Truy cập nội dung luôn

Doanh nghiệp vẫn ngóng gói hỗ trợ lãi vay 2%

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang phải chịu áp lực do chi phí nhiên liệu đầu vào tăng cao, việc nhận được sớm gói hỗ trợ lãi suất 2% có ý nghĩa lớn.

Cộng đồng doanh nghiệp đang mong được tiếp cận sớm gói hỗ trợ này với những ưu đãi như tiết giảm điều kiện và được giải ngân sớm để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, sớm thoát khỏi khó khăn sau đại dịch. Ảnh: ABBank.

Gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay với tổng số tiền 40.000 tỷ đồng từ ngân sách để các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm 2% lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được áp dụng cho kỳ trả nợ lãi phát sinh từ ngày 20/5/2022 đến hết năm 2023.

Hỗ trợ này được kỳ vọng giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã (HTX) giảm chi phí vốn để khôi phục sản xuất nhanh hơn. Tuy nhiên, đại diện Hội Lương thực - Thực phẩm Thành phố (TP) Hồ Chí Minh, chia sẻ: Chương trình hỗ trợ 2% lãi suất hiện triển khai quá chậm.

Từ Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội cho đến Thông tư hướng dẫn tương ứng với khoảng thời gian gần 6 tháng là quá muộn. Trong khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp giai đoạn này rất lớn, nhiều doanh nghiệp đang rất mong chờ gói hỗ trợ này. 

Khi vay từ gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, lãi suất vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên là 5,5%/năm. Nhưng doanh nghiệp và HTX chỉ cần thiếu một trong những điều kiện về công nghệ sản xuất, chiến lược kinh doanh, báo cáo tài chính, có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhân công lao động… sẽ không được phê duyệt. Thực tế nhiều xã viên không đủ điều kiện để vay và phải lấy tài sản riêng thế chấp, vay với lãi suất thông thường từ 9 - 12%/năm.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất không hỗ trợ theo kiểu “đại trà” như trước mà chỉ tập trung vào 13 lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. “Các doanh nghiệp muốn được hỗ trợ vẫn phải đáp ứng điều kiện cơ bản về tín dụng của tổ chức tín dụng, không có nợ xấu và phải là doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Đây là một số lưu ý chính để các ngân hàng nhanh chóng thực hiện. Hiệu lực của gói hỗ trợ lãi suất bắt đầu từ đầu năm 2022. Do đó, đối với một số khoản vay đã ký hợp đồng tín dụng từ đầu năm, doanh nghiệp có thể được phép hồi tố, để truy soát lại. Nếu đúng đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp có thể làm việc với ngân hàng để được tính hỗ trợ lãi suất ngay từ đầu năm nay”, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho biết.

Chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu rằng: Có một số điểm hạn chế việc ngân hàng cho vay với gói hỗ trợ này. Hiện tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đã lên tới 8,16%, rất cao. Nhiều ngân hàng có thể đã sử dụng hết room tín dụng nên khó giải ngân. “Các ngân hàng vẫn giữ chuẩn mực là cho vay an toàn. Nên những đối tượng của chương trình thường là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, yếu kém thua lỗ, không có tài sản bảo đảm. Hồ sơ của những doanh nghiệp này không đủ điều kiện đều không thể cho vay được. Các tiêu chuẩn gói vay này còn khắt khe hơn trước, khi thời điểm này các ngân hàng đang siết tín dụng”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng: Gói cho vay này là gói cho vay từ ngân sách Nhà nước (NSNN) bù lãi 2% nên trong gói này nếu ngân hàng xét hồ sơ không đủ tiêu chuẩn mà vẫn cho vay, cuối cùng trở thành nợ mất vốn, nợ nhiều rủi ro thì họ phải chịu trách nhiệm.

TS Nguyễn Trí Hiếu đề nghị: Để công bằng, nên phân bổ cho tất cả các ngân hàng chứ không phải chỉ những ngân hàng lớn, mạnh hay ngân hàng chính sách được hưởng. Nên chia đồng đều cho các ngân hàng dựa theo dư nợ tín dụng của họ trên tổng dư nợ của hệ thống. “Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận cần phải có quy chế riêng cho gói này. Tức là những tiêu chí mà nội bộ các ngân hàng đưa ra cho vay phải được NHNN ban hành trên cơ sở những tiêu chí này để xét duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, yếu kém”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Dưới góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Mạnh Quân - Quyền Tổng Giám đốc ABBANK nhìn nhận: Ngân hàng đã rà soát kế hoạch tín dụng và đăng ký hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất là 572 tỷ đồng, tương đương với quy mô 28.600 tỷ đồng dư nợ cho vay bình quân trong vòng hai năm đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Dư nợ tín dụng tháng 5/2022 tại ABBANK là 84.011 tỷ đồng, tăng 6,8% so với thời điểm ngày 31/12/2021. Dự kiến đối tượng được hưởng chương trình ưu đãi lãi suất 2% chiếm khoảng 15% tổng dư nợ của ngân hàng.

Để triển khai nội dung của Nghị định 31 và Thông tư 03, ABBank sẽ ban hành các quy định cụ thể nhằm xác định đúng đối tượng áp dụng, hướng dẫn chi tiết việc phối hợp thực hiện giữa các đơn vị nội bộ nhằm triển khai hiệu quả nhất công tác hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và NHNN.

Nhằm kiểm soát sử dụng vốn đúng mục đích, ngân hàng sẽ xác nhận cụ thể từng khoản vay được hỗ trợ lãi suất đối với từng khách hàng, theo dõi và báo cáo định kỳ theo đúng quy định của Thông tư. Ngoài ra, ABBank cũng tăng cường công tác kiểm tra giám sát sau vay, đặc biệt với các khoản vay hỗ trợ lãi suất nhằm kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay đúng quy định…

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB cho biết: Ngân hàng này đã đăng ký 400 tỷ đồng để giải ngân trong 2 năm. Hiện OCB đang phổ biến, tập huấn về cho vay theo gói hỗ  trợ này. Còn đại diện Sacombank cho biết: Hiện ngân hàng đang triển khai việc thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất, nhưng phải xây dựng quy trình, quy chế để làm sao có thể hỗ trợ được doanh nghiệp kịp thời, mà phải công khai minh bạch, đúng đối tượng.

Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, bà Hà Thu Giang, những khoản vay bằng VND đã ký hợp đồng, giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến hết 31/12/2023 và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất khác từ ngân sách nhà nước, được giảm 2% lãi suất vay. Đến kỳ trả nợ lãi, ngân hàng sẽ giảm trừ trực tiếp số tiền vay được hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Hầu hết các NHTM đều khẳng định sẽ không yêu cầu thêm thủ tục với khách hàng mà làm đúng theo quy trình cấp tín dụng, gắn với đúng đối tượng được hưởng chính sách. Theo quy định, khách hàng có số dư nợ gốc, lãi quá hạn không được hỗ trợ 2% lãi suất, vì thế khách hàng cần xử lý số nợ quá hạn để được hưởng chính sách ở các kỳ trả nợ lãi tiếp theo. Còn với các khoản vay được gia hạn nợ, khách hàng vẫn được hỗ trợ trong thời gian gia hạn nợ.


baotintuc.vn