tham dự Phiên họp có các đồng chí: Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; Ban Pháp chế HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Báo cáo tại Phiên họp cho thấy, thời gian qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực: Hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã dần đi vào nền nếp, chất lượng văn bản ban hành từng bước được nâng lên; quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; các dự thảo văn bản QPPL được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân và các cơ quan, tổ chức, đảm bảo theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản QPPL…

Đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Phiên họp 

Tại Phiên họp, các sở, ban, ngành đã báo cáo tiến độ trong công tác tham mưu ban hành văn bản theo trách nhiệm được giao. Cùng với đó, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến tập trung vào các nội dung: Cần tiếp tục nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản QPPL; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và MTTQ các cấp trong việc ban hành văn bản QPPL, đặc biệt là các văn bản liên quan đến đời sống dân sinh; khi văn bản được ban hành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt việc chấp hành thực hiện…

Đồng chí Nguyễn Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho ý kiến tại Phiên họp

Phát biểu tại Phiên họp, đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển, do vậy việc rà soát các văn bản QPPL cần phải làm thường xuyên, liên tục, kịp thời; đối với các kiến nghị đề nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung cần phải xem xét kỹ từng nội dung và đảm bảo các kiến nghị phù hợp với thực tiễn, theo đúng quy định; đối với các nội dung xây dựng văn bản do các cơ quan nhà nước giao, cần phải rà soát các văn bản đang còn hiệu lực để tham mưu văn bản thuộc thẩm quyền cho phù hợp.

Đồng chí Trần Văn Khương, Giám đốc Sở Tư pháp báo cáo công tác xây dựng, rà soát văn bản QPPL của tỉnh

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Để đảm bảo văn bản ban hành có chất lượng, yêu cầu các sở, ngành hoàn thiện đầy đủ và nâng cao chất lượng hồ sơ văn bản trình. Đối với kế hoạch thể chế trung hạn 2026 - 2030, giao Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, làm rõ những vấn đề nổi bật của Thái Nguyên để tham mưu ban hành cơ chế, chính sách. Đặc biệt đối với việc phát triển ngành chè, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu tham mưu chính sách đặc thù cho phát triển ngành chè mang tính đột phá, để cây chè trở thành cây chủ đạo trong phát triển xanh hóa, phát triển bền vững. Giao Sở Tài chính chủ trì nghiên cứu về thể chế đột phá trong phát triển môi trường xanh hóa nói chung; Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu tham mưu thể chế cho sự phát triển về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Sở Tư pháp chủ trì, nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh danh mục các văn bản, chuẩn bị sẵn sàng để tỉnh Thái Nguyên hoạt động theo mô hình chính quyền 2 cấp.

Đối với các văn bản cần ban hành trong quý II năm 2025, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị có kế hoạch cụ thể và thực hiện đúng tiến độ. Các sở, ngành chủ động tham mưu, xử lý ngay các văn bản của tỉnh đang còn hiệu lực thi hành, nhưng có những nội dung không phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung theo quy định của pháp luật xong trước ngày 30/4; đồng thời tiếp tục rà soát các văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp, tổ chức bộ máy bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương, xác định rõ vấn đề để xử lý, phương án sửa đổi. Đồng chí chỉ đạo cần có chuyên đề riêng về thể chế cho việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu, đôn đốc kịp thời tại các phiên họp của UBND tỉnh việc xây dựng pháp luật, đồng thời triển khai họp chuyên đề theo yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức trong việc xây dựng, ban hành thể chế và thực hiện các văn bản QPPL đúng quy định.

Thanh Tâm
thainguyen.gov.vn