Đạo đức AI: thách thức và hướng đi
2025-04-18 14:23:00.0
Trách nhiệm trong phát triển AI. (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia ví AI như những “cỗ máy” do các kỹ sư công nghệ chế tạo ra, có hành vi bắt chước con người và ngày càng tiệm cận trí tuệ thật.
Nếu AI không được thiết kế và kiểm soát chặt chẽ về mặt đạo đức, xã hội có thể đối mặt với nhiều hệ lụy.
AI có thể gây ra phân biệt đối xử về giới tính, sắc tộc nếu được phát triển trên dữ liệu thiên lệch. AI có thể thay thế nhiều công việc, đặt ra thách thức lớn cho thị trường lao động. Người khuyết tật, người ít sử dụng công nghệ, người dân tộc thiểu số… cần được hỗ trợ để không bị bỏ lại phía sau trong quá trình tiếp cận các dịch vụ tích hợp AI.
Phát triển AI cũng sẽ đặt ra những thách thức nhất định cho môi trường và tài nguyên. Việc thiết lập và duy trì các trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng cho điện toán đám mây, các siêu máy tính đòi hỏi năng lượng điện và lượng nước rất lớn, cũng như diện tích đáng kể để đặt các thiết bị.
Khi AI tham gia vào các lĩnh vực quan trọng như y tế, trách nhiệm giải trình sẽ ra sao nếu xảy ra sai sót trong chẩn đoán, điều trị? Việc bảo mật thông tin bệnh nhân nói riêng, bảo vệ dữ liệu cá nhân nói chung, cũng như bảo đảm tính chính xác của dữ liệu đều là các vấn đề được đặc biệt quan tâm…
Những nguy cơ nêu trên không chỉ đặt ra đối với Việt Nam mà còn với toàn cầu. Vì vậy, việc phát triển và ứng dụng AI cần được tính toán kỹ lưỡng, đi kèm với các cơ chế kiểm soát, điều hướng phù hợp.
Đạo đức AI yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc phát triển AI phải có trách nhiệm thiết kế, vận hành, khai thác “cỗ máy” này một cách minh bạch, công bằng và an toàn cho người dùng cũng như xã hội. Đồng thời, đạo đức AI cũng nhấn mạnh vai trò của toàn cầu, các quốc gia trong việc giải quyết các hệ lụy do AI tác động đến cuộc sống.
Phát triển AI đặt ra những thách thức nhất định cho môi trường và tài nguyên. (Ảnh minh họa)
Đảng, Nhà nước ta xác định mục đích cốt lõi của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm. Vì vậy, bên cạnh việc thúc đẩy, phát triển chúng ta đã chú trọng giảm thiểu những ảnh hưởng không mong muốn đến người dân trong quá trình chuyển đổi số.
Quốc hội đặt ra yêu cầu nghiên cứu các chính sách hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình sửa đổi Luật Việc làm.
Chúng ta đã ban hành Luật Dữ liệu năm 2024, đang tiến hành xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, sửa đổi Luật An ninh mạng... để góp phần kiểm soát rủi ro từ AI.
Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nghiên cứu nhiều giải pháp phục vụ người dân tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ hành chính thông minh. Mô hình hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội là một ví dụ…
Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra là làm sao cân bằng giữa thúc đẩy sáng tạo và giám sát tuân thủ đạo đức AI. Kiểm soát quá chặt có thể kìm hãm đổi mới, nhưng buông lỏng dễ dẫn đến những hệ lụy như đã chỉ ra.
Ngoài ra, khi triển khai đồng thời nhiều chiến lược và chương trình phát triển khoa học, công nghệ đòi hỏi sự tính toán, cân đối sao cho phù hợp khi nguồn lực có hạn.
Bài toán cân bằng giữa thúc đẩy sáng tạo và giám sát tuân thủ đạo đức AI. (Ảnh minh họa)
Trong bối cảnh này, sự chủ động của các hiệp hội chuyên ngành, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội… với việc đồng hành cùng Chính phủ để định hướng phát triển AI có trách nhiệm đóng vai trò rất quan trọng.
Mới đây, ngày 22/3/2025, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia đã ra mắt, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái dữ liệu vững mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và gia tăng giá trị dữ liệu trong nền kinh tế quốc dân.
Trước đó, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã thành lập Ủy ban Đạo đức Trí tuệ nhân tạo. Ủy ban này đang nghiên cứu để tham mưu cơ quan chức năng xây dựng Bộ quy tắc ứng xử đạo đức AI cho doanh nghiệp phát triển AI. Đồng thời, Ủy ban đề xuất xây dựng bộ dữ liệu chuẩn hóa, yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phát triển AI tại Việt Nam tuân thủ các tiêu chí nhất định.
Mô hình của VINASA cần được nhân rộng, khuyến khích, bởi rõ ràng, đạo đức AI không chỉ là vấn đề của cơ quan quản lý, mà cần sự chung tay của toàn xã hội.
Về lâu dài, Việt Nam cần xem xét xây dựng Chiến lược phát triển AI có trách nhiệm đặt trong tổng thể Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo, bảo đảm đầy đủ các giá trị: công bằng, bao trùm, minh bạch, an toàn và trách nhiệm giải trình.
Quan trọng hơn, việc tuân thủ pháp luật là yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức phải có nhận thức sâu sắc trong cả ý thức và hành động khi phát triển, ứng dụng AI.
Hệ thống pháp luật cần tiếp tục hoàn thiện để xác định rõ trách nhiệm pháp lý, thiết lập cơ chế xử lý vi phạm và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên liên quan trong môi trường số.
Những kinh nghiệm quốc tế cũng là cơ sở quan trọng để Việt Nam tham khảo, từ đó xây dựng mô hình quản trị AI phù hợp. Một hệ thống pháp luật hoàn thiện, một cơ chế giám sát hiệu quả sẽ giúp kiểm soát rủi ro, ngăn chặn việc lạm dụng công nghệ mà không làm cản trở đổi mới sáng tạo. Khi đó AI sẽ thực sự trở thành công cụ phục vụ con người và thúc đẩy tiến bộ xã hội.
nhandan.vn