Truy cập nội dung luôn

Vai trò của hợp tác xã trong việc nâng cao giá trị sản phẩm trà

                               Kiểm tra chất lượng sản phẩm ở HTX chè Hảo Đạt (Ảnh: Hải Triều)

Những năm gần đây, do được tăng cường đầu tư sản xuất, chế biến theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, chất lượng chè Thái Nguyên được nâng lên rõ rệt và khẳng định được vị thế trên thị trường; thể hiện ở sản lượng tiêu thụ, giá bán ổn định và tăng dần qua từng năm.

Để đạt được kết quả trên, bên cạnh các biện pháp về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường quảng bá thương hiệu, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc sản xuất những sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, một trong những giải pháp góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trà ở Thái Nguyên là sự ra đời và hoạt động của các mô hình hợp tác xã, nhóm hộ, làng nghề sản xuất và chế biến chè.

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 45 hợp tác xã, hàng nghìn tổ hợp tác, 198 làng nghề trồng, sản xuất chế biến và kinh doanh chè. Những mô hình sản xuất này đóng vai trò rất lớn trong việc tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trà Thái Nguyên.

Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh cho biết: Hầu hết các HTX chè hoạt động hiệu quả, được Liên minh đánh giá hàng năm thông qua thu nhập, đời sống của các hộ xã viên. Trung bình, mỗi xã viên HTX chè có thu nhập từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Cũng theo bà Hương, HTX đóng vai trò quan trọng trong chế biến tinh và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn thực hiện việc cung ứng giống, nguyên liệu đầu vào; chuyển giao khoa học kỹ thuật bằng cách tổ chức đào tạo tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân; đại diện cho thành viên tham gia các hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; thực hiện việc kết nối các thành viên tham gia các chương trình kinh tế xã hội của địa phương như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập người dân.

                                              

                                   Nông dân HTX chè Tân Hương thu hái chè

HTX chè Tân Hương, xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên là một trong những HTX chè ra đời đầu tiên và sau 18 năm vẫn đang hoạt động hiệu quả. Nguyên nhân là HTX luôn hướng hiệu quả cuối cùng đến xã viên. HTX đứng ra ký hợp đồng mua vật tư đầu vào và bán lại cho xã viên theo giá thấp hơn thị trường; lợi nhuận được trích lập các quỹ đầu tư mở rộng sản xuất và được sử dụng vào việc mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho các thành viên. Hàng năm, HTX đều đứng ra tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật như nếm cảm quan, kỹ thuật chế biến... Và điều đáng nói nhất mà HTX Tân Hương đã làm được trong thời gian qua là đảm bảo tất cả các sản phẩm chè của HTX khi ra thị trường đều là sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ.

Bà Vũ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX chè Tân Hương cho biết: HTX đã kiên trì xây dựng thương hiệu, tạo cho người nông dân thói quen sản xuất sản phẩm theo quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo nguồn nguyên liệu tốt cạnh tranh trên thị trường, hướng tới việc áp dụng quy trình  sản xuất ra sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu vào những nước khó tính nhất.

Bà Hiệp cũng chia sẻ: Vai trò của HTX với việc xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của chè là rất quan trọng. Nếu không có HTX thì một người hay một hộ gia đình không thể tạo ra một vùng nguyên liệu đồng đều đảm bảo an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn trong nước, quốc tế như VietGAP, UTZ. Một hộ gia đình không thể vừa sản xuất chế biến và mang sản phẩm đi tham gia hội chợ để tuyên truyền quảng bá. HTX còn là đơn vị có tư cách pháp nhân để thực hiện việc ký kết hợp đồng mua giống, nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm, liên kết sản xuất.

Còn đối với HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên lại có cách làm khác. Ở đây, HTX thực hiện việc cung ứng vật tư nguyên liệu đầu vào, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, đồng thời thu mua sản phẩm chè tươi và tổ chức chế biến toàn bộ sản phẩm. Để làm được điều này, HTX đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua gần 40 máy vò chè, 15 máy ốp hương, hàng chục máy sao chè để tổ chức sao tập trung. Với số máy móc ấy cộng thêm trên chục nhân công, mỗi ngày HTX có thể chế biến được 9 tấn chè búp tươi thành 4 đến 4,5 tạ chè búp khô. Do làm tốt việc quản lý chất lượng, giá thành, sản phẩm chè do HTX Hảo Đạt sản xuất ra đã tạo được uy tín trên thị trường, lượng chè sản xuất không đủ cung ứng. Với 60 hộ thành viên, HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, trong đó hàng chục lao động đã được HTX mua bảo hiểm xã hội. Đó cũng là những điều kiện quan trọng để xã viên gắn bó với HTX.

Một số dẫn chứng trên cho thấy vai trò quan trọng của HTX trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chè ở Thái Nguyên hiện nay. Tuy nhiên, các HTX còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn để đầu tư mở rộng sản xuất và trình độ quản lý của Ban chủ nhiệm. Các thành viên tham gia HTX đều là nông dân, việc huy động vốn để đóng góp không phải lúc nào cũng thuận lợi. Ban chủ nhiệm cũng xuất phát là người nông dân có uy tín với bà con trong vùng mà đứng ra thu mua, chế biến sản phẩm... do đó trình độ quản lý, điều hành còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, bên cạnh những HTX làm tốt việc xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm thì vẫn còn những HTX không quản lý được hết chất lượng sản phẩm của mình, do đó không duy trì và phát triển được thương hiệu.

Để khắc phục khó khăn này, tỉnh Thái Nguyên đã cho ra đời và đi vào hoạt động Quỹ hỗ trợ HTX để cho vay phát triển sản xuất đối với các HTX. Đồng thời Liên minh HTX cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Việc làm này đã giải quyết phần nào những khó khăn mà các HTX gặp phải. Nhưng về lâu dài để các mô hình HTX phát triển ổn định, cần có sự đánh giá hiệu quả hoạt động để xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tích cực hơn nữa cho các HTX.

Nguồn: thainguyen.gov.vn

Tác giả: Thu Hà