Truy cập nội dung luôn

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức cách mạng

Khi nhắc, nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mỗi người dân Việt Nam đều nghĩ về hình tượng một chiến sỹ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị tướng thiên tài quân sự, anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Không chỉ có vậy, ở Người còn toát lên một nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức cách mạng, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, Quân đội và bạn bè quốc tế.

 

Ngày 6/12/1953, tại Lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Chính trị đã họp và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu)

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đại tướng đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Nhân dân ta, Quân đội ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác bằng những chiến công hiển hách đi vào lịch sử dân tộc và nhân loại. Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, đó là: “Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung” luôn được Đại tướng thực hiện đầy đủ và trọn vẹn. Tình thương yêu con người của Đại tướng được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước.

Trong suốt sự nghiệp tham gia cách mạng, Đại tướng luôn ghi nhớ, noi gương và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Làm cách mạng là phải "Dĩ công vi thượng" (tức là phải đặt lợi ích chung lên trên hết), "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng"…coi đó làm phương châm sống và phấn đấu trong suốt cuộc đời. Đại tướng luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng Nhân dân, liên hệ và gắn bó mật thiết với Nhân dân; phấn đấu không ngừng vì mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đem hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành tốt mọi công việc của Đảng, Nhân dân và Quân đội giao phó.

Đại tướng được Nhân dân ta hết lòng kính trọng, suy tôn là "Vị tướng của Nhân dân". Tại Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: “Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam” vừa được Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ và Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức. Phát biểu tại Hội thảo, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã lần nữa khẳng định: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, với tầm cao trí tuệ và tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đại tướng được toàn quân, toàn dân tin yêu, mến phục, suy tôn là “Anh cả của Quân đội”, “Đại tướng của Nhân dân”, “Tư lệnh của các tư lệnh”, “Chính ủy của các chính ủy”, “Tướng của các tướng”, được quốc tế đánh giá là “Vị tướng của phong trào giải phóng dân tộc”.

Di tích nơi ở làm và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên tự hào là cái nôi của cách mạng, thủ đô kháng chiến của cả nước. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lựa chọn Thái Nguyên là trung tâm căn cứ địa cách mạng. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ đã được đồng bào các dân tộc che chở, đùm bọc để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi toàn diện. Trong suốt chiều dài lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành những tình cảm đặc biệt đối với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Mong nguyện và điều căn dặn của Người là "làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc". Thể hiện lòng biết ơn và tri ân với Đại Tướng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn khắc ghi tình cảm, công lao to lớn của Người, nguyện luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua lao động sản xuất để phát triển tỉnh Thái Nguyên toàn diện, sớm hiện thực hóa mong nguyện của Người.

Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên (Ảnh: Mạnh Hùng)

Đảng bộ, chính và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã dành quỹ đất trang trọng nhất tại trung tâm thành phố Thái Nguyên để xây dựng và mở rộng Quảng trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quảng trường có điểm nhấn là 2 bức phù điêu với chủ đề: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên”. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử, nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cũng là niềm tự hào và tình cảm sâu đậm của người dân Thái Nguyên đối với Đại tướng. Cùng với đó, công tác hương hỏa tại nơi ở và làm việc của Đại tướng tại ATK Định Hóa; phần mộ của Đại tướng tại tỉnh Quảng Bình luôn được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên chăm chút, thành kính.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Thái Nguyên đã và đang từng ngày đổi mới, cùng Nhân dân cả nước xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, từng bước thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến hết năm 2020, các chỉ tiêu tăng trưởng của tỉnh đã trở thành điểm sáng của bức tranh kinh tế - xã hội của cả nước. Cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 783,6 nghìn tỷ đồng, đứng thứ nhất khu vực Trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ tư cả nước; giá trị xuất khẩu đạt 24,5 tỷ USD, đứng thứ tư cả nước; thu ngân sách năm 2020 đạt 15.623 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2019, ở nhóm 20 tỉnh có quy mô thu ngân sách đứng đầu cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,48%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 51 triệu đồng/người năm 2015 lên 88,7 triệu đồng/người năm 2020.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thái Nguyên vẫn đang duy trì thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong 6 tháng năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,5%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung cả nước; đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm… Với quyết tâm tiếp tục đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”.

Có thể khẳng định, truyền thống lịch sử hào hùng, cùng sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho Thái Nguyên luôn là nguồn cổ vũ, động lực to lớn để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên vượt qua khó khăn thử thách, năng động, sáng tạo, đổi mới, thi đua hoàn thành mọi kế hoạch và mục tiêu đề ra.

Tân Xuân
thainguyen.gov.vn