Truy cập nội dung luôn

Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững

Năm 2016 vừa qua được đánh giá là ít thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tỉnh, trong đó cơ quan thường trực là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; sự phối hợp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của các địa phương, các ngành cùng sự nỗ lực, cố gắng của bà con nhân dân nên nhiều chỉ tiêu quan trọng của ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đã cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra.


Năm 2016 vừa qua được đánh giá là ít thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tỉnh, trong đó cơ quan thường trực là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; sự phối hợp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của các địa phương, các ngành cùng sự nỗ lực, cố gắng của bà con nhân dân nên nhiều chỉ tiêu quan trọng của ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đã cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra.

Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan kiểm tra thực tế mô hình trồng rau an toàn trong nhà kính của Hợp tác xã nông nghiệp Trung Na tại xã Tiên Hội, huyện Đại Từ. (Ảnh: Trần Nhung)

Có thể điểm lại một số chỉ tiêu chính của ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã đạt được, gồm: Tổng sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,3%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 12.158 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2015. Sản lượng lương thực đạt 469,4 nghìn tấn, vượt 7,9% kế hoạch. Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, các chỉ tiêu về chăn nuôi cũng có sự tăng trưởng đáng kể, sản lượng thịt hơi các loại 134.757 tấn, vượt 23,9% kế hoạch. Đối với lâm nghiệp, toàn tỉnh đã trồng rừng tập trung được trên 5.655ha, vượt 6,7% kế hoạch; trồng 737ha cây phân tán; độ che phủ rừng ổn định trên 50%, đạt 100% kế hoạch. Đối với thủy sản, toàn tỉnh đã khai thác 5.849 ha mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản với sản lượng 9.375 tấn thuỷ sản các loại, đạt 104,2% kế hoạch.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế và đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong lĩnh vực trồng trọt, mặc dù đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, nhưng vẫn chưa tương xứng so với yêu cầu của thời kỳ mới và so với một số tỉnh trong khu vực như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... Giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt trong năm 2016 chỉ đạt mức tăng trưởng 0,34% so với năm 2015; năng suất một số cây trồng còn thấp; sản lượng một số cây trồng tuy lớn nhưng chất lượng, giá trị gia tăng, giá trị thương hiệu sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Việc tích tụ ruộng đất, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn áp dụng khoa học, công nghệ cao còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn; chưa hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm,…


Trang trại chăn nuôi lợn an toàn của gia đình ông Bùi Đức Dũng, thị trấn Đu (Phú Lương), mỗi năm cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. (Ảnh: Trần Nhung)
 

Từ những thực tế đã nêu ở trên, để đảm bảo phát triển nông nghiệp theo đúng mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, UBND tỉnh Thái Nguyên xác định định hướng sản xuất nông nghiệp trong năm 2017 là tập trung theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Để đảm bảo thực hiện sản xuất nông nghiệp theo đúng định hướng trên, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Trên cơ sở các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các đơn vị trực thuộc tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra; từng đơn vị phải đề xuất giải pháp cụ thể với UBND tỉnh để chỉ đạo triển khai kịp thời ứng phó với các diễn biến phức tạp của thời tiết và tình hình dịch bệnh có thể xảy ra năm 2017.

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp để tổ chức thực hiện tốt định hướng sản xuất nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên năm 2017. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ, các cơ chế, chính sách để thực hiện tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo 5 hình thức tích tụ ruộng đất gồm: Dân góp đất với doanh nghiệp để đầu tư sản xuất; doanh nghiệp thuê quyền sử dụng đất của người dân; doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân; Nhà nước hỗ trợ thực hiện giải phóng mặt bằng giao đất cho doanh nghiệp; dồn điền đổi thửa nông hộ.


Mô hình trồng thử nghiệm ớt sạch của Chi nhánh trang trại nông nghiệp sạch Thái Nguyên (Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc) thuộc xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ. (Ảnh: Trần Nhung)

- Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục - Đào tạo, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các cơ quan đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tập trung liên kết giữa các đơn vị sản xuất, chế biến nông nghiệp với các trường học, trường mầm non, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
- Khẩn trương xây dựng phương án quản lý giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm và phương án kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh trên cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh, không chồng chéo gây phiền hà cho các đơn vị sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, có cơ chế cho cán bộ làm công tác kiểm dịch động vật không nằm trong biên chế theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên, các cơ quan đơn vị liên quan xây dựng chương trình tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên năm 2017.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ xác nhận của tỉnh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP (GAP khác), các sản phẩm chè an toàn, chè sạch có nguồn gốc xuất xứ tại Thái Nguyên.
- Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hỗ trợ kịp thời giá giống cây trồng theo phương án sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 cho người dân, không để tình trạng người dân gieo cấy, thu hoạch xong đến cuối năm vẫn chưa nhận được hỗ trợ.

3. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp vàPhát triển Nông thôn, Liên minh Hợp tác xã và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát lại cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn năm 2017; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND ngày 12/12/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020.


Nguồn: thainguyen.gov.vn
Tác giả: Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên