Truy cập nội dung luôn

Trăn trở của người trồng chè Tân Linh

Giá cả thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, chưa xây dựng được thương hiệu tương xứng với tiềm năng và lợi thế, là những trăn trở luôn canh cánh trong lòng người dân Tân Linh, huyện Đại Từ trong suốt hơn 50 gắn bó với nghề trồng chè.

Đồi chè Tân Linh

Tân Linh là vựa chè lớn nhất của huyện Đại Từ với 599ha chè kinh doanh, bằng 1/10 diện tích chè toàn huyện. Không chỉ đứng đầu về diện tích, Tân Linh còn dẫn đầu Đại Từ về sản lượng chè. Năm 2017, sản lượng toàn xã đạt gần 7.000 tấn chè búp tươi. Cây chè là nguồn thu nhập chính của hơn 1.600 hộ dân, chiếm 98% số hộ trong xã. Xác định đây là cây trồng thế mạnh, những năm qua, xã Tân Linh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng năng suất, chất lượng chè. Trong đó, xã đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích đất xen kẹp, không canh tác được lúa và hoa màu sang trồng chè và chuyển đổi giống chè trung du già cỗi sang các giống mới. Đến nay, xã đã chuyển đổi được hơn 400 ha chè sang các giống LDP1, TRI777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Phúc Thọ 10, Keo Amtich… Ngoài ra, nhiều hộ dân trong xã đã áp dụng quy trình sản xuất chè sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện xã có 6 Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích trên 50ha.

Là một trong hai xóm được công nhận Làng nghề chè đầu tiên của xã và cũng là xóm có tỷ lệ chuyển đổi chè giống mới nhiều nhất, hiện xóm 10 có 97ha chè, toàn bộ đều là giống LDP1, TRI777, Keo Amtich… Trong đó, có 43ha đang cho thu hoạch, 44ha mới trồng, tuổi đời dưới 5 năm tuổi. Từ ngày chuyển sang giống mới, năng suất chè của xóm tăng lên đáng kể, trung bình đạt 115 tạ/ha, sản lượng hàng năm trên 200 tấn. Ông Phạm Ngọc Tân, Bí thư chi bộ xóm 10 cho biết: Cây chè là nguồn thu nhập chủ yếu của 106 hộ dân xóm 10 nên đa số người dân tâm huyết và gắn bó với nghề. Việc tiêu thụ chè ở đây không quá khó khăn. Chè làm đến đâu, tư thương vào tận nơi thu mua hết đến đấy. Song đây không phải là thị trường tiêu thụ lớn, ổn định mà người nông dân chúng tôi mong muốn. Còn về giá cả thì rất thấp và bấp bênh. Trung bình 1kg chè búp khô loại thường chúng tôi chỉ bán giá 100 nghìn đồng. Những loại chè ngon (chè đặc sản) giá bán cao hơn gấp 2 đến 3 lần, nhưng lượng chè này rất ít, chỉ có một vài hộ làm được. Trong thời điểm hiện nay, so với các chi phí và công sức bỏ ra thì nông dân chúng tôi thu về không đáng kể.

Cùng chung trăn trở về giá chè thấp, bà Bế Thị Tình, xóm 12 cho biết: Để làm ra 1 kg chè búp khô, người nông dân phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ chăm sóc, thu hái cho đến khâu chế biến và đóng gói sản phẩm. Chưa kể chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, đầu tư hệ thống tưới nước, máy sao vò chè. Ngoài ra, chúng tôi còn thuê nhân công hái chè vì lao động gia đình rất neo, mỗi công từ 150 đến 200 nghìn đồng/ngày. Như vậy, với giá bán 100 nghìn đồng, trừ các khoản chi phí kể trên, người làm chè chỉ lãi khoảng 50 nghìn đồng. Nếu gia đình nào làm thêm chè vụ đông thì giá bán cao hơn, gấp đôi chè mùa, từ 180 đến 200 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, chè đông không phải ai cũng làm được, vì nó đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc khắt khe. Dù lợi nhuận từ nghề trồng chè mang lại không quá cao, nhưng với mong muốn nối nghiệp truyền thống của gia đình và phát triển cây chè địa phương, bà Tình vẫn gắn bó với nghề này hơn 30 năm nay. Đến nay, nhà bà có trên 2 mẫu chè, một năm thu hái 7 - 8 lứa, mỗi lứa thu hoạch 3 tạ chè búp khô.

Nông dân xã Tân Linh thu hái chè

Là cây trồng chủ lực của kinh tế địa phương, nên vấn đề phát triển cây chè được chính quyền xã Tân Linh đặc biệt quan tâm. Các chương trình chuyển đổi cơ cấu giống chè, áp dụng quy trình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, mở lớp tập huấn chế biến chè chất lượng cao… đều được xã tích cực triển khai đến người dân. Nhưng thực tế cho thấy, qua hơn 50 năm phát triển, Tân Linh vẫn chưa xây dựng được thương hiệu chè của mình trên bản đồ các vùng chè đặc sản, nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, mà theo đồng chí Đinh Xuân Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã thì: Trước hết, do người dân địa phương vẫn sản xuất theo tập quán truyền thống, chạy theo số lượng, chưa đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng. Bởi vậy, dù đứng đầu toàn huyện về sản lượng nhưng chất lượng chè của Tân Linh chỉ nằm trong Top khá. Thứ hai, thị trường tiêu thụ chè nhỏ lẻ, không ổn định, chủ yếu là thương lái đến thu mua hoặc người dân mang ra chợ bán. Giá sản phẩm hầu hết do tư thương quyết định nên không ít trường hợp người dân phải bán với giá thấp, chịu thiệt thòi. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng thương hiệu chè Tân Linh. Khi giá chè thấp, người dân khó tập trung đầu tư sản xuất, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, từ đó càng khó xây dựng thương hiệu. Một khó khăn nữa là hiện nay lực lượng lao động cho ngành chè của xã khá khan hiếm. Sức hút của công nghiệp hóa đã thu hút hầu hết lao động trẻ của địa phương về các công ty, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhân lực làm chè chỉ còn lại lao động già. Để khắc phục những khó khăn này, xã đã triển khai nhiều giải pháp, như mở lớp tập huấn kiến thức chế biến chè chất lượng cao cho các hộ dân; đầu tư hệ thống tưới chè vụ đông cho 11ha chè của xóm 3 và xóm 11; quy hoạch 3 vùng chè tập trung theo các xóm: Vùng thứ nhất (gồm xóm 3,4,5,6), vùng thứ hai (gồm xóm 9,10) và vùng thứ ba (xóm 11). Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền và ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực vào cuộc với người dân tìm thị trường tiêu thụ ổn định, để người trồng chè Tân Linh yên tâm sản xuất, xây dựng thương hiệu.

Những trăn trở của người dân Tân Linh cũng là thực trạng chung của nhiều vùng trồng chè trong toàn tỉnh. Thiết nghĩ, trong giai đoạn hiện nay, để bắt kịp xu thế thời đại, chè Thái Nguyên cũng mang trong mình sứ mệnh “hội nhập và lan tỏa”, nếu không tìm ra hướng phát triển mới, nâng cao chất lượng thì khó đáp ứng được so với yêu cầu của thị trường. Đây cũng là bài toán đòi hỏi ngành nông nghiệp Thái Nguyên, các cấp chính quyền và bản thân người trồng chè cần tích cực hơn nữa để tìm ra lời giải đáp.

 

Nguồn: thainguyen.gov.vn

Tác giả: Kim Oanh - Trần Huyền