Truy cập nội dung luôn

Sẵn sàng hướng tới thị trường xuất khẩu

Hiện nay, dòng trà đặc sản chất lượng cao của Thái Nguyên đang được người tiêu dùng trong nước tin dùng và đánh giá cao. Các doanh nghiệp, hợp tác xã bên cạnh việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm còn chú trọng đầu tư cho mẫu mã, bao bì sản phẩm, xây dựng thương hiệu đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng.

 

 

Chè Thái Nguyên sạch từ nguyên liệu

Mặc dù vậy, ở tầm nhìn xa thì việc hướng đến thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường khó tính như: Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... mới có thể phát triển bền vững, nâng được giá trị, thu nhập cho trà Thái Nguyên. Chính vì thế, bên cạnh việc phát triển dòng trà xanh đặc sản, xuất khẩu sản phẩm trà chất lượng cao vào các thị trường khó tính vẫn là mục tiêu mà tỉnh Thái Nguyên hướng đến.

Trong lộ trình đưa sản phẩm trà vươn ra thế giới, tỉnh Thái Nguyên đã từng bước đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại các quốc gia, vùng lãnh thổ. Từ việc đăng ký bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, tỉnh Thái Nguyên đang xúc tiến thực hiện các thủ tục đăng ký tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là sự khẳng định đối với chất lượng trà Thái Nguyên, là tiền đề, cơ hội tốt để đưa trà Thái Nguyên vươn ra thị trường thế giới.

Với lợi thế đã được bảo hộ thương hiệu, đã có một vài doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài với các sản phẩm như trà xanh, trà matcha, kẹo dồi trà xanh… Tín hiệu đáng mừng là sản phẩm đã được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên đó mới chỉ là thành quả bước đầu, số doanh nghiệp, hợp tác xã đưa được sản phẩm chất lượng cao ra khỏi biên giới Quốc gia không nhiều, số lượng sản phẩm không lớn.

Tại xưởng sản xuất mỗi công đoạn đều được kiểm tra chặt chẽ

  Theo bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên: Cứ có sản phẩm ngon không có nghĩa là xuất khẩu được mà đó chỉ là bước khởi đầu. Muốn xuất khẩu được cần có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng ở thị trường mà chúng ta hướng đến. Muốn vậy các doanh nghiệp, hợp tác xã phải đầu tư công nghệ, máy móc để sản xuất sản phẩm mà thị trường cần; cung ứng đủ đơn hàng mà phía đối tác yêu cầu với chất lượng ổn định. Ngoài ra, sản phẩm còn phải được cấp các chứng chỉ an toàn thực phẩm như UTZ, Global GAP; truy xuất được mã số vùng trồng…”.

 Với những yêu cầu đó thì hiện tại không nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Thái Nguyên làm được. Bởi sản xuất chè ở Thái Nguyên chủ yếu là hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã. Toàn tỉnh có gần 100 hợp tác xã chè nhưng hầu hết ở quy mô nhỏ và vừa, khó có thể đáp ứng các đơn hàng lớn với chất lượng ổn định theo yêu cầu của đối tác nước ngoài. Hiện các địa phương mới đang trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn... Cần có thời gian để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng cho toàn bộ diện tích và sản lượng chè. Một lý do nữa cũng khiến người sản xuất chè chưa thật mặn mà với việc xuất khẩu là hiện tại, dòng trà đặc sản của Thái Nguyên đang có thị trường tiêu thụ trong nước rất tốt, giá cả tương đối ổn định, trong thời điểm hiện tại và tương lai gần, người làm chè vẫn “sống khỏe” nhờ thị trường này.

 Theo ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện các bước hỗ trợ, khuyến khích người nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm thực hiện các bước chuyển đổi mô hình và phương thức sản xuất. Cùng với việc hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã, hộ gia đình chuyển đổi mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, ngành đã và đang tiến hành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, đặc biệt là ở các vùng chè tập trung như: Tân Cương, La Bằng, Minh Lập, Sông Cầu, Tức Tranh, Phúc Thuận, Bình Sơn...; tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã có tiềm lực kinh tế đầu tư để chế biến sâu các sản phẩm phù hợp thị hiếu người châu Âu, Hoa Kỳ, mở rộng kênh tiêu thụ.

 Bên cạnh đó, ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong trồng và chế biến sản phẩm từ cây chè, tỉnh cũng đã giao cho Hội Chè Thái Nguyên xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ số để quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, thương mại sản phẩm chè Thái Nguyên” theo công nghệ Blockchain. Liên minh Hợp tác xã đã hỗ trợ người nông dân, hợp tác xã đưa các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là trà lên các sàn thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ quảng bá sản phẩm cho bà con bằng nhiều hình thức, trên nhiều nền tảng kỹ thuật số, kể cả mạng xã hội.

Cũng theo ông Dương Sơn Hà: Qua việc kiểm nghiệm chất lượng hàng năm thì hầu hết các mẫu chè được lấy ngẫu nhiên tại các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp đều có các chỉ số về an toàn thực phẩm ở mức cho phép. Điều đó thể hiện sự chuyển đổi trong nhận thức, ý thức của bà con nông dân trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài ra đã có những mô hình liên hiệp hợp tác xã manh nha ra đời nhằm liên kết sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã tạo thành chuỗi sản xuất, cung ứng, ổn định về chất lượng và có thể đảm bảo số lượng cho các đơn hàng lớn.

Với những giải pháp và bước đi hợp lý, Thái Nguyên tiến tới đạt được những tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính nhưng nhiều tiềm năng. Cũng chính là bước khởi đầu để trà Thái Nguyên sẵn sàng hội nhập, tiến từng bước vững chắc vào thị trường thế giới.

Với diện tích 22.400 ha chè, tỉnh Thái Nguyên đang có quy mô diện tích chè lớn nhất toàn quốc, với năng suất cao nhất, giá trị trên 1 ha cao nhất so với tất cả các tỉnh có chè trên cả nước. Cây chè là cây chủ lực của tỉnh cũng là cây chủ lực của quốc gia, có vị trí quan trọng để nâng cao sinh kế cho người dân.

 

 

Thu Hà
thainguyen.gov.vn