Truy cập nội dung luôn

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sáng ngày 07/9, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng Đoàn đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Dương Xuân Hùng, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban Xây dựng đảng Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành liên quan.

 

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là điểm đột phá

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng qua, tổng diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh đạt 68.874 ha, đạt 102,2% kế hoạch; diện tích gieo trồng rau các loại 1.330 ha, đạt 100,9% kế hoạch; diện tích chè trồng mới và trồng lại 430 ha (nâng tổng diện tích chè giống mới đạt 18.735 ha, chiếm 83% tổng diện tích chè), dự ước sản lượng chè thu hoạch 8 tháng đạt trên 175 nghìn tấn, đạt trên 70% kế hoạch; trồng mới trên 170 ha cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 93,3 nghìn tấn, bằng 63,9% kế hoạch. Diện tích rừng trồng mới tập trung toàn tỉnh 4.000 ha, đạt 100% kế hoạch, trong đó rừng sản xuất gỗ lớn trên 600 ha, quế 340 ha; sản lượng khai thác 8 tháng đạt 194.399 m3 gỗ rừng trồng các loại. Có 76 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao (23 sản phẩm 3 sao, 51 sản phẩm 4 sao, đặc biệt có 2 sản phẩm/tổng số 20 sản phẩm của toàn quốc xếp hạng đạt 5 sao)… Đến nay, toàn tỉnh có 102 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 02 xã đạt NTM nâng cao, 56 xóm đạt xóm NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,6 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch 3 loại rừng hiện nay còn bất cập, một số vướng mắc trong quy hoạch chưa được giải quyết dứt điểm; các mô hình nông nghiệp ứng dụng cao còn nhỏ lẻ; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận làm rõ những kết quả đã đạt được, đồng thời đề xuất một số nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành trong thời gian tới như: Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quy hoạch ngành để tích hợp vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch quốc gia; đánh giá thêm về mô hình cánh đồng mẫu lớn; rà soát các vùng quy hoạch sản xuất tập trung, gắn sản xuất nông nghiệp với khâu chế biến, tiêu thụ một cách đồng bộ; phát triển sản phẩm nông nghiệp an toàn hướng tới tiêu thụ nội tỉnh; đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với Đại học Thái Nguyên để có các mô hình, sản phẩm ứng dụng nuôi trồng, chế biến các sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả trên địa bàn tỉnh; công tác xây dựng nông thôn mới cần có quy hoạch chung phù hợp với từng địa phương…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành Nông nghiệp đã có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân. Đồng thời nhấn mạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xác định ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là điểm đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp; chuyển đổi số theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu các giải pháp để đưa ngành Nông nghiệp ngày càng phát triển, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân địa phương để tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm; quan tâm đến sản xuất, chế biến và bảo vệ thương hiệu chè Thái Nguyên… Về những nội dung đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Nguyễn Thanh Hải ghi nhận, giao UBND tỉnh và các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu./.

Xuân Huy
thainguyen.gov.vn