Truy cập nội dung luôn

Để kinh tế tư nhân tăng tốc

Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 10/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng, ngay tuần đầu sau tết Tân Sửu, Thường trực Chính phủ đã họp thảo luận Đề án về đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước để phát triển kinh tế, trong đó chú trọng tạo các điều kiện cho kinh tế tư nhân tăng tốc, bay xa.

Hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2021- Nguồn: Tổng cục Thống kê

Những dấu ấn

Sau 35 năm đổi mới, từ chỗ bị hạn chế phát triển, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có những bước tiến lớn, trở thành một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Một trong những dấu mốc quan trọng là Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” với quan điểm rõ ràng: 

Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Đồng thời, Nghị quyết cũng nhấn mạnh khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ như nêu trên của Đảng ta, số lượng doanh nghiệp mới đăng ký gia tăng nhanh. Trong giai đoạn 2016 - 2018, trung bình mỗi năm có 122.744 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.221.744 tỷ đồng, tăng 49,3% về số doanh nghiệp và tăng 155,8% về số vốn so với giai đoạn 3 năm trước đó. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 6/2019, tính lũy kế đã có gần 1,3 triệu lượt đăng ký thành lập mới của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Tuy gặp vô vàn khó khăn do đại dịch COVID-19 song trong tháng 01/2021 vừa qua, đã có hơn 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn hơn 155.000 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng nhanh về tổng số vốn của các doanh nghiệp tư nhân cũng chưa bao giờ lớn như hiện nay. Khoảng 546 tỷ USD đã được các doanh nghiệp Việt Nam huy động và đưa vào nền kinh tế chỉ trong vòng 15 năm (2000 - 2015), trung bình 36,4 tỷ USD mỗi năm. Con số này vượt xa số vốn FDI hằng năm đăng ký và thực hiện và nguồn vốn ODA được giải ngân tại Việt Nam trong cùng giai đoạn. Tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng tới 114 lần trong giai đoạn 2000 - 2015. Đây là tốc độ tăng trưởng kỷ lục, nhanh hơn rất nhiều so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngày 14/6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà máy ô tô VinFast - Ảnh: VGP

Trong 5 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam được thế giới biết đến qua những tên tuổi các tập đoàn tư nhân như: Vingroup, Sun Group, T&T Group, Thaco, Vietjet, TH True Milk, Masan... Với việc Vingroup quyết định đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô đã đưa thương hiệu ô tô Việt Nam (VinFast) vươn tầm quốc tế. Ngày 14/6/2019, dự lễ khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự ngạc nhiên lớn chỉ sau đúng 650 ngày thi công, nhà máy đã đi vào hoạt động. Điều này cho thấy khát vọng lớn và ngọn lửa nhiệt huyết cháy bỏng trong những con người đã chung tay góp trí làm nên một dự án có thể gọi là kỳ tích của ngành ô tô Việt Nam cũng như thế giới.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân khác đã đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh, xã hội. Việt Nam hiện nay đã có doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán vượt con số 1 tỷ USD. Khu vực kinh tế tư nhân cũng tích cực tham gia giải quyết những khó khăn, tạo thêm công ăn, việc làm cho nền kinh tế nước ta, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang bị tác động bởi các yếu tố bất định như dịch COVID-19; biến đổi khí hậu, hiện tượng cực đoan của thời tiết, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn...

Một số bất cập

Bên cạnh những thành quả to lớn mà kinh tế tư nhân đem lại trong thời gian qua, có thể thấy, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, làm hạn chế khả năng của các doanh nghiệp trong đổi mới kỹ thuật, công nghệ và nâng cao năng suất lao động. Nếu như tính cả gần 4 triệu hộ kinh doanh, bức tranh về quy mô doanh nghiệp trong nước của Việt Nam còn mất cân đối hơn vì hều hết các hộ kinh doanh đều có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Mặc dù các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong tạo sinh kế và việc làm cho hàng triệu người trên cả nước, song các chủ thể này nếu không phát triển hơn về quy mô, cải thiện phương thức sản xuất kinh doanh thì nước ta sẽ khó có thể hiện thực hóa được các tiềm năng, lợi thế để nâng cao năng suất lao động; đồng thời, sức chống chịu với đại dịch COVID-19 cũng vô cùng khó khăn, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm dừng hoạt động, nhất là trong lĩnh vực du lịch, vận tải.

Cũng vì đa phần doanh nghiệp tư nhân trong nước nhỏ và siêu nhỏ, vị thế khiêm tốn trong chuỗi hoạt động sản xuất thương mại toàn cầu nên khó có thể hưởng lợi được một cách tốt nhất từ các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Về mặt quản lý Nhà nước (QLNN) đã có những bước tiến mới, song còn không ít rào cản. Chẳng hạn, năm 2016, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, trong đó quy định có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Với 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng lại có tới 6.191 điều kiện kinh doanh (ĐKKD).

Cải cách thủ tục hành chính nói chung và cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD nói riêng luôn là một trong những nội dung trọng tâm của đổi mới thời gian qua bởi đây chính là sự khác biệt giữa tư duy QLNN của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và kinh tế thị trường, giữa vai trò của nhà nước quản lý bằng mệnh lệnh hành chính với nhà nước kiến tạo phát triển. Các kết quả trong lĩnh vực trên luôn được người dân và doanh nghiệp vui mừng, đón nhận nhưng lại rất khó đạt được mục tiêu, mặc dù đã có cố gắng. Một trong những nguyên nhân được một số chuyên gia và người dân nhắc đến là sức ì của một số cơ quan chức năng và lợi ích nhóm. Bên cạnh những tiến bộ ở một số bộ, ngành chủ động tạo ra những chuyển biến thực chất được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, có không ít ý kiến cho rằng giảm số lượng ĐKKD ở nhiều nơi có thể chỉ được làm một cách đối phó, cơ học gộp 2 thành 1 hoặc chuyển thành điều kiện khác, hoặc chỉ tập trung vào những quy định nhỏ, lĩnh vực ít tác động…

Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính cản trở những nỗ lực đổi mới thực chất. Mặt khác, tư duy “nghiện quản lý”, nếu không quản lý được thì cấm vẫn còn xuất hiện ở một số cơ quan QLNN. Trong một số quy định chưa làm rõ được bản chất, mục đích ban hành. Chẳng hạn, tại sao cần thông tin đó (như về số series bình ga chiết nạp hằng ngày)? Các doanh nghiệp kinh doanh khí cho rằng, quy định này rất khó thực hiện và làm khó doanh nghiệp, vì có trạm chiết nạp gas sản xuất một ngày cả ngàn bình gas, nên việc ghi các thông số trên là việc làm thủ công rất tốn thời gian, chi phí nhân công của doanh nghiệp. Tại sao quy định ở mức đó (như về điều kiện không gian tối thiểu cho văn phòng là 8 m2/người, phải thuê ổn định trong 2 năm)? Quy định như thế là để làm gì, có thực sự cần thiết và hợp lý?...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 18/2 - Ảnh: VGP

Để kinh tế tư nhân cất cánh bay xa

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đề án đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng lần này nhấn mạnh phải phát triển kinh tế số trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nên các nhóm giải pháp hướng tới mục tiêu đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng công nghệ số, Chính phủ số. Đồng thời, cần phải chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển.

Song song với mục tiêu lớn nêu trên, có những mục tiêu khác cũng cần có nhiều nỗ lực, cố gắng trong tổ chức triển khai như việc xây dựng chính sách dựa trên nguyên tắc tôn trọng quy luật thị trường, nguyên tắc và thông lệ quốc tế; môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt chất lượng tương đương các nước ASEAN-3 (Singapore, Thái Lan và Malaysia); nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; mở rộng sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong cung ứng dịch vụ công, xây dựng kết cấu hạ tầng; bảo đảm tính công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức, không phân biệt thành phần kinh tế...

Có thể nói Đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần này tập trung vào đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý Nhà nước về kinh tế tư nhân; tách bạch rõ ràng giữa QLNN và quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phát triển kinh tế số, Chính phủ số. Điều này thể hiện rõ trong việc Đề án đề xuất 5 nhóm giải pháp mới và 25 nhiệm vụ.

Chẳng hạn, nhóm giải pháp về vai trò định hướng, quy hoạch và điều tiết phát triển kinh tế, quản lý nhà nước tập trung vào nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, định hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quản lý, điều tiết vĩ mô, phát triển các doanh nghiệp vừa và lớn trong việc dẫn dắt các ngành kinh tế... Nhóm giải pháp về vai trò tạo lập khung khổ chính sách, pháp luật với mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường thể chế, gỡ bỏ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế theo quy luật của thị trường, thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế; phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số doanh nghiệp...

Nhóm giải pháp về vai trò can thiệp gián tiếp vào đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp và phân bổ nguồn lực phát triển kinh tế sẽ thực hiện theo cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng, hình thành chuỗi giá trị để thúc đẩy cạnh tranh và sự phát triển bao trùm...

Dành nhiều sự quan tâm đến việc thực hiện mục tiêp ‘kép’ vừa chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển nền kinh tế, nên ngay tuần đầu sau Tết Tân Sửu (ngày 18/2), cuộc họp Thường trực Chính phủ đã tập trung thảo luận Đề án đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí đưa các nội dung của Đề án vào Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững; tập trung tháo gỡ về thể chế chính sách, pháp luật, giải phóng sức sản xuất và nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đây chính là những tín hiệu rất tốt đẹp trong tháng Giêng, tháng đầu tiên của mùa Xuân Tân Sửu. Tin chắc rằng, các rào cản, bất cập sẽ được tháo gỡ trong thời gian không xa, để có một không gian, môi trường ngày càng rộng mở hơn nữa cho kinh tế tư nhân tăng tốc, cất cánh bay xa, góp phần tích cực thực hiện thành công Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng.

Lê Việt
chinhphu.vn