Truy cập nội dung luôn

'Rộng đường' phát triển thương mại điện tử

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô với mức doanh thu đạt 7 tỷ đô la Mỹ (USD) trong năm 2020, chỉ đứng sau Indonesia (32 tỷ USD) và Thái Lan (9 tỷ USD).

Tới năm 2025, thương mại điện tử của Việt Nam có thể sẽ đạt quy mô thị trường khoảng 29 tỷ USD. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Theo dự đoán của Google, Temasek và Bain & Company, tới năm 2025, thương mại điện tử của Việt Nam có thể sẽ đạt quy mô thị trường khoảng 29 tỷ USD, tăng trưởng 34% - mức cao nhất trong khu vực. Hiện nay, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam với những thương hiệu như Thế giới Di động, Tiki, Sendo, Lazada, Shopee, Bách hóa Xanh và FPT Shop.... đang tích cực đổi mới để đón đầu xu hướng trong bối cảnh hội nhập.  

Sự phát triển không ngừng của thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian qua đã đóng góp lớn vào phát triển kinh tế. Song thực tiễn lại đang phát sinh một số vấn đề bất cập. Theo đó, nhiều khung khổ pháp lý và quy phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực này đã không còn phù hợp, khó đáp ứng các yêu cầu về quản lý; thậm chí, gây nên không ít vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình thực thi.   

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại vả Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hoạt động giao dịch trên các sàn thương mại điện tử đang diễn ra ngày càng sôi động và tăng trưởng nhanh cả về quy mô, giá trị. Dù, thương mại điện tử đang trở nên quen thuộc và có sức lan tỏa rộng rãi đến mọi người, mọi nhà, song, còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ; cùng với đó là những chồng lấn pháp lý khiến lĩnh vực này đang trở nên khó kiểm soát và chưa đem lại hiệu quả như mong đợi.

Ông Tuấn chỉ ra những bất cập như quy định quản lý thông qua điều kiện kinh doanh cấp giấy phép hoạt động trên môi trường mạng; vấn đề bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ đối với các loại tài sản trong kinh tế số chưa thực sự rõ ràng, hiệu quả; các mô hình kinh doanh, dịch vụ trên nền tảng kinh tế số phát triển khá nhanh, nhưng lại chưa có nhiều biện pháp quản lý… 

Do đó, ông Tuấn đề nghị có sự sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử đáp ứng được yêu cầu đảm bảo môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong thương mại điện tử; đồng thời không để môi trường thương mại điện tử bị lợi dụng hay trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật...

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần VCCorp cho biết, phải quản lý được hàng hóa phục vụ và đăng tải trên nền tảng mạng internet để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, tránh bán hàng giả hàng nhái đối với các sản phẩm bảo hộ sở hữu trí tuệ.  Phải quản lý được vấn đề lừa đảo, mạo danh để bán hàng. Cùng đó làm thế nào để quản lý thuế của người bán hàng trên môi trường mạng xã hội tạo ra sự cạnh tranh công bằng.

Liên quan tới những vướng mắc về thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp thương mại điện tử đang phải đối diện, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SB Law cho biết, việc yêu cầu khi cấp, điều chỉnh, thay đổi đăng ký các giấy tờ kinh doanh phải xin ý kiến của Bộ Công Thương sẽ gia tăng áp lực về các thủ tục hành chính mà doanh nghiệp cần thực hiện. Bởi khi làm thủ tục đầu tư, doanh nghiệp đã phải xin giấy phép từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc hỏi lại ý kiến Bộ Công Thương khi điều chỉnh, sẽ chồng chéo và gây xung đột vì chức năng cấp phép đầu tư thuộc cơ quan đăng ký đầu tư.

Một vấn đề khác được xem là bất cập pháp lý về thương mại điện tử, theo Luật sư Choi Ji Ung, Giám đốc Công ty TNHH Luật ASEAN Law Firm, đó là thiếu chế tài quy định việc xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử qua mạng xã hội. Bên cạnh website thương mại điện tử, các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, được sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam, hiện số người sử dụng các diễn đàn mạng xã hội để mua sắm trực tuyến rất lớn. Do đó, quản lý các mạng xã hội kinh doanh thương mại điện tử cũng không kém phần cấp thiết.  

Hay như chưa có các quy định rõ ràng đối với danh sách các website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Mặc dù, theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương công bố công khai trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử danh sách các website thương mại điện tử bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng không quy định chi tiết quy chế xác thực các phản ảnh đó, cũng như không có chế tài cho việc phản ánh sai sự thật, dẫn tới rủi ro các đối thủ cạnh tranh lợi dụng phản ánh lẫn nhau.

Để quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử được hiệu quả và giảm thiểu tối đa những bất cập phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật, theo Luật sư Choi Ji Ung, cần bổ sung các quy định về cách thức quản lý các mạng xã hội kinh doanh thương mại điện tử; phân quyền quản lý cụ thể, rõ ràng cho các cơ quan quản lý có liên quan; đưa ra các chế tài có sức răn đe tương ứng với các hành vi vi phạm.

Tiếp đó, cần phát triển hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử, đẩy mạnh hơn nữa các dịch vụ công như: hải quan điện tử; kê khai thuế và nộp thuế điện tử; thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu điện tử,…

Đại diện thương hiệu Long Châu - cơ sở chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh thanh long sấy tại tỉnh Long An, ông Lý Minh Đường cho biết, để phát triển thị trường và đưa các mặt hàng nông sản, đặc sản của địa phương vươn xa thị trường trong nước và quốc tế, các nhà sản xuất đều nhận thức, hiểu rõ vai trò của thương mại điện tử và mong muốn đón nhận thêm nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh khi tham gia vào "sân chơi" này. Tuy nhiên, chi phí để đưa sản phẩm xuất hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử hiện rất tốn kém. Nhiều sàn giao dịch trong nước yêu cầu mức chiết khấu, hoa hồng cho nhà cung cấp nền tảng thương mại điện tử rất cao, từ 25 - 30% giá trị mặt hàng. Điều đó khiến đẩy giá thành sản phẩm lên cao và giảm sức cạnh tranh không chỉ của mặt hàng mà cả uy tín của doanh nghiệp.

Chưa kể, nếu muốn tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, Amazon..., sản phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chí về xuất xứ, chứng nhận của thị trường nhập khẩu. Do đó, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều mong muốn được Nhà nước và chính quyền các địa phương hỗ trợ nhiều hơn hoặc xây dựng các cơ chế tài chính để doanh nghiệp hoặc các cơ sở sản xuất dễ tiếp cận hơn tới thương mại điện tử, ông Đường nhấn mạnh.

Ngọc Quỳnh (TTXVN
baotintuc.vn