Truy cập nội dung luôn

Chuyển đổi số giáo dục - Thay đổi nhận thức, hành động mạnh mẽ

Xác định chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và giảng dạy là khâu đột phá để nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục đào tạo (GD&ĐT), thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, để “thay đổi nhận thức, hành động mạnh mẽ”.

Tỉnh Thái Nguyên phát động phong trào "Bình dân học AI" trong ngành GD&ĐT

Thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, từ đó giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục. Toàn tỉnh đã có trên 18.000 lượt cán bộ, giáo viên được tập huấn về chuyển đổi số, đội ngũ nhà giáo ngày càng chủ động trong việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Ngành giáo dục cũng tổ chức nhiều chương trình đào tạo chuyên biệt về kỹ năng số cho đội ngũ cốt cán. Đến nay, toàn ngành đã thực hiện được 5,7 triệu tiết học trực tuyến, 100% trường phổ thông tham gia triển khai giảng dạy trực tuyến kết hợp trực tiếp. Toàn ngành có 100% cơ sở sử dụng phần mềm quản lý, từ đó giảm 40% thời gian xử lý công việc hành chính, tăng hiệu quả quản lý toàn diện; việc áp dụng các phần mềm quản lý đã liên thông dữ liệu giữa các cấp quản lý được nhanh chóng, tác động tích cực giúp cho công tác quản trị được minh bạch…

Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc GD&ĐT tỉnh cho biết: Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà còn là nhu cầu tất yếu, là động lực then chốt để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là ứng dụng công nghệ số mà quan trọng hơn là thay đổi tư duy, đổi mới phương pháp, nâng cao năng lực số từ mỗi giáo viên, học sinh và toàn bộ hệ thống quản lý giáo dục. Trên cơ sở đó, chúng tôi đang tập trung các giải pháp đồng bộ để chuyển đổi số giáo dục tỉnh Thái Nguyên đạt hiệu quả thực chất. 

 Học sinh Trường THCS Chu Văn An (TP. Thái Nguyên) tham gia khóa học trải nghiệm công nghệ số STEM tại Trung tâm số, Đại học Thái Nguyên

Xác định vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng trường học số, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đã tập trung các giải pháp đồng bộ để xây dựng mô hình trường học số, trở thành điển hình trong toàn tỉnh. Trong đó, Nhà trường tập trung vào 4 nội dung trọng tâm: Quản lý điện tử, dạy và học trực tuyến, học liệu số, kết nối và tương tác. Chia sẻ về việc triển khai dạy và học trực tuyến, cô giáo Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Tận dụng lợi thế của công nghệ số, nhà trường đã giới thiệu, khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng các nền tảng trực tuyến mở, nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa trong quá trình học tập của học sinh. Hiện nay có rất nhiều nền tảng đã được chúng tôi giới thiệu đến học sinh và phụ huynh học sinh như: Hệ sinh thái Aeglobal, bài học số, Vioedu, IOE… Các ứng dụng này được các thầy cô giáo, các em học sinh sử dụng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy học các môn học trong Nhà trường.

Là giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy, cô giáo Ngô Thị Minh, Trường THCS Chu Văn An cho rằng, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là đáp ứng công nghệ mà còn là cuộc cách mạng về tư duy số, phương pháp và cách tiếp cận. Để chuyển đổi số trong giáo dục thành công. Cô Minh bày tỏ quan điểm: Giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi số, bởi vậy người giáo viên phải tự nâng cao kiến thức để đáp ứng yêu cầu. Theo tôi, mỗi người giáo viên cần trang bị tư duy số, năng lực số cơ bản; nắm vững phương pháp và kỹ thuật dạy học để có thể tích hợp các hoạt động có sử dụng AI trong lớp học một cách hiệu quả; giúp học sinh trang bị nhận thức và kỹ năng về AI để sử dụng hợp lý và bổ trợ cho việc học tập. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải là người giảng dạy cho người học về đạo đức AI, tính bảo mật an toàn thông tin cá nhân và tư duy phản biện trong việc sử dụng các công cụ AI. Đồng thời, giáo viên cũng phải đánh giá được những thay đổi và tác động của AI đối với sự phát triển kiến thức, năng lực và kỹ năng số của người học.

Tiết học kết nối tri thức giữa Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Thái Nguyên) và Trường Tiểu học Lê Lợi (TP.Vinh, Nghệ An)

Thực hiện Chỉ thị 07/CT-UBND ngày 19/3/2025 về việc thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên, ngành GD&ĐT tỉnh đang nỗ lực xây dựng các mô hình điểm về chuyển đổi số tại tất cả các cấp học. Trong đó, đối với trường tiểu học số, trường THCS số và trường THPT số, sẽ tập trung dùng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tập trung vào 5 giá trị cốt lõi.

- Đưa AI vào mọi cơ sở giáo dục đào tạo từ cấp tiểu học trở lên

- Giáo dục tinh thần thượng võ hướng tới một cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, có khả năng lao động, cống hiến lâu dài, nâng cao tuổi thọ, sức khoẻ, trí tuệ, sự minh mẫn;  

- Phát triển văn minh trà Việt, trong đó có Thái Nguyên, để mỗi người dân Thái Nguyên là một đại sứ về trà, Thái Nguyên trở thành thủ phủ trà của Việt Nam và thế giới.

- Phát triển văn hoá đọc để không ngừng tự học, học tập suốt đời, bổ sung tri thức mới, theo kịp những thay đổi nhanh chóng của thời đại; đào tạo ngoại ngữ, tiếng Anh và thêm một ngoại ngữ khác để tự tin bắt tay với thế giới, chủ động khám phá thế giới, tiếp nhận tri thức thế giới.

- Tinh thần khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để giải quyết các vấn đề, bài toán giải quyết các vấn đề từ thực tiễn cuộc sống.

Thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số, không chỉ có quyết tâm phát huy nội lực, tỉnh Thái Nguyên cũng nhận được nhiều sự tham gia, ủng hộ và đồng hành của các tập đoàn, chuyên gia hàng đầu, các nhà khoa học trong lĩnh vực chuyển đổi số và khoa học công nghệ. Ông Lê Công Thành, Giám đốc InfoRe Technology chia sẻ: Tỉnh Thái Nguyên giữ vững vị trí trung tâm vùng trong chuyển đổi số, đặc biệt việc triển khai phong trào “Bình dân học AI” trên địa bàn tỉnh như một chiến lược quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đồng hành cùng Thái Nguyên, chúng tôi đã thiết kế chương trình học bổng “Luyện AI” dành tặng riêng các nhà giáo của Thái Nguyên với hy vọng sẽ cùng với địa phương xây dựng một thế hệ nhà giáo Thái Nguyên giàu trí tuệ số, dẫn dắt học sinh bước vào tương lai với hành trang tri thức vững vàng.

"Giáo dục là quốc sách hàng đầu", đây cũng là lĩnh vực được ưu tiên trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với cả nước, với tinh thần “thay đổi nhận thức, hành động mạnh mẽ”, ngành GD&ĐT Thái Nguyên đang bước những bước đi vững chắc để tạo ra những đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong toàn ngành, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.  

Phương Thảo
thainguyen.gov.vn