Truy cập nội dung luôn

Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020

Năm 2019 đã kết thúc, chào đón năm 2020, chúng ta kiểm lại những việc đã thực hiện năm 2019 và giai đoạn của 4 năm trước, với những khát vọng lớn lao cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội được đặt ra cho cả nhiệm kỳ vào năm 2020.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc đến thăm vùng sản xuất chè hữu cơ của Hợp tác xã chè La Bằng, Đại Từ

Với sự đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, năm 2019, Thái Nguyên đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, hoàn thành nhiệm vụ chính trị đề ra. Kết thúc năm 2019, Thái Nguyên đạt được nhiều thành tựu tích cực về mọi mặt, 19/19 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đều đạt và vượt chỉ tiêu. Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, một số lĩnh vực có sự phát triển bứt phá. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2019 ước tính tăng 9% so với năm 2018, đạt kế hoạch đề ra; tính chung giai đoạn 2015-2020 dự ước đạt mức tăng trưởng bình quân trên 11%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra (mục tiêu từ 10% trở lên). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa. Cơ cấu kinh tế năm 2019 khu vực công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 58%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 10,3%; khu vực dịch vụ là 31,7%. Dự ước năm 2020, cơ cấu kinh tế theo các khu vực công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; nông lâm nghiệp, thủy sản lần lượt là 59%; 31% và 10%. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2019 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 743,8 nghìn tỷ đồng; đạt kế hoạch đề ra. Dự ước giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2015-2020 tăng 16,3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh đề ra (mục tiêu là 15%). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cả năm 2019 đạt 13,54 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, đạt kế hoạch đề ra. Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân 4,5%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Nổi bật là giá trị xuất khẩu tăng cao, năm 2019, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 27,6 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Dự ước giai đoạn 2015-2020, giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 13,1%/năm, vượt xa so với mục tiêu và về trước mục tiêu Nghị quyết 2 năm (mục tiêu tăng 9%/năm). Thu ngân sách nhà nước năm 2019 đạt trên 15.000 tỷ đồng, vượt so với dự toán năm. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người năm 2019 đạt 83,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung cả nước; dự ước năm 2020 đạt 90 triệu đồng/người/năm, vượt 4 triệu đồng/người/năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra (mục tiêu đến năm 2020 đạt 86 triệu đồng).

Về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2019, có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 101 xã (bằng 70,6%), hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra (mục tiêu là 70%); dự ước đến hết năm 2020 có 103 xã, bằng 72% số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, về trước một năm so với mục tiêu Nghị quyết. Trong lĩnh vực y tế, đến nay, toàn tỉnh có 170/180 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 96,1%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Về giáo dục đào tạo, có 560/680 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 82,35%, vượt 2,35% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Cùng với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, các chính sách xã hội cũng được triển khai đồng bộ, kịp thời đạt hiệu quả thiết thực, nhất là chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2019 còn 4,38%, giảm 2,01% so với năm 2018, vượt chỉ tiêu kế hoạch; toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho 21,5 nghìn người, bằng 143,3% kế hoạch. Dự ước cả giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,05%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết; hằng năm tạo việc làm tăng thêm cho trên 20 nghìn lao động, vượt mục tiêu Nghị quyết (mục tiêu là 15 nghìn lao động). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.

Đánh giá kết quả chung trên các lĩnh vực của năm 2019 và dự ước cho cả giai đoạn 2015-2020, chúng ta thấy:

1. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó khu vực công nghiệp xây dựng tăng nổi trội tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa làm nên chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế. Đây là điểm nhấn quan trọng phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015-2020.

2. Thu chi ngân sách nhà nước đạt kết quả cao đáp ứng được các nhiệm vụ chi quan trọng của địa phương, trong đó có điều kiện để tăng chi cho lĩnh vực quan trọng như giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và môi trường là những nhân tố góp phần quyết định vào tăng trưởng bền vững.

3. Số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tăng nhanh. Bình quân 04 năm (2016-2019) số doanh nghiệp tăng 20%/năm, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng bình quân 30,2%/năm, doanh nghiệp dân doanh tăng bình quân 20,1%/năm. Kéo theo đó là lực lượng lao động làm việc có đào tạo trong các doanh nghiệp tăng lên; vốn sản xuất tăng lên; thu nhập bình quân của người lao động tăng lên nhất là lao động trong khu vực FDI.

4. Những năm vừa qua, Thái Nguyên tiếp tục có những giải pháp chính sách khơi thông nguồn lực nội địa và kéo nguồn lực bên ngoài vào Thái Nguyên; thực hiện cải cách hành chính; nâng chỉ số hài lòng của doanh nghiệp và người dân với chính quyền; những chính sách an sinh xã hội hợp lòng dân nên nhiều nhà đầu nước ngoài, trong nước và nội địa tỉnh vào tìm hiểu đầu tư và đầu tư làm ăn rất lớn. Dự ước cả giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 238.000 tỷ đồng, con số này nói lên sức thu hút, môi trường đầu tư kinh doanh của Thái nguyên vô cùng thuận lợi và nó cũng tạo động lực, tác động trở lại cho tỉnh Thái nguyên phát triển nhanh, bền vững cùng cả nước.

Tuy nhiên khó khăn chưa hết. Nhìn thẳng vào thực tế cho thấy mặc dù tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng quy mô kinh tế khu vực vốn nội địa chiếm tỷ trọng nhỏ, phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của khu vực có vốn FDI. Doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc ngân hàng và một số doanh nghiệp hiệu quả kinh doanh thấp. Đây là dấu hiệu của sự tăng trưởng không bền vững. Trong công nghiệp, các ngành tạo ra tỷ lệ giá trị giá tăng cao như chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến gỗ… chiếm tỷ trọng thấp, chủ yếu vẫn là công nghiệp sản xuất lắp ráp điện tử có chi phí trung gian lớn. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp hạn chế nên năng suất và giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp thấp dù tiềm năng trong nông nghiệp rất lớn. Chưa có đột phá trong phát triển dịch vụ. Quy mô và giá trị của ngành lưu trú, dịch vụ du lịch rất nhỏ, tính liên kết vùng còn hạn chế, chưa phát huy tốt lợi thế so sánh, tiềm năng sẵn có để phục vụ nhu cầu phát triển. Việc triển khai thực hiện một số chương trình, dự án, công trình trọng điểm còn chậm. Có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng tiến độ thực hiện chậm, thậm chí có công trình chưa triển khai, hiệu quả thấp, gây lãng phí. Đời sống của một bộ phận nhân dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số miền núi còn gặp khó khăn. Đó là những trăn trở mà năm 2020 phải tiếp tục có nhiều giải pháp xử lý.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế tiến độ thi công Dự án đường Bắc Sơn kéo dài

Không có quá trình phát triển kinh tế - xã hội nào mà chỉ có thuận lợi, nhất là trong quá trình vừa làm vừa tìm tòi thử nghiệm trong khi dưới tác động của toàn cầu hóa và khoa học công nghệ chuyển đổi nhanh như hiện nay. Do đó khó khăn là điều được dự đoán trước. Vấn đề là cần vững tin vào chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, vận dụng cụ thể vào điều kiện cụ thể của Thái Nguyên. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Nguyên đưa ra 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong năm 2020, đó là:

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược; tiếp tục thực hiện các giải pháp thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế;

Bám sát phương châm hành động của Chính phủ, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng làm rõ trách nhiệm, phân cấp, đi sâu đi sát cơ sở;

Thực hiện một số giải pháp đối với sản xuất nông, lâm, thủy sản nhằm phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực;

Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân;

Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu;

Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế; thực hiện các biện pháp siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí;

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế;

Làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội.

Có trách nhiệm, có quyết tâm, có sáng tạo, có sự đồng lòng góp sức của nhân dân, tôi tin tỉnh Thái Nguyên sẽ hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Đó cũng là khát vọng, mong muốn của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên khi chuẩn bị đón Xuân Canh Tý 2020.

Nguồn: thainguyen.gov.vn

Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh