Truy cập nội dung luôn

Chuẩn bị cho một năm học đặc biệt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả

Một năm học mới lại bắt đầu. Đây là thời điểm mỗi giáo viên, học sinh, sinh viên háo hức, các phụ huynh mong chờ ngày tựu trường sau kỳ nghỉ hè. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm học mới và những năm học tới còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới, phức tạp mà ngành Giáo dục phải hết sức nỗ lực để vượt qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục và Đào tạo

“Dịch bệnh gần như đã làm đảo lộn tất cả các hoạt động của xã hội. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ những vất vả, khó khăn của cả ngành Giáo dục, của hơn 24 triệu học sinh, sinh viên, hàng triệu nhà giáo, hàng chục triệu phụ huynh học sinh”. Chính vì vậy, bên cạnh việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển sự nghiệp giáo dục, cần có những giải pháp trước mắt, kịp thời cho năm học mới với sự cố gắng cao nhất, quan tâm sâu sắc nhất đến tất cả các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên trong thời khắc khó khăn này.

Ngành Giáo dục đã từng bước và quyết liệt thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”; “lấy nhà trường làm nền tảng”, “lấy thầy giáo làm động lực”.

Cả thế giới và Việt Nam đang gồng mình để chống chọi với đại dịch Covid-19. Mùa tựu trường năm nay sẽ thật đặc biệt. Lễ khai giảng sẽ được thực hiện trực tuyến tại điểm cầu trung tâm là các trường học, lớp học và kết nối với các điểm cầu khác chính là gia đình các em; tuy vậy, vẫn còn ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh phía Nam, năm học mới chỉ có thể bắt đầu khi dịch bệnh được kiểm soát, đầy lùi. Ngày tựu trường năm học 2021 - 2022 này sẽ đi vào lịch sử của ngành Giáo dục, các em học sinh không được trực tiếp đến trường gặp các thầy, cô và các bạn ở sân trường hay trên lớp; nhưng không vì thế mà việc học tập bị gián đoạn.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục xây dựng nhiều phương án, kịch bản để tổ chức khai giảng và dạy học trong năm học này một cách chủ động và linh hoạt trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên: Đến nay, các trường học, cấp học đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết và có các phương án để khai giảng năm học mới và thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022

Thực hiện Chỉ thị số 800 ngày 24/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như chỉ đạo của tỉnh, ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên đã sẵn sàng cho một mùa khai giảng năm học mới 2021 - 2022, các phương án tổ chức khai giảng đã được chuẩn bị kỹ càng; cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên cũng đã được quan tâm đầu tư, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 để nâng cao chất lượng giáo dục. Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên cho biết: Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường; để chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch, bám sát chỉ đạo của tỉnh và ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể về các phương án khai giảng, học tập linh hoạt của từng trường, phù hợp với tình hình dịch bệnh, cụ thể là: Học luân phiên, giảm số lượng học sinh trên lớp; học trực tuyến không đến lớp, tinh thần chung là: Tranh thủ tối đa thời gian an toàn để học sinh được học trực tiếp. Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đã đáp ứng tối thiểu đối với cấp học lớp 2 và lớp 6 đưa vào thực hiện trong năm học này, tiếp theo sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 theo Đề án đã được HĐND tỉnh khóa XIV thông qua, để chuẩn hóa theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chuẩn bị điều kiện cần thiết, các phương án để tổ chức khai giảng năm học mới phù hợp, theo chỉ đạo của tỉnh. Về sách giáo khoa, đã được cung cấp đầy đủ đến các nhà trường. Về đội ngũ giáo viên, ngành đã thực hiện nghiêm việc rà soát điểm trường, tinh gọn bộ máy, sử dụng có hiệu quả đội ngũ hiện có, tuy nhiên, hiện nay còn thiếu ở một số địa phương, nhà trường do quy mô dân số tăng, số lượng học sinh tăng khoảng 6.000 mỗi năm; ngành Giáo dục cần tiếp tục rà soát để phân bổ chỉ tiêu biên chế phù hợp với nhu cầu của các tỉnh. Ông Phạm Việt Đức khẳng định: Đến nay, các trường học, cấp học đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết và có các phương án để khai giảng năm học mới và thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Trong suốt thời gian qua, cùng với cả nước, toàn ngành Giáo dục đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid-19; triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu “đảm bảo sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên lên trên hết” đồng thời thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 của ngành Giáo dục, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh biểu dương những kết quả mà ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt được trong năm học 2020 - 2021. Về nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành Giáo dục cần thực hiện tốt việc triển khai Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT của Bộ GDĐT ngày 24/8/2021 và chỉ đạo của tỉnh về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2021 - 2022, ứng phó với đại dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo; chủ động xây dựng các phương án cho năm học mới, thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm trường học an toàn, có phương án tổ chức khai giảng phù hợp khi học sinh tựu trường; linh hoạt, chủ động xây dựng các kịch bản triển khai năm học phù hợp với thực tiễn địa phương để kịp thời ứng phó với các tình huống diễn biến khó lường, bất thường của thiên tai, dịch bệnh nhằm hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ năm học đề ra. Rà soát mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; quyết tâm thực hiện chuẩn hóa trong giáo dục; đổi mới công tác quản lý giáo dục; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, chuyển đổi số trong giáo dục, tăng cường dạy - học trực tuyến; tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng các kỳ thi tốt nghiệp THPT và bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp. Tiếp tục triển khai thực hiện mạnh mẽ kế hoạch chuyển đổi xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn giáo viên đối với các cấp học; không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, kịp thời vinh danh những cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà…

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên dự, chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 tại điểm cầu UBND tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Thanh Tâm)

Năm học 2011 - 2022 là năm học đầu tiên thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ngành giáo dục cần tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục căn bản ở tất cả các cấp học, tạo động lực mới, đột phá cho sự phát triển, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, vận hành cơ chế tự chủ đại học, mở rộng hợp tác quốc tế... để thu hút kiến thức, nguồn lực, công nghệ đào tạo, quản lý từ nước ngoài. Hướng tới nền giáo dục có chất lượng, uy tín trong khu vực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập và các khâu đột phá chiến lược.

Thái Nguyên là tỉnh có nhiều trường đại học, cao đẳng và dạy nghề; trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ công nghiệp đã tạo nên sự bứt phá về kinh tế - xã hội và tăng dân số cơ học, số lượng học sinh đều tăng ở hầu hết các cấp học, ngành học, nhất là khối mầm non, tiểu học. Để đáp ứng nhu cầu về phòng học, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-HĐND thông qua Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, sẽ là cơ sở pháp lý để sớm khắc phục tình trạng thiếu về phòng học, phòng bộ môn và các trang thiết bị học tập tối thiểu của từng cấp học; từng bước đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 để nâng cao chất lượng giáo dục. Đó cũng là là nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX về Giáo dục đào tạo và Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 23/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 và góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển giáo dục.

Đức Năm
thainguyen.gov.vn