Truy cập nội dung luôn

Khai thác nguồn lực, tiềm năng để phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Sáng ngày 12/10, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị làm việc với Ban Dân tộc tỉnh về kết quả thực hiện công tác dân tộc 9 tháng năm 2021.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 51 dân tộc anh em cùng sinh sống với trên 384 nghìn người dân tộc thiểu số, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho tỉnh triển khai kịp thời, hiệu quả hơn 100 chính sách của trung ương cùng nhiều chương trình, đề án, dự án chuyên đề về công tác dân tộc do tỉnh ban hành và đạt nhiều kết quả nổi bật như: Giảm 34 xã đặc biệt khó khăn, tương ứng 70%; là tỉnh đứng thứ nhất toàn quốc về số xã, xóm đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm bình quân 3%/năm, đứng thứ 2 trong 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp (sau tỉnh Quảng Ninh); toàn tỉnh có 65/100 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, gấp 3 lần bình quân chung toàn quốc đối với khu vực dân tộc thiểu số và miền núi; xóa 76/76 xóm, bản thiếu điện, trắng điện lưới quốc gia; xây mới toàn bộ 33/33 phòng học tạm ở các xã đặc biệt khó khăn; 90% trạm y tế thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bác sĩ, trên 8% học sinh người dân tộc thiểu số được học tại các trường dân tộc nội trú của địa phương...

Trong 9 tháng 2021, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu cho UBND tỉnh tổng hợp nhu cầu vốn và cam kết giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, 2022 với số vốn cam kết giải ngân trên 335 tỷ đồng; phối hợp với Trường Đại học Nông lâm và các huyện miền núi, vùng cao xây dựng và đề xuất với Ủy ban Dân tộc 06 mô hình sinh kế bền vững sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản, tổng nguồn vốn dự kiến trên 10 tỷ đồng; rà soát, xác định các xã, xóm thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt danh sách 84 xã khu vực I, 12 xã khu vực II và 14 xã khu vực III. Bên cạnh đó, rà soát, công nhận 833 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cấp phát trên 16 nghìn ấn phẩm báo, tạp chí cho đồng bào; tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến các quy định liên quan đến công tác bầu cử, bình đẳng giới cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

Kết luận Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải biểu dương, ghi nhận những kết quả Ban Dân tộc tỉnh đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối công tác dân tộc được nêu trong các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của trung ương và của tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; tham mưu triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, trong đó ưu tiên cho những vùng đặc biệt khó khăn, tránh việc đầu tư chồng chéo. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phối hợp với các ngành đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với tập quán của từng dân tộc. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Ban Dân tộc tỉnh cần đẩy mạnh đăng ký thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học liên quan đến vấn đề dân tộc; nghiên cứu đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giao thông tại một số xóm đặc biệt khó khăn trên địa bàn...

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn