Truy cập nội dung luôn

Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư

Ban chỉ đạo PCI tỉnh họp đưa ra những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh

 

Việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi thành phần kinh tế là chủ trương lâu dài của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời hoàn thiện cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), các quy trình, quy định pháp luật, điều kiện kinh doanh, thì các doanh nghiệp ở hầu hết mọi lĩnh vực và quy mô hoạt động đều được tạo thuận lợi về chính sách hỗ trợ về đầu tư, sản xuất sản phẩm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương.

Có thể nói doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng đối với nền kinh tế - xã hội, doanh nghiệp là lực lượng chính trong việc đóng góp GDP hàng năm của địa phương, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Những năm gần đây tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, điều này được thể hiện cụ thể qua chỉ số PCI. Từ vị trí số 25 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013, Thái Nguyên đã nâng hạng đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng PCI năm 2015 và 2016. Với mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh có chỉ số PCI nằm trong Top đầu cả nước, Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần, đặc biệt là các chỉ số giảm điểm để nâng tổng điểm tuyệt đối, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và hiệu quả cho nhà đầu tư.

Cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính  thuế, hải quan, bảo hiểm, cấp phép xây dựng, đất đai, thủ tục đầu tư và triển khai chương trình hành động đến các cấp xã, phường để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn một vài chỉ số thành phần giảm và thấp hơn so với thứ hạng chung như: Chỉ số về hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí thời gian, tính minh bạch. Để khắc phục những tồn tại hạn chế về các chỉ số thấp điểm trong đó có chỉ số về hỗ trợ DN, Thường trực Tỉnh ủy đã có cuộc làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; UBND tỉnh đã làm việc với đại diện các DN, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị để nắm bắt thông tin liên quan và trực tiếp giải đáp thắc mắc của DN, chỉ đạo các địa phương tổ chức hội nghị gặp mặt đối thoại với doanh DN, doanh nhân trên địa bàn, tổ chức các hoạt động tuyên truyền thu hút đầu tư trên các phương tiện thông tin, truyền thông, thực hiện chuyên mục “3 đồng hành, 5 hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân” trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, chuyên mục Thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, công bố các chính sách hỗ trợ của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.

Huyện Phú Lương đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn

 

Gặp gỡ, trao đổi được cho là giải pháp hữu ích nhất để chính quyền hiểu hơn về hoạt động của DN, từ đó có sự chia sẻ, hỗ trợ DN khi cần thiết, cũng là cơ sở để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho phù hợp. Tại các buổi đối thoại, các DN đã đánh giá cao việc cụ thể hóa bằng các chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, tín dụng của tỉnh như: Áp dụng giá thuê đất ở mức thấp nhất theo khung quy định đối với nhà đầu tư trong nước, hỗ trợ 100% tiền thuê đất từ 4-6 năm và 50% cho 4-6 năm tiếp theo; áp dụng hỗ trợ giá thuê đất giảm 50% so với mức giá trong khung hỗ trợ chung của Chính phủ với nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản... đối với các dự án đầu tư mới theo cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư ở một số lĩnh vực. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ trên của tỉnh, các DN còn có chung một ý kiến đề nghị các cấp, chính quyền cần tăng cường hơn nữa trong việc CCHC, chú trọng hơn trong công tác quản lý quy hoạch, tránh hiện tượng xây dựng trái phép đón bồi thường các dự án; đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải phóng mặt bằng tại các dự án trọng điểm; chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện ưu tiên sử dụng các vật liệu, sản phẩm của các DN trên địa bàn sản xuất ra góp phần tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho DN. 

Có thể nói sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, đã tạo điều kiện cho các DN tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Chính phủ, cũng như của tỉnh một cách nhanh nhất để vận dụng, phát huy thế mạnh của các DN vào từng lĩnh vực kinh doanh. Với việc tổ chức đối thoại, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của DN, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp cho cộng đồng DN, doanh nhân ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, đủ sức đồng hành cùng đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế, xứng đáng là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Việt Bắc.

 


Nguồn: thainguyen.gov.vn
Tác giả: Đức Cường