Truy cập nội dung luôn

“Cây làm giàu” của người dân La Hiên

Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, cây na đã được người dân xã La Hiên (Võ Nhai) đưa vào trồng từ vài chục năm trở lại đây. Hiện nay, xã La Hiên có diện tích trồng na lớn nhất trong huyện. Để nâng cao giá trị sản phẩm, huyện Võ Nhai và chính quyền xã La Hiên đã luôn quan tâm chú trọng các biện pháp nhằm phát triển sản xuất na theo hướng nông nghiệp tốt (VietGAP), na an toàn.

 

Thung lũng na ở xóm Lân Hồng, xã La Hiên

Với thổ nhưỡng vùng cao núi đá thích hợp cho phát triển cây na và sớm áp dụng phương thức canh tác tiên tiến theo mô hình chuyên canh, từ hàng chục năm trở lại đây, La Hiên đã trở thành vùng trồng na lớn nhất tỉnh Thái Nguyên. So với các vùng trồng na khác trong tỉnh, na La Hiên có quả to đều, vị ngọt đậm, thơm, thanh mát, ít hạt, vỏ mỏng. Chính yếu tố đặc trưng này đã giúp quả na La Hiên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Để có sản phẩm na thơm ngon, đẹp mã, người trồng na ở La Hiên luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình canh tác. Một trong những khâu quan trọng trong quá trình chăm sóc cây na là công đoạn thụ phấn. Công đoạn này thường được bà con tiến hành vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 hàng năm. Theo nhiều nông dân ở đây cho biết, việc thụ phấn na sẽ chủ động được mật độ quả, làm tăng chất lượng, bán được giá cao hơn. Chị Chu Thị Quy ở xóm Hiên Minh hiện có hơn 8 sào na đều đã cho thu hoạch. Để nâng cao giá trị quả na, từ nhiều năm trước chị cũng như nhiều hộ trồng na trong xóm tham gia nhiều lớp tập huấn về khoa khọc kỹ thuật do xã, huyện tổ chức để có thêm kiến thức trong việc sản xuất na an toàn. Chị Quy cho biết, cây na được gia đình chị đưa vào trồng vào khoảng 30 năm nay, nhưng để trồng nhiều và sản xuất theo quy mô hàng hóa thì chỉ vào khoảng 15 năm trở lại đây. Trong năm 2019, hơn 8 sào na của gia đình chị Quy cho thu nhập khoảng trên 130 triệu đồng, ước tính vào khoảng 15 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Từ cây na, gia đình chị đã có nhà khang trang, kiên cố, đầy đủ tiện nghi, mua sắm được máy móc phục vụ sản xuất.

Người nông dân xã La Hiên chăm sóc cây na

Từ năm 2016, sản phẩm na La Hiên được cấp Giấy Chứng nhận bảo hộ tập thể. Điều này đã giúp cho na - loại quả đặc sản của người dân La Hiên có cơ hội vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh, vào các siêu thị, các cửa hàng lớn.

Trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, na an toàn là trồng theo quy trình và được chứng nhận kiểm định của cơ quan chuyên môn. Vì vậy, sản phẩm na đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc… Cùng với đó, na ít sâu bệnh và giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay, toàn xã La Hiên có khoảng 260 ha na, để phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, xã đã thành lập các tổ trồng na an toàn. Đặc biệt năm 2018, xã La Hiên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Na La Hiên”. UBND xã La Hiên đã giao cho Hội Nông dân xã là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể “Na La Hiên”... Để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm na La Hiên trên thị trường, đem lại giá trị kinh tế cao cho người trồng na, năm 2019 xã La Hiên đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp Thái Nguyên đầu tư sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP tại 4 xóm là: Hiên Minh, Hiên Bình, Xuân Hòa và La Đồng với tổng diện tích 40 ha với 155 hộ trồng na tham gia.

Các hộ trồng na ở đây cũng cho biết, sản suất na theo tiêu chuẩn VietGAP không khó nhưng đòi hỏi chủ vườn phải thực hiện đúng quy trình từ khâu chăm sóc đến bảo quản và thu hoạch. Không chỉ có gia đình chị Quy thực hiện sản xuất na theo quy trình an toàn, mà trong những năm gần đây bà con trồng na ở La Hiên đều quan tâm đến việc chăm sóc quả na của địa phương mình theo hướng an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập từ cây na.

Sản lượng na mỗi năm của xã La Hiên đạt khoảng trên 3.000 tấn, doanh thu mỗi năm khoảng 77 tỷ đồng. Nhờ trồng na, nhiều hộ dân trong xã La Hiên có thu nhập khoảng 200 đến 250 triệu đồng/năm, đặc biệt có hộ thu nhập tới 400 triệu đồng/năm. Hiện nay, xã La Hiên có 7 tổ hợp tác và 1 tổ hội nghề nghiệp liên quan đến sản phẩm quả na. Các tổ hợp tác và tổ chức hội nghề nghiệp đều hoạt động tốt, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và cùng phát triển kinh tế, thu lợi nhuận từ na.

Điểm tập kết na để bán cho thương lái tại chợ na La Hiên

Trong thời gian tới, xã La Hiên tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân chuyển dần diện tích đất trồng các loại cây khác kém hiệu quả sang trồng cây na, dần đưa diện tích na ngày càng tăng thêm. Đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người trồng na với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh để người dân có thể tăng thu nhập từ cây na một cách hiệu quả, thuận tiện nhất. Từ việc phát triển cây na, La Hiên đã trở thành một trong những xã có tốc độ phát triển kinh tế cao hàng đầu ở huyện Võ Nhai.

Cùng với việc phát triển cây na ở La Hiên, những năm gần đây, huyện Võ Nhai đã xây dựng Dự án Phát triển cây na ở những xã có cùng đặc điểm thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng na như: Phú Thượng, Lâu Thượng, Dân Tiến theo mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn VietGAP, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn lực xây dựng quê hương Võ Nhai ngày càng phát triển.

Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII vừa qua, Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” được thông qua. Theo nội dung của Đề án, cây na là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thái Nguyên. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để cây na có cơ hội được đầu tư, phát triển mạnh mẽ không chỉ ở La Hiên, Võ Nhai mà trên nhiều địa phương trong toàn tỉnh.

 

Hương Ly - Anh Tuấn
thainguyen.gov.vn