Truy cập nội dung luôn

Nâng cao hơn nữa giá trị cây trồng mũi nhọn

Những năm qua, huyện Đại Từ đã đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), nông hộ trên địa bàn hoàn thiện quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, từng bước hình thành quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị cho hơn 6.600ha chè. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa giá trị cây trồng chủ lực của địa phương.

Người dân xã Phục Linh thu hái chè an toàn

Thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ chè giai đoạn 2016-2020, Đại Từ đã huy động các nguồn vốn để đầu tư gần 47 tỷ đồng cho các hộ sản xuất chè. Trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ trực tiếp gần 20 tỷ đồng để hỗ trợ người dân trồng chè giống mới, trồng thay thế và xây dựng các mô hình sản xuất chè VietGAP, chè vụ đông; hỗ trợ công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân.

Từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện Đại Từ đã hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ gia đình, thành viên tổ hợp tác, HTX với tổng diện tích trên 700ha. Cũng trong giai đoạn 2016-2020, huyện đầu tư xây dựng trên 40km đường giao thông nông thôn kết hợp với đường vào các vùng sản xuất chè tập trung; xây dựng và nâng cấp 7 hồ chứa nước phục vụ sản xuất lúa, chè trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí xây dựng 19 cổng làng nghề chè truyền thống... 

Từ năm 2021 đến nay, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh và trồng thay thế chè, cải tạo diện tích chè già cỗi, xuống cấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Riêng năm 2021, huyện đã hỗ trợ nông dân sản xuất chè an toàn VietGAP được 152ha, nâng tổng diện tích chè VietGAP trên địa bàn lên gần 1.100ha (chiếm 16,4%, tổng diện tích chè toàn huyện). Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm chè, huyện tiếp tục triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ sản xuất chè hữu cơ, theo hướng hữu cơ tại một số xã: Phú Xuyên, La Bằng, Hoàng Nông, Tân Linh, Phục Linh...; hỗ trợ hệ thống tưới chè tiết kiệm, máy móc, thiết bị cho các hộ làm chè.

Bên cạnh việc hỗ trợ HTX, nông dân trong chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh sản xuất, huyện còn chú trọng đến công tác khuyến nông và đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực trong sản xuất, chế biến chè. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức gần 150 lớp tập huấn kỹ thuật, sản xuất chè an toàn cho gần 6.000 học viên. 

Để từng bước hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè, công tác hỗ trợ xây dựng, phát triển làng nghề, tổ hợp tác, HTX được huyện Đại Từ đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn huyện có 53 làng nghề, làng nghề chè truyền thống; 55 HTX nông nghiệp (đa phần là các HTX sản xuất, chế biến và kinh doanh chè). Các đơn vị được tạo điều kiện đăng ký mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ xây dựng website, giao dịch trên sàn thương mại điện tử…

Đến nay, toàn huyện Đại Từ có khoảng 40 doanh nghiệp, HTX đã mạnh dạn đầu tư công nghệ đóng gói tự động vào sản xuất và chế biến chè, sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc, như: Công ty CP chè Hà Thái, HTX chè La Bằng, HTX Ccè Nhật Thức...

Hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, minh bạch về nguồn gốc, huyện Đại Từ đang tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn xây dựng, quản lý các vùng trồng chè an toàn gắn với cấp mã số vùng trồng. Hiện, toàn huyện có 4 HTX với tổng diện tích trên 20ha tham gia xây dựng mã số vùng trồng, tại các xã: La Bằng, Phú Cường, Phú Xuyên, Phục Linh.

Anh Nguyễn Quang Minh, Giám đốc HTX chè sạch Quang Minh, ở xóm Văn Cường 2, xã Phú Cường, cho biết: Tham gia xây dựng mã số vùng trồng, HTX phải tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn, quy định từ cơ quan chuyên môn. Các công việc thường xuyên như: Bón phân, phun thuốc, thu hái… đều phải ghi chép cụ thể vào sổ sách. Tôi cho rằng, để sản phẩm chè "bước chân" được vào các thị trường khó tính, nâng cao hơn nữa giá trị thì đây là việc làm cần thiết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Hồ Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, thông tin: Thời gian tới, Đại Từ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân trong sản xuất, chế biến chè, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm chè. Riêng trong năm nay, huyện tiếp tục triển khai quy hoạch vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch ở xã La Bằng, Phú Xuyên và Hoàng Nông với tổng diện tích 140ha; phấn đấu gần 700ha chè được hỗ trợ chi phí chứng nhận VietGAP lần đầu; hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình chuyển giao sản xuất chế phẩm sinh hoạch phục vụ sản xuất chè an toàn trên địa bàn…


baothainguyen.vn