Lịch sử tỉnh Thái Nguyên phải khơi dậy lòng tự hào và khát vọng cống hiến trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân
2024-11-22 15:50:00.0
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Đề tài; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư các huyện ủy, thành ủy, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài tỉnh.
Tiến sĩ Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên và PGS. TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo
Báo cáo đề dẫn và khai mạc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Với vị trí quan trọng và truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, tỉnh Thái Nguyên đã sớm thu hút sự quan tâm nghiên cứu của giới sử học, ngay từ thời quân chủ, trải qua thời kỳ thuộc địa, nhất là từ sau năm 1945 đến nay. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu đã công bố chưa có tính hệ thống, chuyên sâu về lịch sử tỉnh Thái Nguyên. Việc nghiên cứu, biên soạn Lịch sử tỉnh Thái Nguyên là một việc cần thiết, nhằm phục dựng lại quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Thái Nguyên từ khởi nguồn đến nay trên tất cả các phương diện; trên cơ sở đó, đánh giá vị trí, vai trò và những đóng góp, cống hiến của Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với lịch sử dân tộc; đồng thời, khẳng định những thành tựu về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh Thái Nguyên đạt được qua các thời kỳ.
Các nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử tham gia ý kiến vào dự thảo bản thảo Lịch sử tỉnh Thái Nguyên tập 1(Từ khởi nguồn đến năm 1945)
Triển khai thực hiện nhiệm vụ chủ trì Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu, biên soạn Lịch sử tỉnh Thái Nguyên”, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phân công các cán bộ có trình độ chuyên môn sâu phối hợp với một số nhà khoa học tiêu biểu trong giới sử học của các cơ quan nghiên cứu đầu ngành như: Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên để tiến hành nghiên cứu, biên soạn.Trên cơ sở Đề cương sách (gồm 2 tập) đã được chính thức thông qua tại Hội thảo khoa học góp ý đề cương chi tiết Lịch sử tỉnh Thái Nguyên (Từ khởi nguồn đến năm 2025), tổ chức ngày 22/3/2024 và đã được cơ quan chủ quản là Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên phê duyệt; sau 6 tháng khẩn trương, nghiêm túc triển khai, Ban Chủ nhiệm Đề tài và các thành viên tham gia đã hoàn thành bản thảo Lịch sử tỉnh Thái Nguyên (lần 1). Để công trình đảm bảo chất lượng nhất, Ban Chủ nhiệm Đề tài tổ chức các hội thảo góp ý theo từng tập.
Nhiều nội dung được các nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử góp ý chi tiết
Tại Hội thảo, các nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử đã tập trung phân tích, cho ý kiến vào các nội dung như: Cần làm rõ nét đặc trưng trong di sản văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số tại Thái Nguyên; tài liệu về thiết chế xã hội văn hóa của các dân tộc trên địa bàn; độ dài các chương; tính chính xác trong tên gọi địa danh theo từng thời kỳ; mốc thời gian của sự kiện lịch sử; bổ sung đơn vị hành chính cụ thể ở một số thời kỳ; xác định đối tượng độc giả. Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến chính tả, ngữ nghĩa, cách thức hành văn… cũng được các nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử góp ý chi tiết.
Tiến sĩ Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn: Lịch sử tỉnh Thái Nguyên phải khơi dậy lòng tự hào và khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cảm ơn những ý kiến đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử tham gia Hội thảo. Đồng chí đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản gửi tới Ban Biên soạn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Lịch sử tỉnh Thái Nguyên phải khơi dậy lòng tự hào và khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời đề nghị Ban Biên soạn bổ sung thêm các lĩnh vực lịch sử khác mang tính đặc thù, đặc trưng, riêng có của tỉnh Thái Nguyên như lịch sử hình thành phát triển của cây chè, sản phẩm trà và nghề làm chè ở Thái Nguyên; sớm hoàn thành bản thảo tập 2 để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu góp ý và xin ý kiến đông đảo, rộng rãi tới Nhân dân. Ban Biên soạn, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tại Hội thảo và phản hồi kịp thời, trách nhiệm, đầy đủ để thống nhất về nhận thức. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: Việc góp ý vào bản thảo Lịch sử tỉnh Thái Nguyên là trách nhiệm của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đây là công trình quan trọng có ý nghĩa đặc biệt để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Bản thảo tập 1 có tiêu đề “Lịch sử Thái Nguyên từ khởi nguồn đến năm 1945”, gồm 7 chương: Thái Nguyên - vùng đất và con người; Thái Nguyên thời tiền sử, sơ sử và nhà nước Văn Lang - Âu Lạc; Thái Nguyên trong thời Bắc thuộc và đấu tranh chống Bắc thuộc (179TCN-938); Thái Nguyên từ năm 938 đến năm 1427; Thái Nguyên từ thời Lê Sơ đến Tây Sơn (1428 - 1802); Thái Nguyên từ thời Nguyễn đến trước khi thực dân Pháp đô hộ (1802-1884); Thái Nguyên thời Pháp thuộc (1884 - 1945). |
thainguyen.gov.vn