Truy cập nội dung luôn

THÁI NGUYÊN: Ưu tiên mời gọi đầu tư vào một số lĩnh vực

Thái Nguyên là một trong những tỉnh trung tâm vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, những lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao, có nhiều cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, bộ máy chính quyền năng động, thân thiện với người dân, doanh nghiệp, đây là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên.

I. LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP

1. Đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Khu công nghiệp: Thái Nguyên có 07 khu công nghiệp tập trung và 01 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện gần 2.600ha, trong đó đã có 05 khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng và có các nhà đầu tư.

Cụm công nghiệp: Thái Nguyên quy hoạch 35 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.335ha. Thái Nguyên mời gọi đầu tư hạ tầng của 04 cụm, với tổng diện tích quy hoạch là 126 ha.

2. Đầu tư sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Thái Nguyên mời gọi các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp phụ trợ như: công nghiệp điện, điện tử, phần mềm, công nghiệp cơ khí chế tạo chất lượng cao; công nghiệp phụ trợ ngành dệt may.

Địa điểm đầu tư: Trong các khu công nghiệp đã có hạ tầng kỹ thuật như: Khu công nghiệp Yên Bình; Khu công nghiệp Điềm Thụy; Khu công nghiệp Sông Công I, II và các cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang được rất nhiều các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu nghiên cứu đầu tư tại tỉnh: MDA E&C (Hàn Quốc); Capital United (Hoa Kỳ); Tân Hoàng Minh; T&T; Flamingo; Saigontel, FLC (Việt Nam)...

 II. LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP

 Đầu tư vào chế biến chè chất lượng cao cho xuất khẩu tại các vùng nguyên liệu chè tập trung:  Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, Định Hóa, thành phố Thái Nguyên là ưu tiên số 1 của tỉnh cùng với định hướng phát triển vùng chè gắn với chế biến, tiêu thụ và du lịch sinh thái vùng chè.

 Đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cung cấp cho công nhân các khu công nghiệp và xuất khẩu. Để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tỉnh đã dành quỹ đất với diện tích gần 1.700 ha có lợi thế về hạ tầng để mời gọi đầu tư.

 Thái Nguyên có diện tích đất rừng, với trên 110 nghìn ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 73.383 ha, rừng trồng hơn 40.000 ha, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất và chế biến.

III. LĨNH VỰC HẠ TẦNG DU LỊCH SINH THÁI VÀ NGHỈ DƯỠNG

1. Đầu tư hạ tầng khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc

 Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2228/QĐ-TTg ngày 18/11/2016:

Mục tiêu chung: Phấn đấu đến năm 2030 Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao gắn liền với thương hiệu văn hóa Trà và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Sản phẩm du lịch chính: Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao gắn liền với tài nguyên hồ (Sân golf, đi bộ, bơi lội, đua thuyền...), đảo trên hồ; du lịch cộng đồng gắn liền với văn hóa trà; du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên rừng vườn quốc gia Tam Đảo, hệ sinh thái hồ, hệ sinh thái chè.

2. Khu vực phía Đông vườn quốc gia Tam Đảo

 Trong vùng có các hồ nhân tạo thích hợp với loại hình đầu tư du lịch nghỉ dưỡng như: Hồ Suối Lạnh, hồ Nước Hai thuộc xã Thành Công, thị xã Phổ Yên có thể phát triển dự án thành khu du lịch tổng hợp, bao gồm công viên giải trí, công viên nước, bãi tắm, vườn hoa, nhà nghỉ, khu văn hóa ẩm thực, khu du lịch sinh thái.

Để kết nối liên thông Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc với Khu du lịch vườn quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) có thể đầu tư hình thành tuyến du lịch sinh thái xuyên vườn quốc gia Tam Đảo.

 IV.  LĨNH VỰC PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

1. Khu đô thị phía Tây thành phố Thái Nguyên

Khu đô thị phía tây thành phố Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch 1/2000, với tổng diện tích 1.500 ha, đây là đô thị động lực nối liền thành phố Thái Nguyên với Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc.

Khu đô thị được phân thành 9 khu chức năng:

- Khu trung tâm  

- Khu đường trục chính

- Khu công viên trung tâm

- Khu vòng ngoài công viên

- Khu nghỉ dưỡng   

- Khu nhà ở 

- Công trình y tế…

2. Tổ hợp Khu công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình

Đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt quy hoạch 1/2000,  với tổng điện tích 8.009 ha, nằm trên địa bàn huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên.

Quy hoạch Tổ hợp Khu công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình được phân thành 5 khu chức năng chính:

- Khu công nghiệp xanh Yên Bình với diện tích phát triển khu công nghiệp khoảng 700 ha (trong đó 400 ha KCN Yên Bình được Thủ tướng cấp phép).

- Khu Đô thị thông minh Yên Bình: Có diện tích 970 ha. 

- Khu nông nghiệp kỹ thuật cao có diện tích 750 ha, trong đó tập trung là Khu nông nghiệp kỹ thuật cao Agropark 300 ha.

- Các Khu đô thị có diện tích 550 ha, trong đó Quần thể Khu du lịch sinh thái và thể thao Golf gồm các Dự án: Sân Golf, Trung tâm dịch vụ thể thao Golf, khu du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị sinh thái.

- Khu bảo tồn văn hóa làng xã.

3. Khu công nghệ thông tin tập trung

Diện tích dự kiến: 200ha.

Tổng mức đầu tư dự kiến: Trên 2.900 tỷ đồng

Địa điểm: Xã Tiên Phong, Thị xã Phổ Yên; Xã Nga My, huyện Phú Bình.

Mời gọi đầu tư: Các nhà đầu tư thứ cấp công nghệ thông tin, công nghệ cao.

4. Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phú Bình

Diện tích: 675ha

Địa điểm: Thị trấn Hương Sơn; xã Tân Hòa, xã Lương Phú, huyện Phú Bình.

Mời gọi đầu tư: Các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư phát triển công nghệ cao và các dịch vụ tiện ích trong khu công nghiệp.

Phòng BT-TS
thainguyen.gov.vn