30 thí sinh vòng Chung kết Người đẹp xứ Trà tham gia trải nghiệm tại huyện Phú Lương và hồ Núi Cốc
13-10-2017 14:01
|
|
Các thí sinh tham gia hoạt động trải nghiệm với các hộ gia đình làm chè tại đồi chè xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương Xã Tức Tranh, huyện Phú Lương có diện tích trên 1.400ha chè, xã có nhiều mô hình kinh tế sản xuất chè hiệu quả, 100% người dân sinh sống bằng nghề trồng chè. Đây là một trong những vùng chè nổi tiếng của huyện Phú Lương. Tại đây, các người đẹp đã tham gia trải nghiệm cùng với các hộ gia đình làm chè, từ khâu hái, sao và vò chè; được người dân chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hái, các yếu tố tạo nên vị ngon đặc biệt của chè Tức Tranh, như: Giống chè, phương pháp chăm bón theo quy trình VietGap, thời điểm thu hái và kỹ thuật chế biến như thế nào để có các sản phẩm chè thơm ngon độc đáo. Tiếp đó, các thí sinh giao lưu với đội múa Tắc Xình của xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh. Múa Tắc xình là một nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc đã được cộng đồng dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đây là điệu dân vũ dân gian độc đáo được đồng bào dân tộc Sán Chay sử dụng trong các dịp lễ hội, đặc biệt là lễ hội Cầu Mùa. Với các đạo cụ đơn giản chỉ là những ống tre, vầu, nứa, người dân đã tạo nên âm nhạc cho điệu múa với giai điệu rất vui nhộn và ai cũng có thể tham gia, vũ điệu thể hiện ước vọng hòa bình, thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau. Các thí sinh đã được đội múa Tắc Xình hướng dẫn nhảy theo các giai điệu của điệu múa, giải thích những động tác múa như điệu đánh mài dao, phát nương, dọn rẫy, tra mố, hái lượm; được nghe điệu hát Sấng Cọ và thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc Sán Chí tại Nhà sàn văn hóa xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh. Các thí sinh tham quan và vệ sinh cảnh quan ngôi nhà cổ 200 năm tuổi tại đảo Núi Cái, khu du lịch Hồ Núi cốc Trong buổi chiều, các thí sinh đã có hoạt động trải nghiệm và thăm quan khu du lịch hồ Núi Cốc. Trên du thuyền ra đảo Núi Cái (hòn đảo lớn nhất trên hồ Núi Cốc), các thí sinh được hướng dẫn viên khu du lịch giới thiệu về quá trình đắp đập ngăn dòng sông Công thành hồ Núi Cốc như ngày nay; nghe câu truyện tình huyền thoại về chàng Cốc, nàng Công... Thông qua hoạt động trải nghiệm đã giúp các thí sinh có thời gian gắn bó, giao lưu cùng nhau và cùng nhau tiếp thu thêm kiến thức về đất và con người Thái Nguyên, về văn hóa trà Việt cũng như vùng đất chè gắn với du lịch của tỉnh Thái Nguyên. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu Trà Thái Nguyên trên thị trường trong nước và Quốc tế. Nguồn: Thainguyen.gov.vn |